Tàu cá Trung Quốc tàn phá môi trường biển và gây bất ổn an ninh ở Biển Đông

ANTD.VN - Một trong những thứ mà ngư dân Trung Quốc lùng sục trong những rạn san hô ở Biển Đông là loài sò tai tượng. Điều đáng lo ngại ở chỗ, loài sò này không những đã biến mất do kiểu khai thác tận diệt mà ngư dân Trung Quốc còn băm nát các rạn san hô rộng lớn ở Biển Đông vốn phải mất hàng thiên niên kỷ mới hình thành. 

Hủy hoại môi trường

Tàu cá Trung Quốc tàn phá môi trường biển và gây bất ổn an ninh ở Biển Đông ảnh 1Bản đồ cho thấy tàu cá cùng trạm radar xuất hiện cùng lúc tại bãi Bombay ở Biển Đông, ảnh thuộc bản quyền của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS

Sò tai tượng là một trong số những loài sống tại các rạn san hô nông, chúng có thể nặng hơn 200kg, chiều ngang tới 120cm, và tuổi thọ trung bình trong tự nhiên là 100 năm trở lên. Vỏ của loài sò tai tượng có thể đáng giá cả gia tài ở Trung Quốc, nơi chúng được sử dụng để làm đồ trang sức và mỹ nghệ. Món lợi béo bở này là động cơ thúc đẩy đội tàu cá của ngư dân đảo Hải Nam (Trung Quốc) sục sạo bất hợp pháp ở các vùng biển của nước khác. 

Bắt đầu từ đầu những năm 2010, ngư dân Trung Quốc tràn vào Biển Đông trên những chiếc tàu đánh cá nhỏ, được những tàu đánh cá lớn hơn đóng vai trò là tàu mẹ hộ tống. Chúng vượt lãnh hải Trung Quốc đến những vùng biển đang tranh chấp hoặc rõ ràng thuộc chủ quyền các nước láng giềng. Khi các đội tàu này thấy rạn san hô cạn, họ dùng thuyền nhỏ hơn và sử dụng cánh quạt của động cơ phía ngoài (thường bằng đồng) rà đi rà lại trên rạn san hô cho đến khi vỏ sò lộ ra. 

Cuối năm ngoái, các đội tàu cá khai thác theo kiểu phá hoại từ Trung Quốc đã trở lại Biển Đông. Hầu hết họ sử dụng hệ thống ống cao áp cho phép khai thác các rạn san hô bên dưới bề mặt nên mạnh bạo hơn nhiều so với phương pháp sử dụng động cơ phía ngoài như trước. Hình ảnh ghi được từ trên không cho thấy, kỹ thuật này gây tổn hại nặng nề hơn cho hệ sinh thái, vì nó khuấy lên một lượng bùn lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh sản và sinh tồn của các loài cá.

Theo các nhà nghiên cứu, thay đổi dễ thấy nhất ở Biển Đông cho đến nay là loài sò tai tượng khổng lồ hoàn toàn biến mất. “Hơn thế, 25.000 mẫu rạn san hô ở Biển Đông đã bị phá hủy theo cách này” - ông John McManus thuộc Đại học Khoa học hàng hải và khí quyển Rosenstiel (nằm trong Đại học Miami) nhận định.

San hô là môi trường rất quan trọng đối với nghề cá và du lịch, nhưng đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và tất cả các loại hình “đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát”.

Phát hiện của ông McManus là một trong những bằng chứng được Tòa án Trọng tài quốc tế xem xét năm 2016, từ đó ra phán quyết Trung Quốc đã vi phạm quyền tài phán của Philippines thông qua đánh bắt bất hợp pháp và bồi đắp trái phép “đảo nhân tạo”.

Mặc dù phán quyết như một cú giáng mạnh vào Bắc Kinh, nhưng điều đó đã không ngăn được các đội tàu cá của họ xâm nhập vào các vùng biển khác, bao gồm cả những khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, hay bãi cạn Scarborough của Philippines, cũng như các vùng chồng lấn mà nhiều quốc gia ở Biển Đông cùng tuyên bố chủ quyền.

Hầu hết những tuyên bố chủ quyền này đều có cơ sở pháp lý mạnh hơn Bắc Kinh, ví dụ bãi cạn Scarborough cách bờ biển của Trung Quốc đại lục 1.600 hải lý nhưng chỉ cách Philippines 315 hải lý. Vậy tất cả những điều này có liên quan gì đến một cuộc chiến có thể xảy ra? 

Tàu cá Trung Quốc tàn phá môi trường biển và gây bất ổn an ninh ở Biển Đông ảnh 2Sò tai tượng ở khu vực Biển Đông luôn là mục tiêu mà tàu cá Trung Quốc săn tìm

Tàu cá đi trước, tàu chiến theo sau

Vấn đề nằm ở chỗ, các đội tàu đánh cá của Trung Quốc thường là mũi nhọn của ngọn giáo khi Bắc Kinh muốn thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông. Những đội tàu này thường được hộ tống bởi tàu có vũ trang của Lực lượng Hải cảnh hoặc Ngư chính nhằm xua đuổi ngư dân các nước láng giềng, thậm chí bắt giữ cả ngư dân các nước khác hay can ngăn hải quân các nước can thiệp.

Động thái này thường là để sau đó dọn đường cho quân đội Trung Quốc nạo vét các bãi cạn, xây dựng các căn cứ quân sự. “Việc thu hoạch sò tai tượng phù hợp với chiến lược bành trướng của Trung Quốc nhằm thiết lập quyền kiểm soát biển, đáy biển và không phận phía trên. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, đó là bất cứ nơi nào Trung Quốc bồi đắp một hòn đảo mới, đội tàu khai thác sò sẽ xuất hiện trước tiên” - ông Arnold Poling, Giám đốc cơ quan Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Washington - Mỹ) cho biết.

Trong một ví dụ điển hình, nhóm của ông Poling phân tích hình ảnh thu được cho thấy, hoạt động đánh bắt sò tai tượng trên rạn san hô Bombay (nơi Việt Nam, Đài Loan cũng như Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền) diễn ra trùng khớp với việc Trung Quốc xây dựng một trạm radar (với hơn 500m2 tấm pin mặt trời) từ đáy biển được gọi là Ocean E-Station. Những gì nằm bên dưới các tấm pin này là một bí ẩn, nhưng với khoảng cách gần các tuyến vận chuyển lớn, người ta nghi ngờ rằng nó có liên quan đến quân đội Trung Quốc.

Mặc dù các hòn đảo mà Trung Quốc cải tạo và bồi đắp trái phép đã đủ đáng lo ngại, nhưng chúng chỉ là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Bắc Kinh nhằm kiểm soát tất cả các vùng biển và không phận nằm bên trong cái gọi là đường 9 đoạn của Bắc Kinh, với ranh giới kéo dài từ vùng biển thuộc Đài Loan ở phía Bắc đến cực Nam là phía Nam của Việt Nam hay bờ biển Borneo ở phía Nam. Tuyến đường biển này chiếm khoảng 1/4 thương mại toàn cầu, chưa kể trữ lượng dầu và khí đốt tiềm năng nằm dưới đáy biển. 

Tàu cá Trung Quốc tàn phá môi trường biển và gây bất ổn an ninh ở Biển Đông ảnh 3Đồ mỹ nghệ chế tác từ vỏ sò tai tượng có giá lên tới cả triệu đô

Chiến lược đối phó với Trung Quốc

Làm sao có thể đẩy lùi những kẻ tàn phá rạn san hô để từ đó không châm ngòi cho xung đột? Chuyên gia Arnold Poling đã chỉ ra cách đối phó với Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông: “Hãy làm cho Bắc Kinh phải tin rằng, cái giá phải trả cho các hành vi này vượt xa lợi ích đem lại. Nên sử dụng các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc. Trung Quốc có thể phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào tại Hội đồng Bảo an, nhưng nếu Bắc Kinh bị coi là “kẻ đứng ngoài vòng pháp luật” cùng những điều tiếng khác thì càng có ít quốc gia tham gia sáng kiến Vành đai - Con đường, dự án phát triển cơ sở hạ tầng mà họ rất kỳ vọng”.

Cho đến nay, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhấn mạnh đến hợp tác với Trung Quốc dù đã có được lợi thế từ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, các quốc gia Đông Nam Á cần hiểu rằng, đây không phải là vì bảo vệ một loài động vật có vỏ khổng lồ, mà còn là cứu toàn bộ hệ sinh thái ở vùng nước cung cấp khoảng 12% lượng cá đánh bắt toàn cầu. Trong khi vỏ sò tai tượng mang lại lợi nhuận nhất định thì thu hoạch tiềm năng của ngành du lịch liên quan lớn hơn nhiều. Cuối cùng, nạn săn trộm luôn kèm theo các hành vi tội ác khác như buôn lậu ma túy, vũ khí, buôn người, cướp biển hay bắt cóc con tin.

Trung Quốc với tham vọng bá chủ khu vực, thường không quan tâm đến việc đàm phán một hiệp ước đa phương về đánh bắt thủy hải sản hay bất cứ điều gì khác. Nhưng việc bảo vệ ngư trường ở Biển Đông nhất định cần đến hợp tác đa phương và một nhận thức chung về bảo tồn các rạn san hô cũng như môi trường biển nơi đây.

“Hãy làm cho Bắc Kinh phải tin rằng, cái giá phải trả cho các hành vi này vượt xa lợi ích đem lại. Nên sử dụng các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc. Trung Quốc có thể phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào tại Hội đồng Bảo an, nhưng nếu Bắc Kinh bị coi là “kẻ đứng ngoài vòng pháp luật” cùng những điều tiếng khác thì càng có ít quốc gia tham gia sáng kiến Vành đai - Con đường, dự án phát triển cơ sở hạ tầng mà họ rất kỳ vọng”.

Ông Arnold Poling (Giám đốc cơ quan Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế)