Toan tính đằng sau sự gia tăng các hoạt động của Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông

ANTD.VN - Thời gian gần đây, các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc đều gia tăng can dự cũng như đẩy mạnh hoạt động ở Biển Đông. Đằng sau những động thái này là những toan tính khác nhau.

Tàu USS Bunker Hill và tàu USS Barry của Mỹ trong chuyến tuần tra thực thi quyền tự do hàng hải trên Biển Đông

Biện pháp ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát Biển Đông

Đầu tháng 6 vừa rồi, Mỹ gửi công hàm tới Tổng thư ký Liên  hợp quốc phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vốn được nêu trong Công hàm ngày 12-12-2019 của Trung Quốc liên quan đến việc Malaysia mở rộng thềm lục địa. Khẳng định yêu sách của Trung Quốc “không phù hợp với luật pháp quốc tế”, công hàm của Mỹ kêu gọi các nước thành viên “đoàn kết tuân thủ luật pháp quốc tế và tự do trên biển”.

Trên thực địa, Hải quân Mỹ liên tục thực hiện các cuộc tuần tra gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép trên Biển Đông với tần suất ngày càng dày . Các số liệu mới được công bố cho thấy kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi lấp các rạn san hô thành đảo nhân tạo từ năm 2014, số đợt hoạt động tự do hàng hải của Mỹ tăng dần: 2 lần trong năm 2015, 3 lần trong năm 2016, 6 lần trong năm 2017, 5 lần trong năm 2018, 9 lần trong năm 2019 và 4 lần từ đầu năm 2020 đến nay.

Động thái trên của Mỹ trước hết nhằm đáp lại việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động phi pháp ở Biển Đông trong thời gian gần đây, đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay. Sau khi cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam, Trung Quốc tiến hành một loạt những hành động khiêu khích như hướng vũ khí vào tàu chiến của Philippines, đặt tên 80 thực thể ngầm trên thềm lục địa Việt Nam, cản trở hoạt động tàu khảo sát địa chấn của Malaysia, đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông…

 Tuy nhiên, sự can dự ngày càng tăng của Mỹ ở Biển Đông xuất phát trước hết là do Mỹ lo ngại về quyền tự do đi lại trên biển và nhu cầu bảo vệ hoạt động kinh doanh của các công ty năng lượng Mỹ, nói rộng ra là lợi ích kinh tế của Mỹ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, vùng biển này ngày càng chiếm giữ vị thế quan trọng vì đây là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất của thế giới nối liền châu Âu với châu Á, Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. 

Biển Đông còn là một mắt xích quan trọng trong sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ từ châu Âu - Đại Tây Dương sang châu Á - Thái Bình Dương. Là cường quốc được bao bọc bởi hai đại dương, Mỹ đương nhiên quan tâm đến vai trò của biển và quyền lực biển đối với xây dựng, phát triển và bảo vệ an ninh đất nước. Các chiến lược gia Mỹ coi việc kiểm soát đại dương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là nhân tố chính trong việc kiểm soát thế giới. 

Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đương nhiên xung đột với lợi ích của Mỹ ở vùng biển này. Nếu như yêu sách “Tứ Sa” chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông trở thành hiện thực, mọi tuyến giao thông đường biển qua Biển Đông đều nằm trong quyền kiểm soát của Trung Quốc. Không những thế, Trung Quốc còn đang âm mưu tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Khi đó, máy bay của bất cứ nước nào tiến vào khu vực này đều phải tuân thủ theo luật của Trung Quốc, nếu không sẽ đối mặt với “những biện pháp bảo vệ khẩn cấp”.

Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr khẳng định: “Mỹ xem quyền tự do hàng hải như một nguyên tắc. Các nhiệm vụ tự do hàng hải trong chương trình được tiến hành một cách hòa bình, không thiên vị hoặc chống lại bất kỳ quốc gia cụ thể nào”. Thực chất, đây là một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, đẩy ảnh hưởng của Mỹ khỏi khu vực. 

Chiến thuật “chuyển lửa” ra bên ngoài

Với Trung Quốc, tiến hành các hoạt động phi pháp ở Biển Đông là bước đi nhằm thực hiện mục tiêu lâu dài “độc chiếm Biển Đông”. Tuy nhiên, sự gia tăng bất thường các hoạt động này trong thời gian gần đây còn xuất phát từ một lý do khác - những thách thức trong nước. 

Là nơi bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), Trung Quốc đang phải gánh chịu tác động tiêu cực rất lớn về mặt kinh tế. Cuối tháng 5 vừa rồi, lần đầu tiên trong phiên khai mạc kỳ họp thường niên Quốc hội, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã không đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, theo thống kê chính thức được Trung Quốc công bố ngày 17-4 vừa qua, tăng trưởng kinh tế quý 1 năm 2020 là -6,8%. Đây là lần đầu tiên kinh tế Trung Quốc giảm sút như vậy kể từ năm 1992. Tỷ lệ tăng trưởng thậm chí còn bị sụt giảm mạnh hơn so với dự báo là -6,5%. 

Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 còn nằm trên giấy và có thể bị phá sản bất cứ lúc nào nếu Trung Quốc không thực thi các cam kết mua hàng nông sản của Mỹ. Vì thế, việc khởi động đàm phán giai đoạn 2 vẫn bỏ ngỏ. Do tác động của Covid-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, thị trường chứng khoán và đồng tiền của Trung Quốc đang sụt giảm mạnh. 

Đáng ngại nhất là số người thất nghiệp ở Trung Quốc đang tăng lên. Một số nghiên cứu cho thấy gần 180 triệu việc làm đã biến mất trong lĩnh vực dịch vụ kể từ khi Covid-19 bùng phát. Nhật báo South China Morning Post trích dẫn một nhà kinh tế học thuộc quỹ Upright Assets cho rằng “thất nghiệp tạm thời” dường như tác động đến hơn 200 triệu người Trung Quốc. Trong bối cảnh hệ thống  bảo hiểm thất nghiệp không có, đây là một mối hiểm họa xã hội tiềm tàng. Thành tựu xóa bỏ nạn đói nghèo của Trung Quốc đang bị đe dọa.

Cách xử lý dịch Covid-19 có phần chậm trễ cũng như thiệt hại do đại dịch này khiến nội bộ Trung Quốc “rạn nứt”. Ngày càng xuất hiện những chỉ trích rằng Bắc Kinh đã quá tự tin khi tuyên bố Trung Quốc đang tiến tới trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới, chấm dứt giai đoạn “giấu mình chờ thời” của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Điều này khiến các đối thủ của Trung Quốc cảnh giác và có động thái ngăn chặn nước này. 

Trong tình thế này, Trung Quốc như đang cho thấy chiến thuật “chuyển lửa” ra bên ngoài để lôi kéo sự chú ý của dư luận trong nước vào những vấn đề bên ngoài. Theo phân tích của các chuyên gia, những vấn đề như Biển Đông, Đài Loan sẽ là ưu tiên để Trung Quốc thực hiện ý đồ của mình, nhằm lái sự chú ý dư luận trong nước và thu hút cộng đồng quốc tế. Đó là điều mà dư luận cần cảnh giác với bất cứ diễn biến mới nào trên Biển Đông.