Tinh thần quả cảm của đội ngũ y, bác sĩ ở tâm đại dịch Vũ Hán (Trung Quốc)

ANTD.VN - Các chuyên gia y tế cho biết, tỷ lệ lây nhiễm ở các nhân viên y tế - “các chiến binh trên tuyến đầu chống dịch” là một chỉ số quan trọng cho thấy dịch bệnh dễ dàng giết chết hơn 1.000 người này có nguy cơ lây nhiễm nguy hiểm đến mức nào. Tuy nhiên, trong khó khăn và nguy hiểm cận kề, đội ngũ y, bác sĩ ở Vũ Hán đã thể hiện một tinh thần tuyệt vời, nỗ lực để giành giật sự sống, ngăn chặn sự lây lan của virus Covid-19 cho bệnh nhân và cho chính bản thân mình.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân số 3 thành phố Vũ Hán, Trung Quốc

Theo nguồn tin của SCMP, ít nhất 500 nhân viên bệnh viện ở Vũ Hán đã bị nhiễm virus Covid-19 vào thời điểm giữa tháng 1, cùng với hơn 600 trường hợp nghi ngờ. Điều này khiến các bệnh viện rơi vào cảnh thiếu nhân viên và các nhân viên y tế có thể bị ảnh hưởng về tinh thần, đặc biệt sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng (34 tuổi) - người đã bị khiển trách vì đã cảnh báo đồng nghiệp ngay từ khi dịch mới khởi phát và cũng không qua khỏi sau khi nhiễm virus chết người này.

“Họ đã kiệt sức… trong khi virus bủa vây khắp nơi”

Một bác sĩ từ một bệnh viện lớn ở Vũ Hán, người yêu cầu giấu tên cho biết, nhiều nhân viên y tế đã suy sụp khi họ nhìn thấy phim chụp chiếu của các đồng nghiệp đã bị nhiễm bệnh. “Đó là lý do tại sao chúng tôi khẩn thiết đề nghị quyên góp nhiều hơn các vật tư y tế, đặc biệt là bộ quần áo bảo hộ”, một bác sĩ nói đồng thời cho biết một khu vực cách ly dành cho nhân viên y tế bị bệnh đã đầy. “Chúng tôi đã thấy quá nhiều đồng nghiệp ngã bệnh vì không được bảo vệ đầy đủ”.

Các bác sĩ và chuyên gia y tế cho rằng sự thiếu hụt thiết bị bảo vệ, thời gian làm việc quá lâu và thiếu nhận thức về mức độ lây nhiễm của virus là những yếu tố chính trong số lượng lớn các ca bệnh trong bệnh viện. Theo bài đăng của bác sĩ Lý trên mạng xã hội Weibo, anh nhiễm bệnh vào ngày 8-1 từ một bệnh nhân, nhưng chỉ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng 2 ngày sau đó.

Hay như Yu Changping, một chuyên gia về hô hấp của Bệnh viện Renmin thuộc trường Đại học Vũ Hán, đã phát sốt vào ngày 14-1 và sau đó được xác nhận là đã nhiễm virus. Anh không chắc chắn mình nhiễm bệnh khi nào vì hàng ngày anh điều trị cho rất nhiều bệnh nhân và khả năng bị nhiễm bệnh là rất cao. “Các virus này quá dễ lây lan. Chúng tôi không có đủ sự hiểu biết về virus”, anh nói. Yu nhập viện vào ngày 17-1 với một đồng nghiệp khác cùng khoa và vẫn đang được điều trị. Tới nay, thông tin công khai cho thấy, ít nhất 3 nhân viên y tế ở Vũ Hán đã tử vong vì dịch bệnh này.

Trong vụ dịch SARS bùng phát năm 2003, 18% nhân viên y tế của Trung Quốc đại lục và 22% nhân viên y tế Hồng Kông bị nhiễm bệnh. Ước tính vụ dịch virus Covid-19 này, tỷ lệ lây nhiễm của nhân viên y tế vào khoảng 10-20%. 

Ian Lipkin, Giáo sư dịch tễ học John Snow tại trường Y tế Công cộng Mailman, Đại học Columbia cho biết những rủi ro mà nhân viên y tế phải đối mặt là rất cao ngay cả với đồ bảo hộ. “Lý do là vì các bác sĩ và nhân viên chăm sóc sức khỏe có mối quan hệ rất mật thiết với bệnh nhân, thậm chí với các thiết bị bảo vệ cá nhân, đôi khi họ sử dụng muộn, đôi khi do vô tình tiếp xúc khiến họ có nguy cơ rất cao” - Giáo sư Lipkin nói ngày 10-2 sau khi tới Trung Quốc làm việc theo lời mời của Chính phủ - “Ngoài ra, những người đang làm việc trong môi trường bệnh viện có thể bị ức chế miễn dịch vì thật lòng mà nói, họ đã kiệt sức… trong khi virus bủa vây khắp nơi”.

Chính quyền Trung Quốc đã huy động khoảng 10.000 nhân viên y tế bổ sung để điều trị cho bệnh nhân ở Vũ Hán, tâm chấn của vụ dịch và nhiều thiết bị bảo vệ đã được gửi đến các bệnh viện lớn trong thành phố. Nhưng các bác sĩ tuyến đầu cảnh báo rằng các nhân viên chăm sóc sức khỏe ở các thành phố khác đang đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.

Tại tỉnh đảo Hải Nam, Ủy ban y tế địa phương cho biết, một bác sĩ và y tá đã bị nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với bệnh nhân trong 6 phút mặc dù họ đang đeo khẩu trang. Còn ở bệnh viện Fuxing ở Bắc Kinh, 1 bệnh nhân đã lây nhiễm cho 6 nhân viên y tế, 5 bệnh nhân và 4 người chăm sóc. Zhang Ke, một bác sĩ tại Bệnh viện Youan ở Bắc Kinh, chuyên về các bệnh truyền nhiễm, cho biết nhiễm trùng chéo giữa bệnh nhân và bác sĩ là mối lo ngại nghiêm trọng, đặc biệt là nhiều bệnh viện cấp cơ sở không được thiết kế để xử lý các bệnh truyền nhiễm.

Nữ y tá Guo Qin ở Vũ Hán, người vừa khỏi bệnh viêm phổi do virus Covid-19 chủng mới đã ngay lập tức trở lại với công việc

Giữ vững chiến tuyến đến cùng

Kể từ đầu tháng 1, Hu Sheng (39 tuổi), bác sĩ chuyên khoa về bệnh hô hấp tại Bệnh viện Nhân dân số 3 của Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc được cử tới khoa ngoại trú để trợ giúp các đồng nghiệp đối phó với các trường hợp sốt và viêm phổi tăng cao đột ngột. Bệnh viện nằm cách chợ bán buôn hải sản chỉ 7km, nơi có nhiều ca virus Covid-19 chủng mới đầu tiên xuất hiện vào tháng 12-2019. Khi đó, các bác sĩ khoa ngoại trú làm việc theo ca 24 giờ, xử lý tới 100 bệnh nhân mỗi ngày. Khoảng 60% bệnh nhân bị viêm phổi.

Chinadaily cho biết, đội ngũ y, bác sỹ ở đây đã thực hiện tất cả các biện pháp bảo vệ thông thường, đeo mặt nạ bất cứ khi nào gặp bệnh nhân. Tuy nhiên, sau 2 tuần, anh bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và ho. Lúc đầu, Hu nghĩ rằng khối lượng công việc căng thẳng đang gây tổn hại cho sức khỏe. Nhưng dù sao anh cũng quyết định đi chụp CT. Cho đến ngày 21-1, 15 nhân viên y tế của Vũ Hán đã được chẩn đoán mắc virus Covid-19 mới và các chuyên gia y tế xác nhận căn bệnh này có khả năng lây truyền từ người sang người.

“Tôi có một đứa con 3 tuổi và bố mẹ già. Tôi phải thận trọng, vì tôi đã làm việc trong một môi trường cực kỳ nguy hiểm”, Hu nói với Sixth Tone. Hu đã xét nghiệm virus vào ngày 24-1. Tối hôm đó, anh dự định sẽ cùng gia đình ăn bữa tất niên nhưng anh đành hủy bỏ kế hoạch ngay khi nhìn thấy kết quả: viêm phổi.

Tới cuối tháng 1, khi nhiều bác sĩ bị bệnh, các bệnh viện của Vũ Hán đã tăng cường các biện pháp bảo vệ nhân viên y tế. Hu cho biết, anh cảm thấy tốt hơn nhiều sau hơn 1 tuần nghỉ ngơi tại nhà. “Tôi đã gần như hồi phục. Tôi đang tập thể dục thêm một chút mỗi ngày để sẵn sàng khi đi làm trở lại”. Trước đó, anh phải cách ly trong viện, nhưng vợ anh, một bác sĩ tại một bệnh viện cộng đồng, vẫn đang làm việc trên tuyến đầu, đối phó với bệnh nhân sốt hàng ngày. “Cô ấy vẫn sống với đứa con nhỏ của chúng tôi. Tôi đã nhiều lần bảo cô ấy chú ý đến từng chi tiết bảo vệ tại nơi làm việc, nhưng tôi vẫn rất lo cho sức khỏe của họ”.

Vợ anh, Ye Liwen (27 tuổi), đã được chuyển đến phòng khám sốt tại Bệnh viện Nhân dân số 3 vào ngày 4-1. Cô giấu bố mẹ về sự điều chuyển này vì không muốn họ lo lắng quá nhiều. “Từ cảm giác rất hoảng loạn lúc ban đầu, tôi nghĩ rằng bầu không khí chung tại phòng khám sốt đang dịu xuống. Chúng tôi hiểu ngày càng nhiều về virus và điều này mang lại cho chúng tôi cảm giác an toàn”.

Tương tự, Guo Qin (38 tuổi), nữ y tá ở bệnh viện Trung Nam, Vũ Hán bị nhiễm virus Covid-19 vào đầu tháng 1 đã trở lại làm việc ngay sau gần 20 ngày điều trị. Theo trang tin CGTN, thời gian điều trị, chị tự an ủi bản thân rằng không nên quá lo lắng, bởi chị là người biết tương đối rõ tình hình sức khỏe của bản thân. Chị cũng luôn có các đồng nghiệp động viên và tận tình chăm sóc. “Đừng sợ, đã có chúng tôi ở bên cạnh!”, họ thường xuyên nói với chị.

Nhưng nữ y tá này đã ra quyết định, điều đầu tiên cần làm sau khi khỏi bệnh là đi làm. Ý nghĩ ấy nung nấu khi chị vẫn đang nằm trên giường bệnh. “Đó là ngày thứ hai của tôi trong bệnh viện. Tôi không thể ngủ được. Tôi nghe thấy người học việc của tôi, một thanh niên ở độ tuổi 20, làm việc cả đêm mà không có tôi. Đó là một đêm khó khăn với cậu ta. Báo động, bước chân của anh ấy, tất cả đều nhắc nhở tôi về nhiệm vụ của mình”, nữ y tá nhớ lại. “Chúng tôi luôn thiếu người. Các đồng nghiệp của tôi đã làm việc suốt ngày đêm. Họ cũng có gia đình và con cái, tôi rất đồng cảm với họ. Vì vậy, tôi đã nói với cấp trên rằng tôi muốn quay lại ngay sau khi hồi phục”, chị Guo Qin nói.   

“Ý nghĩ quay lại làm việc ngay sau khi khỏi bệnh đến với tôi từ ngày thứ hai trên giường bệnh. Tôi không thể ngủ được. Tôi nghe thấy người học việc của tôi, một thanh niên ở độ tuổi 20, làm việc cả đêm mà không có tôi. Đó là một đêm khó khăn với cậu ta. Chúng tôi luôn thiếu người. Các đồng nghiệp của tôi đã làm việc suốt ngày đêm. Họ cũng có gia đình và con cái, tôi rất đồng cảm với họ. Vì vậy, tôi đã nói với cấp trên rằng tôi muốn quay lại ngay sau khi hồi phục”. 

Nữ y tá Guo Qin (Bệnh viện Trung Nam, Vũ Hán, Trung Quốc)