Tên lửa "thử lửa" đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên

ANTD.VN - Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà Triều Tiên tiến hành vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm vào thời điểm chỉ còn 2 ngày nữa là diễn ra cuộc đàm phán hạt nhân rất được trông đợi với Mỹ.

Tên lửa "thử lửa" đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên ảnh 1Hình ảnh vụ phóng thử lên lửa SLBM phiên bản Pukguksong-3 được hãng CKNA công bố

Vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm vào sáng 2-10 mà như Triều Tiên tuyên bố là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) đang làm nóng thêm tình hình trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Bắc Á nói chung. Đây là vụ phóng thử tên lửa mới nhất và vụ phóng thử SLBM đầu tiên trong 3 năm qua của Triều Tiên trong bối cảnh đàm phán với Mỹ về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã đình trệ suốt từ tháng 6-2018 tới nay.

Đáng lưu ý là vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên có tính chất khác hẳn với những vụ phóng thử thời gian trước đó, khi chủ yếu là phóng thử các loại tên lửa chiến thuật, tên lửa tầm ngắn và phóng đi từ mặt đất. Tên lửa phóng thử từ tàu ngầm sáng 

2-10, theo sự mô tả của Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), là loại tên lửa SLBM mới mang tên Pukguksong-3, được phóng đi theo phương thẳng đứng, tại vùng biển ngoài khơi Vịnh Wonsan. Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên cũng tuyên bố, vụ phóng đã khẳng định về mặt khoa học và kỹ thuật các chỉ tiêu  kỹ thuật và chiến lược chủ chốt của loại tên lửa đạn đạo mới của nước này.

Một vụ thử tên lửa SLBM của Triều Tiên được nhìn nhận, đánh giá khác hẳn các vụ thử tên lửa chiến thuật trước đó của nước này. Tên lửa SLBM do tính chất bí mật, bất ngờ nên luôn tiềm ẩn mối nguy hiểm cao hơn hẳn so với các loại tên lửa được phóng lên từ mặt đất hay trên không.

Tên lửa Pukguksong-3 mà Triều Tiên phóng thử ngày 2-10 là biến thể mới nhất của loại tên lửa Pukguksong kể từ khi nó được hé lộ trong ảnh chụp lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 8-2017. Pukguksong là loại tên lửa đạn đạo hai tầng đẩy sử dụng nhiên liệu rắn được Triều Tiên thử nghiệm lần đầu tiên vào cuối năm 2014 với phiên bản Pukguksong-1 đã bay lên tới độ cao 500 km và bay xa khoảng 1.200 km, phiên bản Pukguksong-2 phóng từ mặt đất có tầm bắn được tăng lên 2.000 km, trong khi Pukguksong-3 phóng từ tàu ngầm với tầm bắn tới mục tiêu ở khoảng cách 2.000-2.500 km. 

Vụ phóng thử tên lửa Pukguksong-3 được cho diễn ra từ loại tàu ngầm chiến lược mới, được hé lộ lần đầu vào tháng 7 vừa qua của Triều Tiên và tên lửa này có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân. Vì thế, vụ phóng đã gây chấn động dư luận, đặc biệt là tại hai quốc gia ở Đông Bắc Á khác là Hàn Quốc và Nhật Bản, với sự lo ngại sâu sắc. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ trích mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, cho rằng đây là một động thái vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là phản ứng của Mỹ, quốc gia liên quan trực tiếp và đang cùng Triều Tiên thực thi cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong tuyên bố đưa ra ngày 2-10, Mỹ chỉ kêu gọi Triều Tiên “kiềm chế các hành động khiêu khích” và iếp tục hướng tới các cuộc đàm phán hạt nhân. Mỹ thậm chí còn hạ thấp mức độ nghiêm trọng khi cho rằng, Triều Tiên chỉ phóng thử tên lửa tầm trung từ một bệ phóng đặt trên sà lan nổi ngoài khơi nước này chứ không phải từ tàu ngầm dưới mặt nước.

Việc Mỹ hạ thấp tính chất nghiêm trọng vụ phóng thử SLBM của Triều Tiên được cho là Washington không muốn làm căng thêm tình hình trong bối cảnh nối lại cuộc đàm phán hạt nhận với Triều Tiên tại Thụy Điển từ ngày 4-10 sau nhiều tháng gián đoạn. Thế nhưng, giới quan sát cho rằng chính những phản ứng “không đủ mạnh” đối với những vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên kể từ khi tiến trình phi hạt nhân hóa đình trệ từ tháng 6-2018 tới nay đã “kích thích” thêm Triều Tiên dùng các vụ phóng thử này như một cách thức gây sức ép để Washington phải nhượng bộ trên bàn đàm phán về lộ trình, bước đi phi hạt nhân hóa.