Số phận hàng nghìn trẻ em có bố mẹ tham gia IS đang bị mắc kẹt

ANTD.VN - Một chiếc máy bay của Bộ Ngoại giao Nga vừa đưa 32 trẻ em từ 1 đến 3 tuổi về tới Mátxcơva sau khi rời khỏi Iraq, nơi mẹ của chúng đang ở trong tù vì các cáo buộc khủng bố. Trong khi đó, 40 quốc gia khác hầu hết không muốn tiếp nhận những nghi phạm khủng bố, kể cả trẻ em. Bởi thế, hàng nghìn đứa trẻ đang bị kẹt ở Iraq và Syria dường như cũng phải chịu sự trừng phạt chung vì tội lỗi mà cha mẹ chúng gây ra.

Tháng 11-2019, người đứng đầu cơ quan tình báo Nga FSB, Alexander Bortnikov đã cảnh báo về những rủi ro liên quan đến khoảng 2.000 người vợ và con của các tay súng đã chiến đấu ở Iraq và Syria 

Chính quyền Nga cho biết, hàng chục trẻ em ở độ tuổi chập chững biết đi này đã bị giam giữ trong nhà tù ở Iraq, nơi mẹ của chúng đang thụ án hoặc đang chờ xét xử vì trở thành thành viên của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Bộ Y tế Nga cho biết, những đứa trẻ về đến Mátxcơva vào đêm 18-11 đã được đưa thẳng đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Nhóm trẻ này nằm trong số 122 trẻ vị thành niên, tuổi từ 1 đến 15, được đưa từ Iraq đến Nga kể từ tháng 12 năm ngoái. Lần hồi hương gần đây nhất là vào tháng 7-2019. 

Nga là một trong những quốc gia có công dân tham gia đội quân IS nhiều nhất. Tới nay, hầu hết những người đã trở về từ các vùng đất của IS là phụ nữ và trẻ em ở các khu vực đa số người Hồi giáo ở vùng Kavkaz, đặc biệt là Chechnya. Các quốc gia châu Âu như Anh và Pháp đã rút quyền công dân của các chiến binh Hồi giáo, trong khi chính quyền Nga, đặc biệt là Tổng thống Chechnya Ramzan 

Kadyrov đã khuyến khích sự trở lại của họ. Nhưng vào đầu tháng 11-2019, người đứng đầu cơ quan tình báo Nga FSB, Alexander Bortnikov, đã cảnh báo về những rủi ro liên quan đến khoảng 2.000 người vợ và con của các chiến binh thánh chiến đã chiến đấu ở Iraq và Syria. Hiện chưa rõ tổ chức nào sẽ đứng ra chăm sóc những trẻ em này khi chúng trở lại Nga hoặc đưa về nơi tái định cư.

Khoảng 5.000 người Nga được cho là đã tham gia IS thời kỳ đỉnh điểm của nó, khi IS chiếm giữ phần lãnh thổ bao trùm hầu hết miền Bắc Syria và Iraq, đồng thời nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công khủng bố trên khắp châu Âu, châu Á và châu Phi. Cơ quan chức năng của Nga cho biết đã xác định được 123 trẻ em Nga ở Iraq cần tái định cư trong khi 699 trẻ em Nga trên khắp khu vực đã được cha mẹ đưa đến Trung Đông và cũng có thể quay lại Nga.

Mátxcơva đã chủ động trong việc xác minh những đứa trẻ có nguồn gốc Nga vì họ cho rằng sẽ rất nguy hiểm khi cho phép chúng lớn lên trong một môi trường cực đoan. Trong khi đó, theo thống kê không chính thức, khoảng 7.000 trẻ em là con của các chiến binh IS thuộc 40 quốc gia đã không còn nơi nào để đi kể từ khi cái gọi là Nhà nước Hồi giáo bắt đầu sụp đổ vào năm 2016. 

Trẻ em người nước ngoài bị đưa vào các trại giam ở Syria và Iraq hoặc ở các khu trại tị nạn mà không biết số phận sẽ đi đâu, về đâu. Đầu tháng 11-2019, Alvin Berisha (11 tuổi), người Albania, vốn bị mẹ đưa đi theo IS sang Syria từ năm 2014 đã được cha mình tìm thấy ở trại Al-Hol, nơi có hàng chục nghìn thân nhân chiến binh IS đang tạm trú. Người cha đã phải lặn lội, vượt qua vùng đất đang còn giao tranh ác liệt ở Đông Bắc Syria để tìm con. Cuộc đoàn tụ có sự trợ giúp của các tổ chức Albania, Italia và quốc tế. 

Tương tự, một tia hy vọng đã lóe lên vào giữa tháng 10 khi Mỹ rút quân khỏi Syria, Chính phủ Anh giao nhiệm vụ cho các quan chức tìm cách đưa một số trẻ mồ côi, con của các nghi phạm IS về nước. Nhưng chiến sự ở miền Bắc Syria nổ ra, “chiến dịch giải cứu” của Anh bị hoãn vào phút chót. Điều này là minh chứng cho những thách thức mà Chính phủ Anh phải đối mặt cũng như họ không sẵn sàng chịu trách nhiệm.

Cho đến nay, 40 quốc gia, trong số đó có những nước giàu nhất thế giới với các công nghệ và cải tiến mới nhất nhưng lại không thể tìm ra cách đưa trẻ em của công dân của họ ra khỏi Syria. Thực tế, hầu hết các quốc gia không muốn tiếp nhận công dân của họ trở lại, kể cả trẻ em. Bởi thế, những đứa trẻ dường như cũng phải chịu sự trừng phạt chung vì tội lỗi mà cha mẹ chúng gây ra. Chính vì nhiều nước tránh né, không muốn chịu trách nhiệm đối với với công dân theo IS, giờ đây gánh nặng tiếp tục đổ lên vai người Kurd, những người đang phải đối phó với các thành viên IS và gia đình của họ ở miền Đông Syria.