Tổng thống Duterte tiết lộ Trung Quốc đề nghị liên doanh dầu khí nếu Philippines lờ phán quyết Biển Đông

ANTD.VN - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị dành cho Manila cổ phần kiểm soát liên doanh năng lượng ở Biển Đông nếu họ gạt sang một bên phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế chống lại Bắc Kinh.

Cụ thể, ông Duterte cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với ông trong cuộc gặp gần đây rằng, nếu Philippines phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016, Trung Quốc sẽ đồng ý làm đối tác cơ sở trong liên doanh phát triển khí đốt tại Reed Bank, nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila.

Theo lời ông Duterte trước các phóng viên vào cuối ngày 10-9-2019 được Văn phòng Tổng thống công bố hôm nay 11-9: "Ông Tập Cận Bình có nói rằng, hãy gác các phán quyết của Tòa trọng tài sang một bên, sau đó cho phép mọi người kết nối với các công ty Trung Quốc để khai thác. Nếu có tài nguyên, các ông giữ 60%, còn lại của họ chỉ 40%. Đó là lời hứa của ông Tập”.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 30-8-2019

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp báo ngắn ngày 11-9 đã không đưa ra thông tin cụ thể về việc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo nhưng nói rằng, ông Tập Cận Bình lưu ý rằng hợp tác giữa hai nước sẽ mang lại tiến bộ lớn hơn trong việc khai thác tài nguyên trên biển.

Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh cho biết, ông Duterte đã bày tỏ sẵn sàng đẩy nhanh hợp tác khai thác dầu khí trên biển giữa Trung Quốc và Philippines. Đối với “một số tình huống cụ thể”, các nhóm làm việc giữa hai bên sẽ tham khảo ý kiến chặt chẽ.

Tòa án ở The Hague đã phán quyết rõ rằng, việc Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu hết toàn bộ Biển Đông là vô hiệu, nhưng Trung Quốc không công nhận phán quyết.

Bất kỳ thỏa thuận nào lờ đi phán quyết của Tòa Trọng tài và hợp tác với Trung Quốc sẽ là một trở ngại lớn cho các nước như Việt Nam, Malaysia, vốn có cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và cũng giống như Philippines bị lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đưa tàu vào bên trong khu vực Vùng đặc quyền kinh tế. Mỹ đã gọi đó là hành động bắt nạt và ép buộc nhằm mục đích từ chối các đối thủ cạnh tranh tiếp cận với nguồn năng lượng của các nước này.

Ông Duterte không cho biết, ông có đồng ý với lời đề nghị của phía Trung Quốc hay không nhưng tuyên bố sẽ bỏ qua một phần phán quyết liên quan đến EEZ để phục vụ hoạt động kinh tế.

Theo phán quyết của Tòa Trọng tài, Philippines có quyền hợp pháp trong khai thác mỏ khí mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền tại Reed Bank, cách bờ biển Philippines khoảng 140km. Hiện Philippines mới chỉ khai thác nguồn khí đốt tại các mỏ Malampaya mà dự kiến sẽ hết vào năm 2024.

Philippines và Trung Quốc đã bàn đến khả năng khai thác chung tài nguyên trên Biển Đông nhưng chưa đi đến đâu do vấn đề chủ quyền. Hoạt động chung này có thể được coi là hợp pháp hóa yêu sách chủ quyền của bên kia hoặc thậm chí từ bỏ quyền chủ quyền.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin ngày 11-9 nhắc lại lần nữa, phán quyết của Tòa trọng tài là “cuối cùng và mang tính ràng buộc”.