Sức nặng mới của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải sau bước ngoặt lịch sử

ANTD.VN - Quan chức phụ trách lĩnh vực an ninh của các thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCo) sẽ nhóm họp lần đầu tiên kể từ khi tổ chức “phi phương Tây” này kết nạp thêm 2 thành viên ấn Độ và Pakistan.

Sức nặng mới của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải sau bước ngoặt lịch sử ảnh 1Với sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải trở thành diễn đàn thảo luận và giải quyết nhiều vấn đề lớn trên toàn cầu 

Cuộc họp thường viên của Ban Thư ký Hội đồng an ninh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 13 sẽ được tổ chức trong hai ngày 21 và 22-5 tới tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) với sự tham dự của các quan chức an ninh cao cấp nhất nhằm bàn về an ninh khu vực. Dù là họp thường niên nhưng cuộc họp năm nay sẽ lần đầu tiên có sự tham dự của đại diện Ấn Độ và Pakistan với tư cách là thành viên chính thức sau khi hai quốc gia Nam Á này cùng gia nhập SCO vào tháng 6-2017. 

SCO ra đời tháng 6-2001 từ ý tưởng ban đầu của Trung Quốc nhằm giải quyết những vấn đề biên giới giữa Trung Quốc với các nước láng giềng thuộc Liên Xô (cũ) gồm Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Tuy nhiên, sự kiện khủng bố đẫm máu ngày 11-9-2001 tại Mỹ đã làm thay đổi cơ bản mục đích cũng như nội dung hợp tác của SCO khi mà Washington phát động cuộc chiến chống khủng bố nhằm vào khu vực Nam Á láng giềng của các thành viên tổ chức này. 

Đến nay, an ninh và chống khủng bố vẫn là nội dung hợp tác xuyên suốt và cốt lõi của SCO, nhưng cũng với mối quan tâm chung cùng sức mạnh ngày càng gia tăng của các thành viên đã biến SCO thành một tổ chức hợp tác bao trùm trên nhiều lĩnh vực từ an ninh, chính trị cho tới kinh tế, thương mại, xã hội...

Hội nghị Cấp cao SCO hồi tháng 8-2008 để lại dấu ấn đậm nét trong tiến trình phát triển của tổ chức này khi nhất trí mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, an ninh, văn hóa, nhân đạo, đồng thời ký các thỏa thuận về diễn tập quân sự chống khủng bố, chống buôn lậu vũ khí, cũng như hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng, năng lượng, giao thông vận tải, tài chính, công nghệ thông tin và nông nghiệp.

Trên thực tế, SCO với 2 thành viên nòng cốt Nga và Trung Quốc, là những cường quốc hàng đầu thế giới, có tiềm lực rất lớn, chiếm 23% diện tích đất liền trên toàn cầu, 45% dân số và 25% GDP toàn thế giới và có phạm vi ảnh hưởng ngày càng sâu rộng.

Cùng với những ảnh hưởng ngày càng tăng của mình, SCO đã góp một phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh quốc tế như chống buôn bán ma túy, chống khủng bố… SCO có sức hút ngày càng lớn với không chỉ các quốc gia châu Á khi bên cạnh các thành viên có 4 nước quan sát viên là Afghanistan, Belarus, Iran, Mông Cổ và 6 nước đối tác đối thoại gồm Azerbaijan, Armenia, Campuchia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka.

Tiếp sau Ấn Độ và Pakistan, Iran có thể gia nhập SCO trong tương lai, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã đề cập tới việc làm thành viên của tổ chức này, đặc biệt là Mỹ cũng ngỏ ý muốn trở thành quan sát viên của SCO song bị từ chối bởi đây được xác định là tổ chức không bao gồm các quốc gia phương Tây để đối trọng với NATO. Việc kết nạp thêm 2 thành viên mới cách đây gần 1 năm, đặc biệt là Ấn Độ, được xem là bước ngoặt lịch sử với SCO sau dấu ấn năm 2008. Việc Ấn Độ và Pakistan gia nhập không chỉ mang ý nghĩa mở rộng về địa lý mà còn giúp tổ chức này tăng sức nặng về địa chính trị và sức ảnh hưởng trên toàn cầu, giúp SCO lớn mạnh hơn và tiến gần hơn tới việc trở thành một diễn đàn tầm cỡ lớn toàn cầu.

Một SCO mở rộng với sức nặng và tầm ảnh hưởng lớn cùng sự có mặt của 3 cường quốc lớn như Nga - Trung Quốc - Ấn Độ mang lại cơ hội giải quyết các thách thức toàn cầu như chủ nghĩa khủng bố, chạy đua vũ trang, đói nghèo, dịch bệnh, thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu… Diện mạo sức nặng mới của SCO sẽ phần nào thể hiện qua cuộc họp an ninh sắp tới ở Thượng Hải.