Sự nguy hại của tin tức giả gây căng thẳng sắc tộc tại Malaysia

ANTD.VN - Trên các trang mạng xã hội tại Malaysia trong tháng qua có rộ lên nhiều tin đồn về việc người Trung Quốc đại lục đang được cấp Thẻ căn cước công dân của nước này. Đây là một trong những sự kiện mới nhất gây căng thẳng sắc tộc giữa thời điểm mối quan hệ giữa người Malaysia gốc Hoa và người Malaysia bản địa đang ở mức thấp nhất. 

Thẻ căn cước công dân Malaysia giả với hình ảnh người được cho là người gốc Hoa (“Palsu” có nghĩa là giả)

Loạn tin giả trên các trang mạng xã hội

Mới đây, Cục Đăng ký Quốc gia Malaysia (NRD) đã đệ đơn lên cảnh sát, yêu cầu tiến hành điều tra một số người dùng mạng xã hội vì họ có hành vi truyền bá tin giả về việc Cục tùy ý cấp quốc tịch cho người Trung Quốc. Những bài đăng trên Facebook và Twitter bao gồm hình ảnh của những người được cho là người Trung Quốc trên tấm Thẻ căn cước của Malaysia. Tấm thẻ màu xanh này, còn được biết đến với cái tên MyKad - chỉ được cấp duy nhất cho công dân Malaysia. 

Một trong những bài đăng này là hình ảnh của một người phụ nữ Trung Quốc lục địa. Nhưng trong thực tế, người phụ nữ này đã kết hôn với một công dân Malaysia hơn 20 năm nay và được cấp quốc tịch tại quốc gia này. Cục trưởng NRD Ruslin Jusoh cho biết, người phụ nữ này đã hoàn thành đủ điều kiện để trở thành công dân Malaysia, dựa trên những tiêu chuẩn đặt ra bởi Hiến pháp Liên bang. Ông Jusoh cũng nói thêm rằng không dễ dàng gì để có thể có được quốc tịch Malaysia trong tay. Ông cũng bác bỏ mọi tin đồn rằng NRD chỉ cấp quốc tịch Malaysia cho một số công dân nước ngoài nhất định. 

Tháng trước, trên Facebook có xuất hiện hình ảnh một người được cho là người Malaysia gốc Hoa đang đốt cháy Quốc kỳ. Tuy vậy, hình ảnh này lại có nguồn gốc từ năm 2013 khi một người Philippines nghỉ hưu đốt cờ Malaysia để phản đối nước này trong vụ đối đầu tại quận Lahad Datu, thuộc bang Sabah, nơi Philippines có tranh chấp chủ quyền với Malaysia. Cũng chính bức ảnh này đã được sử dụng trước đó vào năm 2015 để cáo buộc tổ chức phi Chính phủ Bersih vì tội thiếu tôn trọng với Quốc kỳ. 

Âm mưu phá hoại quan hệ giữa các sắc tộc

Đại biểu Quốc hội Lim Lip Eng của Đảng Hành động Dân chủ (DAP), nằm trong liên minh đảng cầm quyền, cũng mới đây trở thành nạn nhân của “Fake News” trên mạng xã hội khi trên ứng dụng nhắn tin Whatsapp có những tin đồn xuất hiện vài tháng qua cáo buộc ông cấp quốc tịch cho người Trung Quốc đại lục tại địa phương bầu cử của mình là quận Kepong thuộc Thủ đô Kuala Lumpur. “Bầu không khí căng thẳng và sợ hãi về chia rẽ sắc tộc và tôn giáo tại Malaysia đang ở đỉnh điểm. Mọi sự kiện gì cũng có thể bị bóp méo thành vấn đề sắc tộc và tôn giáo, bất kể là chúng có giả dối đến chừng nào chăng nữa”, ông Eng cho biết. 

Bản thân Đảng DAP cũng phải đối mặt với hàng loạt những tin giả. Ông Eng cho rằng vì DAP là một đảng chính trị với số đông cử tri là những người gốc Hoa nên đảng sẽ luôn là mục tiêu trong những kế hoạch gây ra bất ổn sắc tộc và tôn giáo của các phe đối lập và của những kẻ phân biệt sắc tộc và cực đoan tôn giáo. 

Năm 2018, khi liên minh chính trị Pakatan Harapan lên nắm quyền lãnh đạo, Tổng Bí thư của Đảng DAP Lim Guan Eng đã trở thành người Malaysia gốc Hoa đầu tiên được bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ Tài chính sau hơn 44 năm. Theo nhà phân tích chính trị Asrul Hadi Abdullah Sani của công ty tư vấn chính sách công BowserGroupAsia, việc bổ nhiệm một người gốc Hoa vào những vị trí chiến lược trong Chính phủ đã gây ra bất an trong một vài bộ phận dân cư. Những tin giả về Thẻ căn cước trên sẽ “chứng thực” được ngờ vực của bộ phận người Malaysia đối với những lãnh đạo người gốc Hoa và rằng người gốc Hoa chỉ là những người ngoại quốc hay dân nhập cư tại quốc gia này. 

Chuyên gia phân tích chính trị Azmi Hassan cảnh báo rằng, bên cạnh mục đích gây rối loạn quan hệ sắc tộc giữa người Malay bản địa và người Malaysia gốc Hoa, những bài đăng này còn có ý đồ hạ uy tín của Chính phủ đương nhiệm do liên minh chính trị Pakatan Harapan lãnh đạo. Hiện tại, số người gốc Hoa tại Malaysia chiếm 22% trong 32 triệu dân nước này trong khi số người Malay theo đạo Hồi chiếm hơn 60%. Ông Hassan nói rằng sự tồn tại 62 năm của Malaysia với tư cách là một quốc gia đa sắc tộc là minh chứng cho sự thiết yếu của lòng tin và tình hữu nghị giữa các sắc tộc khác nhau.