Thông điệp tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông

ANTD.VN - Việc Pháp liên tục cử tàu chiến, máy bay tới tham dự các hoạt động diễn tập và tuần tra trên Biển Đông được xem là thông điệp cứng rắn mà Paris muốn truyền tải về tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Thông điệp tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông ảnh 1Tàu săn ngầm lớp FREMM Provence của Pháp từng được quốc gia này triển khai tới Biển Đông

Không quân Pháp từ cuối tháng 7 đã triển khai 3 máy bay chiến đấu Rafale B, 1 máy bay vận tải quân sự A400M và 1 máy bay tiếp nhiên liệu C135 tới phía Bắc Australia để tham gia cuộc tập trận đa phương thường niên mang tên Pitch Black do Australia tổ chức. Pitch Black là một trong những cuộc tập trận không quân lớn nhất tại châu Á - Thái Bình Dương.

Ngay sau cuộc tập trận Pitch Black, biên đội máy bay chiến đấu của Không quân Pháp lại tiếp tục thực hiện cuộc diễn tập quân sự Sứ mệnh Pegase cùng lực lượng không quân các quốc gia châu Á gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Ấn Độ vào tháng 8 này.

Bộ Quốc phòng Pháp nêu rõ việc một đơn vị Không quân Pháp tham gia sứ mệnh này là nhằm làm “sâu sắc thêm mối quan hệ với các nước đối tác chính”, đồng thời duy trì các điều kiện để không quân Pháp có thể được triển khai tới bất kỳ nơi nào trên thế giới khi được yêu cầu.

Cũng theo Bộ Quốc phòng Pháp, việc các máy bay của Không quân Pháp khi tham gia Sứ mệnh Pegase sẽ bay trên vùng trời phía Nam của Biển Đông cũng chính là cơ hội để nước Pháp khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong vùng biển chiến lược quan trọng này theo Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng việc tham gia liên tiếp 2 cuộc tập trận đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ của Pháp khi mà tình hình Biển Đông trở lên căng thẳng do những đòi hỏi chủ quyền phi lý cùng các hành động hung hăng, gây hấn của Trung Quốc.

Đáp lại các hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông, Pháp đã triển khai nhiều khí tài quân sự tới đây nhằm nhấn mạnh tới sự cần thiết phải đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tại vùng biển mà Paris cho rằng có ảnh hưởng tới lợi ích của nước Pháp trên toàn cầu này.

Pháp đã triển khai tới Biển Đông tàu trinh sát Vendémiaire vào các năm 2014, 2015 và 2018; tàu trinh sát Prairial vào năm 2017; 2 tàu săn ngầm lớp FREMM Provence và Auvergne vào các năm 2016 và 2018.

Theo giới quan sát, Pháp tăng cường hiện diện về quân sự ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc ráo riết tăng cường thực hiện quân sự hóa vùng biển này cũng là để khẳng định rằng quân đội Pháp có quyền hoạt động tại bất kỳ khu vực nào luật pháp quốc tế cho phép và Bắc Kinh không được phép cản trở.

Không chỉ có vậy, ngoài ý nghĩa phát đi thông điệp cứng rắn, việc triển khai các khí tài quân sự cũng nhằm giúp quân đội Pháp thu thập thông tin và hiểu rõ hơn về Biển Đông để có thể sẵn sàng hành động vì lợi ích của nước Pháp trên thế giới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ khi lên cầm quyền đã chủ trương tăng cường hiện diện tại Biển Đông, xem đó là cách để chứng minh chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do” mà Paris theo đuổi. “Mở và tự do” - đó là sự đáp trả lại hành động quân sự hóa và hăm dọa để theo đuổi tham vọng đòi hỏi của Bắc Kinh. 

Lên tiếng mới đây tại Đối thoại Shangri-La vào đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tuyên bố sẽ tiếp tục triển khai tàu chiến tới Biển Đông để thách thức hành động quân sự hóa ngày càng mạnh của Trung Quốc ở vùng biển này.

Bà Florence Parly tuyên bố nước Pháp sẽ thực hiện sứ mệnh đảm bảo tự do hàng hải và hàng không với những đồng minh then chốt khác như Anh, quốc gia mà như Pháp đã điều khí tài quân sự tới Biển Đông nhằm “thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý và hành động quân sự hóa của Bắc Kinh”.