Thử thách lớn đối với tân Tổng thống Ukraine Zelensky

ANTD.VN - Kể từ khi Liên Xô tan rã đến nay, đất nước Ukraine đã trải qua một số đời Tổng thống, mới nhất là danh hài V. Zelensky, vị chính khách lần đầu tiên bước lên "vũ đài chính trị". Cuộc đời của ông Zelensky đã bước sang một chương mới, tuy nhiên con đường phía trước rất gập ghềnh và nhiều chông gai.

Những thử thách lớn

Thứ nhất, kinh tế suy thoái, đời sống nhân dân đi xuống. Theo nhận định của giới chuyên gia, 5 năm qua là một thất bại "cay đắng" đối với nền kinh tế của Ukraine và công dân Ukraine. Mô hình kinh tế mới hội nhập với Liên minh châu Âu (EU) và cắt đứt quan hệ với Liên bang Nga được đề xuất năm 2014 đã không đạt được.

Cụ thể, vào tháng 2-2014, kinh tế Ukraine dường như đi ra khỏi quỹ đạo, ngân khố quốc gia hoàn toàn trống rỗng. Xếp hạng tín dụng chủ quyền quốc gia của Ukraine đã giảm từ 3C+ xuống còn 3C (nghĩa là khả năng kinh tế không còn đáng tin). Nợ quốc gia và nợ nhà nước bảo lãnh của Ukraine gần 65,5 tỷ USD, nợ nước ngoài chiếm 79% GDP. Tỷ lệ lạm phát ở mức cao, năm 2014 tỷ lệ lạm phát là 24,9%, năm 2015 lên tới 43%, tỷ lệ thất nghiệp lên tới gần 10%, mức sống của người dân giảm đi nghiêm trọng, lương hưu chỉ còn khoảng 50 USD.

Từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng năm 2014, người dân Ukraine sống trong cảnh nghèo đói triền miên

Do kinh tế khó khăn, Ukraine đã phải bán hơn 30 loại công nghệ tiên tiến như tàu sân bay, động cơ máy bay, hệ thống động cơ của tàu mặt nước cỡ lớn, máy bay huấn luyện với tốc độ siêu thanh, động cơ xe tăng, linh kiện và thiết bị chủ chốt của tên lửa "không đối không".

Ngày 14-10-2017, Liên Hợp quốc đã kêu gọi phải viện trợ nhân đạo ngay lập tức cho Ukraine để giúp hàng triệu dân vượt qua được mùa Đông giá rét. Theo Liên Hợp quốc, 78% người dân Ukraine sống dưới mức nghèo khổ, ngoài việc vay tiền của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB), Chính phủ dường như không có biện pháp nào khác.

Thứ hai, chiến tranh liên tục xảy ra, các nhóm sắc tộc xâu xé nhau, phe phái ở Ukraine rất nhiều, mâu thuẫn phức tạp, đặc biệt là sự tranh giành khu vực miền Đông và miền Tây liên tục diễn ra. Các hành động quân sự ở khu vực Donbass thuộc miền Đông Ukraine, liên tục leo thang, cuối cùng trở thành cuộc nội chiến, điều đáng nói là họ đã mất đi Crimea (năm 2014) khi một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra và đã nhất trí sáp nhập vào Nga. Theo thống kê, từ ngày 1-1 đến ngày 17-8-2017, tổng cộng có 212 người thiệt mạng ở Donetsk, bao gồm 187 binh sỹ và 25 dân thường, và có 188 dân thường, 289 dân quân bị thương.

Khu vực giao tranh Donbass, miền Đông Ukraine 

Thứ ba, tự làm mất sức mạnh quân sự. Ukraine có diện tích lãnh thổ lớn nhất châu Âu, với hơn 600.000 km2, dân số hơn 50 triệu người. Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine được chia rất nhiều thứ, trong đó có hơn 1.200 đầu đạn hạt nhân, hệ thống công nghiệp quốc phòng hoàn chỉnh, những yếu tố này đủ để biến Ukraine trở thành một trong những nước hàng đầu ở châu Âu, giống như cường quốc hạt nhân là Nga.

Tuy nhiên, Ukraine lại tin vào lời hứa của Mỹ, không những số vũ khí hạt nhân làm "con bài mặc cả" biến mất, mà những điều được Mỹ (và Nga trong Hiệp ước hạn chế tên lửa tầm trung - INF) hứa hẹn cũng không thực hiện được. Từ đó, Ukraine luôn bị phương Tây và Nga kìm kẹp.

Thứ tư, địa chính trị không ổn định, coi láng giềng là "kẻ thù". Các chính trị gia Ukraine không hiểu chiến lược của chính mình khi có các nước đi sai lầm, coi Nga là kẻ thủ, tự biến mình thành "quân cờ" trong cuộc đọ sức giữa Mỹ/phương Tây và Nga; khiến Ukraine không những bị mất đi Crimea, mà còn bị phương Tây dối lừa và bỏ rơi, quốc gia này thực chất đã bị chia cắt thành hai phần Đông-Tây.

Quân đội Ukraine và Nga đã phá bỏ thỏa thuận ngừng bắn hòa bình Minsk, không tiếp tục Hiệp định hữu nghị Nga-Ukraine, chủ động kích động tranh chấp và căng thẳng ở Biển Đen và eo biển Kerch (sự kiện ngày 25-11 khi Nga bắt giữ 3 tàu của Ukraine và đoàn thủy thủ với cáo buộc đi vào địa phận do Nga kiểm soát). Do đó, Nga đã cắt nguồn cung dầu mỏ và tăng giá khí tự nhiên đối với Ukraine, điều này khiến kinh tế và đời sống người dân Ukraine thậm chí ngày càng tối tệ hơn.

Thứ năm, các chính đảng mọc lên như nấm sau mưa, các trùm sò chính trị đấu đá lẫn nhau, xã hội Ukraine bị cuốn vào cuộc tranh chấp quyền lực, bế tắc chính trị và rối ren mang tính chu kỳ. Trong những năm gần đây, các nhóm lợi ích khác nhau, có nền tảng chính trị của riêng họ, đấu đá lẫn nhau để tranh giành nguồn lực kinh tế. Các cuộc đấu tranh chính trị "ích kỷ" đã khiến ngôi nhà Ukraine vốn lung lay trong giông bão lại cùng lung lay hơn. Hàng trăm chính đảng bôi nhọ nhau, không vừa ý là chỉ trích nhau trong quốc hội, thậm chí "đám đá" nhau ngay trên truyền hình, hoàn toàn không quan tâm đến lợi ích và sự phát triển của đất nước.

Người di cư ở Ukraine chờ được cấp cơ chế tị nạn vào Nga (Nguồn: RIA Novosti)

Trong 10 năm qua, các chính khách Ukraine liên tục được thay thế, năm 2005, V. Yushchenko và Yanukovich đã lật đổ Tymoshenko; năm 2007, Yushchenko và Tymoshenko lại lật đổ Yanukovich; năm 2009, Yushchenko và Yanukovich lại lật đổ Tymoshenko; năm 2011, Yanukovich lật đổ Tymoshenko và đưa bà vào tù; năm 2014, Yanukovich chạy trốn ra nước ngoài, Tymoshenko quay trở lại chính trường; cuộc nội chiến năm 2014 bùng bổ khiến ông P. Poroshenko kêu gọi "dân chủ" giành chiến thắng; đến nay, đã đón nhận một tổng thống từng là "danh hài".

Bài kiểm tra hạng nặng

Sau khi nhậm chức, Zelensky phải tập trung thể hiện được tài năng thực sự của mình trong việc xử lý ổn thỏa những vấn đề đối nội, đối ngoại và chấp nhận các bài kiểm tra. Thứ nhất, phát triển kinh tế là nhiệm vụ cấp bách, làm thế nào để tránh và giải quyết vấn đề sản xuất tiếp tục trì trệ, bội chi ngân sách nhà nước, tỷ lệ lạm phát cao, khủng hoảng năng lượng, tỷ lệ thất nghiệp liên tục lập kỷ lục... Để giải quyết những vấn đề này, Zelensky không thể dựa vào ngôn ngữ "hài kịch" và những động tác "hề" trên sân khấu mà phải có những hoạch định chính sách thiết thực, quản lý được đất nước.

Tân tổng thống V. Zelensky trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội Ukraine, Kiev hôm 20-5-2019 (Nguồn: TASS)

Thứ hai, đảm bảo sự ổn định khu vực và quốc tế; tìm kiếm sự cân bằng giữa phương Tây, NATO và Nga. Các chính trị gia Ukraine luôn muốn có nền dân chủ kiểu phương Tây, đay là điều mà Mỹ và phương Tây mong muốn; Mỹ và NATO muốn thông qua dân chủ kiểu phương Tây để kiểm soát Ukraine - quân cờ và con bài của vùng đất chiến lược để họ "kiềm chế" Nga. Không có chính trị gia nào ở Ukraine có tầm nhìn địa chính trị quốc tế, thân phương Tây một cách mù quáng và mơ mộng gia nhập NATO, nhưng lòng nhiệt tình của họ không được đáp ứng, giấc mơ của họ kéo dài rất lâu mà chưa tỉnh.

Ngày 3-3-2016, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker tuyên bố Ukraine không thể trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và NATO trong 20-35 năm tới. Sự lặp đi lặp lại một hành động của các chính khách Ukraine không thể đem lại sự thịnh vượng và phát triển cho đất nước này, sức mạnh quốc gia đã bị EU làm ảnh hưởng đôi chút.

Quan hệ với Nga xấu đi không chỉ gây ra sự chia rẽ ở trong nước, mà còn dẫn tới sức mạnh quốc gia bị suy yếu do gặp trở ngại trong phát triển kinh tế, cục diện khó khăn do phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng, xung đột quân sự. Không biết liệu vụ tổng thống từng là diễn viên hài này có thể có đủ năng lực khiến Ukraine thoát khỏi cuộc đọ sức giữa phương tây và Nga hay không.

Tân Tổng thống nên xem xét việc liệu có nên tiếp tục là quân cờ hay quân bài của phương Tây và Nga hay không. Nếu vẫn tiếp tục giống như người tiền nhiệm mong muốn gia nhập NATO để gây sức ép với Nga, cho phép tàu chiến của NATO tiến vào Biển Đen để khiêu khích Nga và tạo ra tình trạng căng thẳng ở vùng biển này, e rằng, đất nước Ukraine sẽ tiếp tục rối ren.

Thứ ba, hóa giải mâu thuẫn, bất đồng giữa chính quyền và người dân, tìm kiếm bội số chung lớn nhất trong chính sách quản lý đất nước giữa các phe phái. Mâu thuẫn lớn nhất sau tiến trình dân chủ hóa của Ukraine là sự đối lập giữa người dân và chính quyền, sự đối lập giữa người dân với các trùm sò và giới tinh hoa chính trị. Người dân đã quá thất vọng đối với các chính đảng và cơ quan quyền lực nhà nước mất niềm tin vào các nhân vật chính trị với bộ mặt "giả dối", mất đi sự kiên nhẫn đối với các cam kết chính trị.

Tân Tổng thống Zelensky của Ukraine sẽ phải đối đầu với những thử thách rất lớn

Sự chia rẽ chính trị ngày càng sâu sắc của xã hội Ukraine đã lan tỏa từ sự vướng mắc trong giới tinh hoa sang sự đối lập và mất niềm tin mang tính xã hội giữa người dân và chính quyền, giữa các khu vực và giữa các sắc tộc, rơi vào cục diện khó khăn "mọi người phản đối lẫn nhau". Sự chán ghét và bất mãn của các tầng lớp trong xã hội Ukraine trước tình trạng rối ren của đất nước đã lên đỉnh điểm và mọi người đều mong muốn chấm dứt tình trạng bất ổn này.

Thứ tư, thay đổi cục diện hỗn loạn do các trùm sò thao túng trong nền chính trị Ukraine, tệ nạn tham nhũng và chủ nghĩa quan liêu trong chính phủ, các chính đảng chia nhau lợi ích, Quốc hội đấu đá lẫn nhau tồn tại rộng khắp ở Ukraine, các nhân vật chính trị thì dựa vào các thế lực bên ngoài để "bán rẻ" lợi ích quốc gia. Ngoài ra, để đánh lạc hướng chú ý của người dân, các nhân vật chính trị còn cổ xúy cho các hành vi như chủ nghĩa sắc tộc cực đoan... điều này cũng làm cho người dân cảm thấy bất mãn và căm phẫn.

Thứ năm, cân bằng, hàn gắn xung đột lợi ích, tranh giành quyền lực và chia rẽ giữa các phe phái. Quyền lực chính trị đã đem đến cơ hội cho các thế lực chính trị nỗ lực thực hiện mong muốn của mình trong tiến trình xây dựng xã hội mới, tìm cách chiếm vị trí ưu tiên trong xã hội mới. Và cơ chế dân chủ chưa hoàn thiện và chưa hình thành khế ước xã hội mới ở Ukraine đã làm cho cuộc tranh giành này diễn ra rất quyết liệt. Các thế lực đều có thể tận dụng sự đa dạng hóa để tìm kiếm lợi ích cho mình, đồng thời lấy cái gọi là trình tự dân chủ để ngăn chản việc thông qua hoặc thực thi chính sách, pháp luật gây bất lợi cho lợi ích của họ.

Các tập đoàn tư bản, trùm sò tài chính cũng liên tục can dự vào các hoạt động chính trị, kiểm soát các phương tiện truyền thông, họ hoặc là đích thân ra tay, hoặc là thông qua người đại diện, hình thành tầng lớp doanh nhân thông đồng với chính trị gia đại diện cho các nhóm lợi ích khác nhau trong chính phủ và Quốc hội. Các doanh nhân và quan chức lợi dụng lẫn nhau, thao túng và ảnh hưởng đến quá trình giải quyết hàng loạt vấn đề quan trọng; làm cho xung đột lợi ích giữa các phe phái không được giải quyết và thỏa hiệp, lợi ích chung của quốc gia bị tổn hại.

Thứ sáu, giải quyết chiến tranh "loạn lạc" ở miền Đông, ổn định các lực lượng ly khai, ngừng xung đột quân sự. Xung đột quân sự ở miền Đông Ukraine vẫn tiếp diễn làm cho sức mạnh quốc gia suy yếu, không thể tập trung phát triển kinh tế và dân sinh. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống từ cuối năm 2018 đến quý II năm 2019, xung đột giữa Nga và Ukraine cũng không dừng lại, thậm chí có phần leo thang căng thẳng.

Thứ bảy, giữ chân các nhân tài ưu tú trong ngành công nghiệp quốc phòng (có ưu thế truyền thống). Ukraine có rất nhiều doanh nghiệp quốc phòng, nhưng do sức mạnh quốc gia suy yếu nhiều năm qua nên sự phát triển của ngành này gặp nhiều khó khăn, các nhân tài lật lượt rũ áo ra đi. Theo thống kê, khoảng 100.000 chuyên gia, nhân viên kỹ thuật trong ngành này của Liên Xô trước đây (gồm cả Ukraine) đã đến châu Âu và Mỹ, gây tổn thương tương đối lớn đối với Nga và Ukraine. Ngoài ra, những năm gần đây, gần 1.000 chuyên gia Ukraine mang theo gia đình đến Trung Quốc định cư, gia nhập ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc.

Như vậy, cuộc bầu cử Ukraine đã qua, ông V. Zekensky cũng đã chính thức nhậm chức Tổng thống, nhưng phía trước ông tiếp tục là những cuộc thanh trừng, tranh giành quyền lực quyết liệt, leo thang xung đột ở miền Đông và cân bằng quan hệ với Nga-phương Tây. Đó là những thách thức lớn đối với diễn viên hài Zelensky khi lần đầu "bước lên vũ đài chính trị".