"Thỏa thuận thế kỷ" nhằm vẽ lại bản đồ Trung Đông của Mỹ bị chỉ trích

ANTD.VN - Kế hoạch hòa bình của Mỹ về vấn đề Palestine với tên gọi “Thỏa thuận thế kỷ” tiếp tục bị chỉ trích như là một âm mưu nhằm vẽ lại bản đồ của khu vực Trung Đông, bất chấp lợi ích của những nước có liên quan.

Người dân Palestine phản đối kế hoạch hòa bình của Mỹ về vấn đề Palestine với tên gọi “Thỏa thuận thế kỷ”

Phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Syria Bashar Al-Assad tại Thủ đô Damascus nhân chuyến thăm Syria, ông Hossein Amir-Abdollahian, Tổng Thư ký Nghị viện Iran về các vấn đề quốc tế, khẳng định Iran và các đồng minh sẽ không cho phép Mỹ đạt được dã tâm thông qua kế hoạch hòa bình về vấn đề Palestine.

Ngay từ khi hình hài đầu tiên của kế hoạch vãn hồi hòa bình cho khu vực Trung Đông mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tán dương hết lời với những mỹ từ “Thỏa thuận thế kỷ” được công bố, nó đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của các nước Trung Đông. Vấn đề là bởi nội dung của kế hoạch này đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine mà chính Washington là người khởi thảo.  

Trở lại với quá khứ, ngày 13-9-1993 tại Washington, trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat và Thủ tướng Israel lúc đó Yitzhak Rabin đã ký tuyên bố lịch sử, còn gọi là Hiệp định Oslo - chính thức chấm dứt hàng thập kỷ đối đầu và xung đột giữa Israel và Palestine. 

Theo Hiệp định Oslo, lần đầu tiên Israel và Palestine thừa nhận các quyền hợp pháp và chính trị lẫn nhau, Israel đồng ý rút quân khỏi Dải Gaza và Jericho ở khu Bờ Tây. Sau 27 năm lưu vong, ông Arafat trở về lãnh thổ Palestine và trở thành Tổng thống Nhà nước Palestine. Chính quyền Palestine do ông Arafat lãnh đạo kiểm soát các khu vực không bị Israel chiếm đóng với chức trách như một chính phủ được quốc tế công nhận.

Thế nhưng, trong kế hoạch vãn hồi hòa bình cho khu vực Trung Đông mà con rể của ông Trump là Jared Kushner lần đầu tiên giới thiệu tại Hội nghị “Hoà bình cho thịnh vượng” tổ chức tại Bahrain cuối tháng 6 vừa rồi, nguyên tắc cơ bản - “giải pháp hai nhà nước”, có nghĩa là nhà nước Israel và nhà nước Palestine cùng tồn tại như thỏa thuận nêu trong Hiệp định Oslo, lại không được Washington nhắc tới.

Sáng kiến mà Mỹ nêu lên tại Hội nghị Bahrain là kêu gọi các nước, chủ yếu là những nước giàu ở vùng Vịnh, quyên góp tài chính cho một quỹ đầu tư trị giá 50 tỷ USD nhằm phát triển kinh tế xã hội cho Palestine, tập trung vào 4 lĩnh vực chính là cơ sở hạ tầng, công nghiệp, phát triển xã hội và cải cách chính quyền. 

Cách tiếp cận của Mỹ ở đây không phải là một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột 

Israel - Palestine, mà là dùng tiền theo kiểu “Kế hoạch Marshall” để phát triển kinh tế, tăng thu nhập và giảm đói nghèo trong cộng đồng người Palestine. Đổi lại, người Palestine sẽ từ bỏ ý chí đấu tranh vì tự do và độc lập, vì Nhà nước độc lập riêng có chủ quyền và lãnh thổ.

“Sáng kiến hòa bình” như thế này thực chất là vì lợi ích của Israel, bất chấp ý nguyện cũng như lợi ích của Palestine. Thực hiện nó sẽ dẫn đến việc vẽ lại bản đồ khu vực Trung Đông, chấp nhận chủ quyền của Israel tại những vùng đất mà nước này đã chiếm của các nước Ả-rập trong các cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX.    

Làm sao ý tưởng đó có thể được người Palestine chấp nhận, làm sao có thể khắc phục được tận gốc rễ cuộc xung đột dai dẳng lâu nay giữa Israel và Palestine, cũng như giữa 

Israel và các nước Ả-rập? Không phải ngẫu nhiên mà các nhà lãnh đạo Palestine ngay lập tức tuyên bố kế hoạch hòa bình do Mỹ khởi xướng chẳng khác gì kêu gọi một sự đầu hàng.

Trung Đông chỉ có thể có hòa bình khi Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ mà nước này chiếm đóng. Nỗ lực giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine sẽ là vô nghĩa một khi Nhà nước Palestine không được thành lập trên những vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng.