Thượng tôn pháp luật trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

ANTD.VN - Thực tế minh chứng phải thượng tôn pháp luật mới giúp giải quyết một cách hòa bình những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông - một nguy cơ lớn đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh, ổn định cũng như tự do hàng hải, hàng không trong khu vực chiến lược trọng yếu này.

Thượng tôn pháp luật trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông ảnh 1Thế giới ủng hộ mạnh mẽ chủ quyền hợp pháp và sự chính nghĩa của Việt Nam trên Biển Đông

Trung Quốc đi ngược lại mọi chuẩn mực luật pháp quốc tế

Những căng thẳng và tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông thời gian qua là một mối đe dọa ngày càng lớn đối với vùng biển có vị trí địa chính trị trọng yếu, đồng thời là tuyến huyết mạch vận tải biển đối với khu vực và toàn cầu này. Đe dọa không chỉ tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông mà nghiêm trọng hơn là đe dọa với hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực và thế giới. Hiện trên Biển Đông đang diễn ra tranh chấp chủ quyền đối với đảo và biển của 6 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Brunei, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam. Các bên trong cuộc tranh chấp, các nước trong khu vực và trên thế giới đưa những quan điểm, cách thức giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông khác nhau. Song, dù khác biệt tới đâu thì tuyệt đại đa số đều thống nhất về nguyên tắc quan trọng nhất là thượng tôn pháp luật và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Tuy nhiên, có một ngoại lệ là Trung Quốc - cường quốc có sức mạnh kinh tế, quân sự áp đảo các bên khác trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông - lại luôn dùng sức mạnh để hiện thực hóa những đòi hỏi chủ quyền phi lý và bất hợp pháp của mình. Trung Quốc trên thực tế đã dùng vũ lực để chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, cưỡng chiếm một số bãi đá ngầm, rạn san hô trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào năm 1988 để bồi đắp, cải tạo trái phép những thực thể này thành các đảo nổi nhân tạo nhằm xây dựng sân bay, căn cứ quân sự. Trung Quốc cũng là quốc gia đã dùng sức mạnh để cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough vốn hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý mà Philippines quản lý và được Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) công nhận.

Từ tháng 7 tới nay, Trung Quốc leo lên nấc thang mới trong tham vọng đòi chủ quyền trên Biển Đông khi đưa tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8  với sự hộ tống của nhiều tàu vũ trang cỡ lớn xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính. Hành vi hung hăng, gây hấn và leo thang căng thẳng này gây lo ngại sâu sắc bởi đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam vốn được luật pháp quốc tế công nhận và bảo hộ. Những hành vi của Trung Quốc ỷ vào sức mạnh để đòi chủ quyền phi lý và bất hợp pháp trên Biển Đông đi ngược lại mọi chuẩn mực luật pháp quốc tế, đi ngược lại cam kết và thỏa thuận giải quyết tranh chấp trên Biển Đông như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) và Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) đang được xây dựng. Hành vi của Trung Quốc dùng sức mạnh và vũ lực để đòi chủ quyền  phi lý trên Biển Đông đe dọa nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của các bên liên quan; đe dọa tự do hàng hải, hàng không, nhất là hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.

Bên cạnh việc đấu tranh trực tiếp với Trung Quốc cũng như trên các diễn đàn khu vực, quốc tế, nhằm bảo vệ chủ quyền, các quốc gia bị Bắc Kinh uy hiếp, đe dọa tại Biển Đông đã đưa tranh chấp với Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Trong đó, Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) và trong phán quyết đưa ra ngày 12-7-2016, PCA đã bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” 9 đoạn mà Trung Quốc lấy đó làm cơ sở để đòi chủ quyền phi lý đối với 80% diện tích Biển Đông, tuyên bố yêu sách đòi chủ quyền này của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý. Nói cách khác đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là bất hợp pháp, không có giá trị pháp lý.

Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền của mình trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế và bằng biện pháp hòa bình, Việt Nam thời gian qua đã phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu Hải Dương 8 ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình trên Biển Đông theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình. 

Mỹ lên án các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông

Thực tế khẳng định chỉ có thượng tôn pháp luật, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình mới có thể giải quyết được tranh chấp hiện nay trên Biển Đông, góp phần gìn giữ hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực và trên thế giới. Mọi hành vi hung hăng, gây hấn, bất chấp luật pháp quốc tế, ỷ vào sức mạnh trong tranh chấp và đòi hỏi chủ quyền đều đe dọa nghiêm trọng tới tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, an ninh và hợp tác trên Biển Đông.

Trong phiên điều trần về chính sách của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương diễn ra rạng sáng ngày 19-9 (theo giờ Việt Nam) tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương David Stilwell cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, tàu Trung Quốc được các tàu vũ trang hộ tống đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính. Ông Stilwell vạch rõ, với những hành động phi pháp, lặp đi lặp lại nhiều lần và quân sự hóa các thực thể tranh chấp, Bắc Kinh đã và đang tiếp tục có những hành động ngăn cản các nước ASEAN tiếp cận nguồn năng lượng ở Biển Đông.

Trước đó, trong buổi điều trần cùng ngày 18-9 (giờ Washington) tại Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương và Cấm phổ biến vũ khí về ngân sách cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương tài khóa 2020 của Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sĩ Ted Yoho nhấn mạnh, ASEAN cần phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Brunei và các nước ven biển. Hạ nghị sĩ Yoho cho rằng, các nước ASEAN, Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia cũng cần phối hợp, cùng nhau duy trì trật tự dựa trên các quy định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono khi trả lời đề nghị bình luận về việc nhiều nước đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về xu hướng gia tăng căng thẳng trên Biển Đông do Trung Quốc đơn phương có hàng loạt hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, cản trở hoạt động dầu khí hợp pháp và đã được triển khai từ lâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và một số quốc gia ven biển khác, đã nêu rõ cùng với cộng đồng quốc tế, Nhật Bản quan tâm sâu sắc tới tình hình trên Biển Đông và phản đối bất cứ hành động của nước nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản nhấn mạnh, cần phải duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông.

Tiến sĩ Lee Jaehyon, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN và châu Đại Dương thuộc Viện Nghiên cứu chính sách ASAN (Hàn Quốc), nêu rõ tình hình an ninh ở Biển Đông ngày một xấu đi do Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế ở vùng biển này và gây quan ngại lớn về an ninh cho các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Tiến sĩ Lee Jaehyon nhấn mạnh, rõ ràng Trung Quốc đã không tuân thủ các hiệp ước, luật lệ hay quy định quốc tế và chỉ khi nước này tôn trọng luật pháp quốc tế thì mới giải quyết được vấn đề (tranh chấp trên Biển Đông) một cách hòa bình.