"Thủ phạm" thật sự dẫn đến cuộc khủng hoảng tự tử ở trẻ vị thành niên tại Mỹ

ANTD.VN - Tháng 10-2019, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ trong báo cáo tháng 10-2019 đã công bố: Sau giai đoạn ổn định từ năm 2000 đến 2007, tỷ lệ tự tử ở những người trong nhóm tuổi từ 10 đến 24 gia tăng đáng kể, lên mức 56% trong khoảng 10 năm (từ năm 2007-2017). Tự tử tại Mỹ đã trở thành nguyên nhân gây tử vong thứ 2 ở lứa tuổi này, sau nguyên nhân tai nạn. 

Tiến sĩ Jean M.Twenge, trường Đại học bang San Diego (Mỹ): “Sự gia tăng các nỗ lực tự tử và tự tử ở những người trẻ tuổi có liên quan trực tiếp với việc họ sử dụng điện thoại thông minh”. 

Tự tử: Nguyên nhân gây tử vong thứ 2 tại Mỹ

Một cách quá thường xuyên, những nỗ lực tự tử và những cái chết do tự tử, đặc biệt ở trẻ nhỏ và vị thành niên, đã trở thành bí mật gia đình, thay vì được điều tra và xử lý theo cách có thể giúp các gia đình khác phòng tránh bi kịch rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Có lẽ, cái chết của một đứa trẻ là con em trong gia đình là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với những bậc ông-bà-cha-mẹ, và càng tồi tệ hơn khi cái chết đó có nguyên do… tự tử. Thảm kịch này ngày càng trở nên phổ biến vào những năm gần đây ở hầu hết các quốc gia. Và người lớn - những bậc cha mẹ, giáo viên, bác sĩ tâm lý và cả các chính trị gia - đều tự đặt câu hỏi về nguyên nhân tại sao và những gì họ có thể làm để ngăn chặn điều đó (?!). 

Tháng 10-2019, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ báo cáo rằng sau giai đoạn ổn định từ năm 2000 - 2007, tỷ lệ tự tử ở những người từ 10 - 24 tuổi tăng đáng kể, lên mức 56% từ năm 2007 - 2017 và tự tử trở thành nguyên nhân gây tử vong thứ 2 ở lứa tuổi này, sau nguyên nhân tai nạn.

“Chúng ta đang ở giữa vùng xoáy “tâm bão” của cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn diện ở lứa tuổi trẻ nhỏ và vị thành niên. Tỷ lệ tự tử cao là bằng chứng rõ nét và nhất quán nhất về triệu chứng và hành vi khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên” - Nhà tâm lý học, Tiến sĩ Jean M.Twenge, trường Đại học bang San Diego (Mỹ) và là tác giả của cuốn sách “iGen” - nhận định về các xu hướng sức khỏe tâm thần ở những người sinh từ năm 1995 trở đi cho biết.

Từ năm 2011, trong giới trẻ tại Mỹ, bên cạnh các vụ tự tử, còn ghi nhận thêm sự gia tăng gần 400% nỗ lực tự tử bằng cách uống thuốc. Tiến sĩ Henry A.Spiller, Giám đốc Trung tâm Ngộ độc Ohio (Mỹ) phân tích: “Những nỗ lực tự tử trong giới trẻ Mỹ được ghi nhận tăng gấp 4 lần trong vòng 6 năm qua và dường như còn chưa được đo đếm một cách chính xác”.

Thực tế, những nỗ lực tự tử và những cái chết do tử tự, đặc biệt trong giới trẻ, trở thành bí mật gia đình, thay vì được điều tra và xử lý theo cách có thể bảo vệ những người khác khỏi số phận tượng tự. “Chúng ta không thể lờ đi mãi thế. Chúng tôi đã đầu tư rất mạnh vào việc xử lý hậu quả thảm kịch này, thế nhưng đó lại là cách phòng ngừa vấn nạn tự tử tốn kém và kém hiệu quả nhất” - Tiến sĩ John P.Ackerman, nhà tâm lý học và đồng sáng lập viên Tổ chức Phòng, chống tự tử thuộc Bệnh viện Trẻ em Quốc gia Mỹ ở Columbus, Ohio cho hay.

Theo Tiến sĩ John P.Ackerman, sẽ hiệu quả hơn nếu dành thời gian và tiền bạc vào việc xác định “những đứa trẻ dễ bị tổn thương nhất”, giúp chúng đối phó hiệu quả với căng thẳng và chỉ bảo chúng có thể làm gì khi gặp khủng hoảng tâm lý. Tiến sĩ John P.Ackerman khẳng định cần phải làm những điều đó từ rất sớm, ngay từ đối với học sinh các bậc Tiểu học, sử dụng mọi nguồn tài nguyên có thể để phòng chống khủng hoảng tâm lý ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. 

Đi tìm “thủ phạm” thực sự

Ở Ohio (Mỹ), có khoảng 40.000 sinh viên đã được sàng lọc về trầm cảm và nguy cơ tự tử và hàng trăm trẻ em được kết nối với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ tâm lý. Việc sàng lọc và tư vấn tâm lý này không đặt câu hỏi trực tiếp cho trẻ nhỏ và vị thành niên rằng họ có ý định tự tử hoặc tự tử hay không, thay vào đó là giúp trẻ nhỏ nói lên những cảm giác khó khăn để tư vấn nhằm giảm thiểu nguy cơ tự tử.

Hiện chưa một chuyên gia hay nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn đâu là lý do tại sao tự tử lại trở thành một cuộc khủng hoảng đến vậy đối với giới trẻ tại Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, một số yếu tố có thể kể đến như cha mẹ, trường học, tác động của các phương tiện truyền thông xã hội hoặc cách trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên giao tiếp với bạn bè. “Trẻ em bây giờ không bao giờ ngắt kết nối mạng. Họ kết nối 24h/7. Họ đi ngủ với chiếc điện thoại thông minh. Và đó là nơi có thể bị bắt nạt trực tuyến, bị đố kị. Có rất nhiều hiểm họa từ đó” - Henry A.Spiller cho hay.

Còn Tiến sĩ Jean M.Twenge quả quyết sự gia tăng các nỗ lực tự tử và tự tử ở những người trẻ tuổi có liên quan trực tiếp với việc họ sử dụng điện thoại thông minh. “Trẻ ở độ tuổi này vốn dĩ đã phức tạp, thế nhưng nay càng trở nên phức tạp hơn bởi tác động của điện thoại thông minh, phương tiện truyền thông xã hội và áp lực trực tuyến liên tục”.

“85% thanh thiếu niên xem truyền thông xã hội. Họ rất ít thời gian gặp mặt trực tiếp bạn bè. Bây giờ tiêu chuẩn là ngồi nhà vào tối thứ bảy để lướt Instagram. Ai là người nổi tiếng và ai không có thể định lượng bằng cách đếm xem có bao nhiêu người theo dõi. Ngày nay, trẻ em dành hơn 8 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội, nơi chứa chất rất nhiều tiêu cực, sự cạnh tranh và chạy đua để tìm vị trí và có thể truy cập không chọn lọc vào những website nói về việc tự tử” - Tiến sĩ John P.Ackerman phân tích.  

Bên cạnh đó, việc ngủ, hay đúng hơn là việc ngủ không đủ, là một vấn đề làm suy yếu khả năng phục hồi của thanh thiếu niên. Một vài nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng Internet và phương tiện truyền thông và tình trạng rối loạn giấc ngủ ở thanh thiếu niên và mối liên hệ này góp phần gây ra các triệu chứng trầm cảm ở nhóm người này.

Tiến sĩ Jean M.Twenge nói: “Có hai cuộc khảo sát cho thấy thanh thiếu niên ngày nay thường ngủ không đủ giấc và việc có điện thoại thông minh trong phòng ngủ khiến họ ngủ ít hơn và có giấc ngủ kém chất lượng. Chiếc điện thoại di động thông minh là thứ quá hấp dẫn để họ thức khuya và ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại khiến não bộ của họ nghĩ rằng đó là ban ngày. Mọi hoạt động trên điện thoại để có tính kích thích tâm lý, khiến bộ não không thể chậm lại và thư giãn”. 

"Thủ phạm" thật sự dẫn đến cuộc khủng hoảng tự tử ở trẻ vị thành niên tại Mỹ ảnh 2

"Thủ phạm" thật sự dẫn đến cuộc khủng hoảng tự tử ở trẻ vị thành niên tại Mỹ ảnh 3

Thanh thiếu niên Mỹ trong độ tuổi 13-17: 

51% sử dụng Facebook; 

85% sử dụng YouTube; 

72% sử dụng Instagram; 

69% sử dụng Snapchat. 

“Chúng ta đang ở giữa vùng xoáy “tâm bão” của cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn diện ở lứa tuổi trẻ nhỏ và vị thành niên. Tỷ lệ tự tử cao là bằng chứng rõ nét và nhất quán nhất về triệu chứng và hành vi khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên”. 

Nhà tâm lý học, Tiến sĩ Jean M.Twenge (Trường Đại học bang San Diego (Mỹ); tác giả cuốn sách “iGen” - nhận định về các xu hướng sức khỏe tâm thần ở những người sinh từ năm 1995 trở đi)

“Từ năm 2011, trong giới trẻ tại Mỹ, bên cạnh các vụ tự tử, còn ghi nhận thêm sự gia tăng gần 400% nỗ lực tự tử bằng cách uống thuốc. Những nỗ lực tự tử trong giới trẻ Mỹ được ghi nhận tăng gấp 4 lần trong vòng 6 năm qua và dường như còn chưa được đo đếm một cách chính xác. Thực tế, những nỗ lực tự tử và những cái chết do tự tử, đặc biệt trong giới trẻ, trở thành bí mật gia đình, thay vì được điều tra và xử lý theo cách có thể bảo vệ những người khác khỏi số phận tượng tự”.

Tiến sĩ Henry A.Spiller (Giám đốc Trung tâm Ngộ độc Ohio, Mỹ)

“Các bậc cha mẹ nhắc nhở con cái mình tránh sử dụng các thiết bị điện tử trong vòng 1 giờ trước khi đi ngủ, đặt ra những giới hạn hợp lý cho con trẻ về thời gian sử dụng công nghệ và cài đặt chế độ tự động tắt máy điện thoại vào lúc 9h tối. Đồng thời, các bậc cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra trẻ, hỏi xem họ cảm thấy thế nào và có khi nào nghĩ đến cái chết hay không. Ngay từ khi còn học Tiểu học, trẻ em đã cần phải có những cuộc trò chuyện có trách nhiệm về việc tự tử. Người lớn cần chuẩn bị cho những người trẻ tuổi nói về cảm xúc của họ ngay từ lúc đầu đời”. 

Nhà tâm lý học, Tiến sĩ John P.Ackerman (Tổ chức Phòng, chống tự tử thuộc Bệnh viện Trẻ em Quốc gia Mỹ ở Columbus, Ohio)