Tác động của dịch Covid-19 với nền kinh tế thế giới

ANTD.VN - Cho dù dịch bệnh Covid-19 gây ra diễn biến phức tạp tại Trung Quốc - quốc gia là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, song các chuyên gia cũng như các định chế kinh tế cùng cho rằng những tác động mà dịch bệnh này mang lại cho kinh tế toàn cầu chỉ mang tính tạm thời và hạn chế.

Tác động của dịch Covid-19 với nền kinh tế thế giới ảnh 1Dịch bệnh Covid-19 đang tác động tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc – trước hết là lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng

Dịch Covid-19 chỉ tác động tạm thời lên kinh tế toàn cầu

Các nền kinh tế lớn trên thế giới và khu vực, đặc biệt là nền kinh tế Trung Quốc - quốc gia tâm dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19/nCoV), đang lên các kịch bản để ứng phó với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và khó lường này. Tuy nhiên, các định chế kinh tế lớn trên thế giới cũng như giới chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định rằng, tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế và thương mại toàn cầu sẽ chỉ mang tính tạm thời.

Ngân hàng JP Morgan của Mỹ trong dự báo mới nhất cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực giảm trong quý I-2020, song sẽ phục hồi trong 2 quý tiếp theo, qua đó tình trạng đình trệ do tác động của dịch Covid-19 sẽ dần được cải thiện. Đối với lĩnh vực tài chính, JP Morgan lưu ý thêm, dịch Covid-19 chỉ là “một yếu tố có tính chất không ổn định trong ngắn hạn, do đó sẽ  không thể cản trở các thị trường tài chính toàn cầu lập các mốc cao mới trong năm 2020”.

Cùng có chung nhìn nhận, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva trong phát biểu ngày 16-2 đã cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 có nguy cơ suy giảm do dịch bệnh Covid-19, song sau đó có thể sẽ phục hồi nhanh và mạnh mẽ. Người đứng đầu một trong hai định chế tài chính lớn nhất thế giới này dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể suy giảm không nhiều, chỉ ở mức khoảng 0,1-0,2 % do tác động của dịch Covid-19. 

Tổng Giám đốc IMF cho rằng, tác động toàn diện của dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh này và còn “quá sớm” để đánh giá điều này do hiện mới chỉ thấy được tác động đối với các lĩnh vực du lịch và giao thông vận tải. Cũng theo bà Kristalina Georgieva, nếu dịch Covid-19 được nhanh chóng khống chế, kinh tế toàn cầu có thể sẽ chịu sự suy giảm nhưng sau đó là sự phục hồi nhanh chóng.

Đối với hai trung tâm kinh tế lớn là Mỹ và Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), dịch Covid-19 được cho có những tác động với mức độ khác nhau, song cũng không lớn. Trong khi dịch Covid-19 có thể khiến tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ giảm từ 0,2-03% trong quý I-2020 thì tác động của nó đối với nền kinh tế Eurozone hầu như không đáng kể, chỉ ở mức “rất nhỏ” không vượt quá 0,01% GDP của khu vực này trong năm nay.

Khó khăn là cơ hội để vượt lên

Là quốc gia tâm dịch với số người nhiễm 72.437 trường hợp và 1.869 trường hợp tử vong tính tới ngày 18-2, Trung Quốc đương nhiên chịu những tác động nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19. Nhà kinh tế học Rohini Malkani, chuyên gia của cơ quan xếp hạng tài chính toàn cầu DBRS Morningstar ở Toronto (Canada), nhận định dịch Covid-19 đang gây tác động tức thời đến nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt ở khía cạnh sản xuất và tiêu dùng. 

Ông Zhang Jiazhui, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Taihe, cho rằng dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến Trung Quốc, khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thiệt hại ước tính gần 1.000 tỷ Nhân dân tệ (143,1 tỷ USD), tương đương khoảng 1% GDP của nước này, chỉ riêng trong quý I-2020. Chuyên gia này cho rằng, việc Chính phủ Trung Quốc thực hiện một loạt các biện pháp quyết liệt như đóng cửa thành phố tâm dịch Vũ Hán và một số thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc trong thời gian dài, tuy thực sự cần thiết để ngăn dịch bệnh lây lan, nhưng về mặt khách quan lại tác động đáng kể đến kinh tế vĩ mô và vi mô của Trung Quốc, khiến các ngành dịch vụ, du lịch và kinh doanh khách sạn bị ảnh hưởng trực tiếp và đầu tiên.

Bên cạnh các biện pháp quyết liệt để dập dịch Covid-19, Trung Quốc cũng đã triển khai những giải pháp để giảm thiểu thấp nhất tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Trong biện pháp mới nhất, ngày 17-2, Trung Quốc đã hạ lãi suất cho vay trung hạn (MLF) ở mức 10 điểm cơ bản xuống còn 3,15%; đồng thời Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng Trung ương) cũng bơm thêm 200 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 28,66 tỷ USD) vào thị trường qua MLF. 

Ngoài ra, PBoC còn bơm 100 tỷ Nhân dân tệ vào hệ thống tài chính thông qua các thỏa thuận bán và mua lại cổ phiếu (repo) nhằm duy trì mức thanh khoản phù hợp trong hệ thống ngân hàng. Các động thái trên của Chính phủ Trung Quốc được cho là nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với các doanh nghiệp, theo đó mở đường cho việc giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR), giúp giảm chi phí cho vay và nới lỏng tài chính đối với các công ty đang bị thiệt hại do dịch bệnh.

Cũng như các quốc gia trên thế giới và khu vực, Việt Nam cũng đã kịp thời đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới nền kinh tế, cập nhật kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, cần thực hiện tích cực, hành động quyết liệt hơn nữa để năm 2020 hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Quốc hội đã thông qua. Các cấp, các ngành, các địa phương bằng hành động sáng tạo, quyết tâm của mình, cùng với phòng chống dịch, phải đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; khẩn trương vào cuộc và tăng tốc. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, khó khăn cũng chính là cơ hội vượt lên chính mình, kiến tạo lại những nền tảng có tính bền vững hơn và đạt được thành quả to lớn hơn trong năm 2020.