Thông điệp gì đằng sau vụ thử tên lửa tầm ngắn mới nhất của Triều Tiên?

ANTD.VN -Vào sáng ngày 4-5, quân đội Hàn Quốc (ROK) thông báo, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK) đã phóng hàng loạt tên lửa tầm ngắn từ gần Wonsan trên bờ biển phía đông của đất nước hướng về phía Biển Nhật Bản. Vậy đằng sau vụ thử này là thông điệp gì?

Thông điệp gì đằng sau vụ thử tên lửa tầm ngắn mới nhất của Triều Tiên? ảnh 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 ở Hà Nội, ngày 27-2-2019

Giới phân tích cho biết, các tên lửa được Triều Tiên phóng đi sáng nay dường như nhỏ hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), và không nằm trong nhóm vũ khí mà Bình Nhưỡng từng cam kết dừng thử nghiệm để mở đường cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ.

"Việc Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa vào sáng nay (4-5) như một thông điệp gửi tới Mỹ: Đây là cảnh báo mới nhất trong một loạt các cảnh báo ngầm và thể hiện sự thất vọng của Bình Nhưỡng đối với Washington trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa hai nước đang lâm vào bế tắc sau khi hai bên không đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh lần hai hồi tháng 2-2019 tại Hà Nội. Triều Tiên dường như tức giận vì sự thiếu linh hoạt trong lập trường của chính quyền Donald Trump về việc nới lỏng trừng phạt và duy trì chính sách gây sức ép tối đa", CNN dẫn lời ông Harry J. Kaziais - Giám đốc nghiên cứu Hàn - Triều tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia có trụ sở ở Washington cho biết.

Theo chuyên gia Kaziais, thông qua vụ phóng tên lửa, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như muốn "nhắc nhở thế giới, đặc biệt là Mỹ, rằng năng lực vũ khí của Triều Tiên vẫn phát triển từng ngày".

Nhà nghiên cứu cấp cao tại Diễn đàn An ninh Phòng vệ Hàn Quốc, ông Yong Uk nhận định: "Vụ phóng tên lửa sáng nay là biểu hiện cho sự thất vọng của Triều Tiên về các cuộc đàm phán bị đình trệ với Mỹ. Đó là thông điệp rõ ràng rằng, Bình Nhưỡng có thể quay trở lại trạng thái đối đầu như trước đây nếu không có bước đột phá nào cho tình trạng bế tắc hiện nay".

Kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2, hai nước đã tăng cường các tuyên bố chỉ trích lẫn nhau, bất chấp mọi nỗ lực đàm phán trong suốt hơn một năm qua.

Mỹ đã tái khẳng định mong muốn phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Bình Nhưỡng liên tục chỉ trích Mỹ, Hàn Quốc về các cuộc tập trận quân sự chung, bỏ qua các cuộc họp trong văn phòng Liên lạc liên Triều tại Kaesong và xây dựng lại các cơ sở phóng vệ tinh trước đây đã bị phá hủy.

"Ông Kim vẫn đang thể hiện 'giới hạn' của mình. Còn Mỹ cần phải suy nghĩ cẩn thận về cách họ sẽ phản ứng với vụ phóng này, và những gì họ sẽ làm tiếp theo. Nếu không họ sẽ thua cuộc vì mục tiêu phi hạt nhân hóa, hay tệ hơn là một cuộc xung đột tiềm tàng", giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson ở Washington chỉ rõ.