Sự hiểu lầm tai hại khi nói Covid-19 là"bệnh nhà giàu"

ANTD.VN - Từ khi đổ bộ vào các thị trấn công nghiệp ở miền Trung Mexico, vùng đất cát trải dài ở phía Bắc Nigeria và mê cung các tòa nhà toàn kính ở Mumbai - thủ phủ thương mại Ấn Độ, dịch Covid-19 được đặt một cái tên khác: “Bệnh nhà giàu”. 

Sự dịch chuyển xuyên biên giới là một điều kiện khiến đại dịch Covid-19 lan khắp toàn cầu

Các đại dịch trong suốt lịch sử có liên quan đến những người yếu thế, nhưng ở nhiều nước đang phát triển, virus Corona mới là loại virus nhập khẩu cao cấp - chúng bám theo những du khách trở về từ các chuyến công tác ở Trung Quốc, đi trượt tuyết ở Bắc Mỹ hay du học sinh ở châu Âu.

Quan niệm sai lầm

Khi các ca nhiễm Covid-19 mới xuất hiện, bệnh nhân tập trung ở những người tương đối khả giả, vì thế nhiều người nghèo và tầng lớp lao động tin rằng dịch bệnh này sẽ khó rơi vào họ, nếu có thì cũng rất hiếm gặp. Sự hiểu lầm đó lan truyền cả trong giới lãnh đạo, như ông Luis Miguel Barbosa, Thống đốc bang Puebla của Mexico nói vào tháng 3-2020: “Nếu bạn giàu có, bạn có nguy cơ, nhưng nếu bạn nghèo, bạn nằm ngoài nguy cơ. Người nghèo miễn dịch”.

Cho đến nay, rõ ràng virus SARS-CoV-2 không từ chối một ai. Nó gây hại cho người nghèo đói, người bị bỏ quên, người có tiền sử bệnh và không có điều kiện chăm sóc sức khỏe. Các nhà sử học cho rằng, đây có thể được coi là đại dịch đầu tiên có quy mô trải rộng từ tầng lớp người giàu đến tầng lớp thấp trong xã hội với hơn 270.000 ca tử vong.

“Ở giai đoạn rất sớm, có thể gọi đây là bệnh dịch của nhà giàu”, ông Joshua Loomis, Giáo sư sinh học tại Đại học East Stroudsburg ở Pennsylvania và chuyên viết về lịch sử các dịch bệnh nhận xét. “Nhưng như chúng ta đã biết, nó đã không mất nhiều thời gian để xâm nhập vào những cộng đồng nghèo và đó là nơi mà đại dịch hướng về”.

Người giàu từ lâu đã dựng lên các rào cản để tự bảo vệ mình, từ các bức tường để che đi khu ổ chuột ở Ấn Độ đến các cộng đồng ở Mỹ với chế độ an ninh bảo vệ và máy bay tư nhân để di chuyển khi cần. Những người khá giả đã tinh chỉnh giãn cách xã hội trong nhiều năm và khi dịch bệnh lây lan xuất hiện, nó sẽ nhắm vào bản năng xã hội mà người nghèo khó tách ra được. Bởi thế, khi một đại dịch bắt đầu từ giới nhà giàu, người nghèo sẽ khó tránh. 

Từ người giàu lan sang người nghèo

Kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được báo cáo ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc hồi cuối năm ngoái, bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới xuất hiện trên khắp thế giới trên các máy bay thương mại, nhanh chóng xuất hiện ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Mỹ. Trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Ấn Độ được phát hiện vào cuối tháng 1-2020, là một sinh viên y khoa học ở Vũ Hán trở về. Chỉ người Ấn Độ từng du lịch từ vùng dịch được xét nghiệm trong những tuần đầu. Hầu hết cuộc sống hàng ngày vẫn tiếp diễn: Những người giúp việc và lái xe là trụ cột gia đình rời khỏi khu dân cư đông đúc của họ mỗi sáng để đến làm việc trong các hộ gia đình trung lưu và thượng lưu, trở về nhà sau khi trời tối trên những chuyến tàu đông nghịt người.

Khi các ca nhiễm Covid-19 mới xuất hiện, bệnh nhân tập trung ở những người tương đối khá giả, vì thế nhiều người nghèo và tầng lớp lao động tin rằng dịch bệnh này sẽ khó rơi vào họ. Sự hiểu lầm đó lan truyền cả trong giới lãnh đạo. Tuy nhiên, cho đến nay, rõ ràng virus SARS-CoV-2 không từ chối một ai. Nó gây hại cho người nghèo đói, người bị bỏ quên, người có tiền sử bệnh và không có điều kiện chăm sóc sức khỏe.

Vào giữa tháng 3-2020, trường hợp người nghèo đầu tiên ở Ấn Độ được xác nhận là một quản gia 68 tuổi ở Mumbai. Các bác sĩ cho biết, bà này có khả năng lây nhiễm từ chủ nhân của mình, người đã xét nghiệm dương tính sau khi trở về từ Mỹ. Lúc đó, Ấn Độ bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc. Khi tình trạng lây nhiễm tiếp tục tăng cao, bác sĩ Harjit Singh Bhatti cho rằng, lẽ ra chính phủ nên đóng cửa các sân bay quốc tế ở New Delhi và Mumbai từ đầu tháng 3 và cách ly hành khách nghiêm ngặt hơn. “Những người trở về từ nước ngoài rõ ràng không nghèo. Nếu chúng ta cách ly họ ngay từ đầu, Ấn Độ sẽ có vị thế tốt hơn ngày hôm nay”, ông Harjit Singh Bhatti nói.

Ở Mexico, một số ca mắc Covid-19 được phát hiện là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng. Họ vừa sử dụng máy bay phản lực tư nhân để đi trượt tuyết ở Vail, Colorado, nước Mỹ. Nhóm đó có 1 quan chức ngân hàng hàng đầu; giám đốc điều hành của công ty sản xuất rượu tequila Jose Cuervo và Chủ tịch của sàn giao dịch chứng khoán Mexico, Jaime Ruiz Sacristan, nhưng ông này đã tử vong vì virus vào giữa tháng 4.

 Trong những tuần gần đây, virus đã xâm nhập vào một số cộng đồng nghèo nhất Mexico, bao gồm cả khu ổ chuột của tầng lớp lao động ở Mexico City và các thành phố biên giới phía Bắc như bang Juarez, nơi một ổ dịch tại nhà máy phụ tùng ô tô thuộc sở hữu của Mỹ khiến ít nhất 14 công nhân tử vong.

Cho đến nay, người nghèo ở nông thôn Mexico tránh được virus này một phần do họ nghiêm cấm người ngoài. Nhiều thị trấn xa xôi trên khắp Mexico đã dựng lên những rào chắn có những tình nguyện viên đấu tranh vì sức khỏe cộng đồng bảo vệ. Abel Barrera Hernández, một nhà hoạt động xã hội ở bang miền núi Guerrero cho biết, người dân nông thôn đơn giản là không đủ khả năng trang trải để mà mắc bệnh. “Những cộng đồng này đôi khi còn không có nước sinh hoạt, vì thế máy thở là điều quá xa xỉ”.

Mexico lo ngại dịch bệnh đe dọa các khu ổ chuột ở nước này

Khơi sâu khoảng cách chênh lệch

Đại dịch Covid-19 cũng lan truyền những câu chuyện về hành vi vô ý, thậm chí ngang ngược của giới nhà giàu trong phòng chống dịch bệnh. Một ca sĩ Bollywood của Ấn Độ đã từ chối tự cách ly khi trở về từ London, sau đó tham dự 3 bữa tiệc khiến hàng trăm gia đình tiếp xúc với cô này phải cách ly. Tương tự, dư luận Malaysia xôn xao bàn tán vụ con gái một chính trị gia nổi tiếng ở Malaysia đã bỏ qua quy định về phong tỏa toàn quốc để gặp một quan chức nhưng chỉ bị phạt nhẹ là nộp 184USD.

Trong khi đó, giai đoạn tháng 3 và tháng 4-2020, Hàn Quốc đã chứng kiến một làn sóng lây nhiễm mới từ các du học sinh từ Mỹ và Canada trở về, sau khi các trường đại học bên đó tạm thời đóng cửa. Người ta phát hiện một sinh viên bị sốt nhưng đã nuốt 20 viên acetaminophen để tránh bị phát hiện khi quét thân nhiệt ở sân bay; một em khác thì nhiều lần trốn cách ly để đến cửa hiệu Starbucks ở Seoul.

Làn sóng giận dữ nổi lên liên quan đến hành vi “bất cần” của nữ sinh viên 19 tuổi ở quận Gangnam ở Seoul. Cô này xét nghiệm dương tính với virus Corona mới sau khi trở về từ trường Đại học ở Boston, Mỹ. Được biết, nữ sinh viên cùng với mẹ mình đã đi nghỉ ở đảo Jeju 5 ngày trước khi lấy mẫu xét nghiệm. Đã thế, họ đến các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng và quán cà phê mà không đeo khẩu trang, dù cô gái bắt đầu cảm thấy bị bệnh. 

Các quan chức ở Jeju chuẩn bị kiện cặp đôi này với số tiền bồi thường khoảng 100.000 USD. Một kiến nghị gửi lên Tổng thống Hàn Quốc đề nghị bỏ tù hoặc phạt nặng 2 người này tới nay thu thập được gần 200.000 chữ ký. “Tầng lớp giàu có có lợi thế là có thể chọn đi du học. Nhưng thời kỳ khó khăn như hiện nay, họ quay lại vì cảm thấy ở nhà tốt hơn, vì thế đôi khi họ bị đánh giá là những kẻ cơ hội ích kỷ”, ông Kim Jungyoung, Giáo sư xã hội học tại Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc nhận định.

Ở Nigeria - nền kinh tế lớn nhất châu Phi nhưng cũng là một trong những nền kinh tế bất bình đẳng nhất, nơi 40% dân số có mức thu nhập chưa đầy 1 USD/ ngày, những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên là một số chính trị gia, trong đó có Chánh văn phòng Tổng thống Abba Kyari. Họ được cho là đã bị nhiễm virus khi đi du lịch ở châu Âu hoặc Ai Cập. “Rất nhiều người Nigeria đã rất vui mừng. Họ nói có lẽ tất cả các lãnh đạo sẽ bị bệnh và họ sẽ có một chính phủ mới”, ông Kingsley Ndoh, Giáo sư về y tế toàn cầu tại Đại học Washington cho biết.

Tháng trước, sau khi ông Kyari qua đời vì Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nigeria nói rằng virus này không còn dành cho “nhân vật VIP từ nước ngoài”, nhưng thông điệp đã bị bỏ qua khi hàng trăm người vi phạm quy định giãn cách xã hội để tham dự đám tang ông Kyari, và nhiều người không đeo khẩu trang.