Sẽ có đột phá trong thượng đỉnh liên Triều lần ba?

ANTD.VN - Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dành nghi lễ nồng ấm và trọng thị chưa từng thấy để đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in làm dấy lên hy vọng về sự đột phá trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba.

Sẽ có đột phá trong thượng đỉnh liên Triều lần ba? ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dành cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sự đón tiếp trọng thị, nồng ấm chưa từng thấy trong lễ đón  được truyền hình trực tiếp

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tạo bất ngờ lớn khi cùng phu nhân Ri Sol-ju ra tận chân cầu thang máy bay để đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và đệ nhất phu nhân Kim Jeong-sook bay thẳng từ Seoul tới Bình Nhưỡng sáng 18-9 để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba, sau 2 hội nghị vào cuối tháng 4 và tháng 5 năm nay. Đây được cho là thể hiện của sự trọng thị cũng như nồng ấm chưa từng thấy mà nhà lãnh đạo Triều Tiên dành cho một nguyên thủ nước ngoài tới Bình Nhưỡng.

Sau những cái bắt tay và ôm hôm thắm thiết cũng như được chào đón bởi rừng cờ hoa và đội quân danh dự tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau đó còn cùng ngồi chung xe mui trần với Tổng thống Moon Jae-in tới nơi mở tiệc trưa chiêu đãi. Mang theo sự nồng ấm, trọng thị và sự thân tình trong những cuộc gặp gỡ tại hai hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong vòng chưa đầy 6 tháng qua, các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên bước vào hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba với không ít trông đợi.

Song nghi thức ngoại giao và mối quan hệ cá nhân dù trọng thị và nồng ấm đến đâu cũng chỉ có thể tạo ra không khí tích cực, còn thành công của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba này lại phụ thuộc vào thỏa thuận giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống 

Moon-Jae-in trên bàn đàm phán. Trong khi đó, chương trình nghị sự mà hai nhà lãnh đạo liên Triều phải giải quyết lại không hề dễ dàng, đó là cải thiện và phát triển quan hệ liên Triều, đặc biệt là thúc đẩy đối thoại Mỹ - Triều nhằm phi hạt nhân hóa và giảm căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên. 

Chỉ trong thời gian ngắn chưa đầy 6 tháng qua, cả hai miền Triều Tiên đã cùng sải những bước khá dài trên con đường tiến tới hòa giải thông qua các hành động tích cực nhằm tạo dựng sự tin cậy lẫn nhau và giảm căng thẳng như tổ chức lại các đợt đoàn tụ các gia đình ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 bị đình trệ suốt 3 năm qua, ngừng xây dựng các căn cứ quân sự dọc biên giới cũng như tháo dỡ các loa phóng thanh tâm lý chiến chĩa sang nhau… Hai bên cũng đã dừng các cuộc tập trận, diễn tập quân sự để xây dựng lòng tin.

Tuy nhiên, sự hồ nghi vẫn còn đó trong vấn đề then chốt và quyết định tới hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, đó là xây dựng lòng tin trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Đây cũng là nhân tố chi phối toàn bộ mối quan hệ liên Triều cũng như quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ.

Cho dù Triều Tiên đã dừng tất cả các vụ phóng thử tên lửa cũng như thử hạt nhân kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên cũng như cuộc gặp Thượng đỉnh Triều Tiên - Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử, đồng thời dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nơi diễn ra 6 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006, hay phá hủy một số cơ sở phóng tên lửa… song Mỹ vẫn cho rằng chưa đủ để minh chứng cho việc phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Mỹ muốn Triều Tiên công khai chi tiết chương trình hạt nhân để có kiểm chứng và kiểm soát, trong khi Triều Tiên muốn Mỹ chấp nhận ký tuyên bố chính thức kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên trước.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba được cho là sẽ tạo ra đột phá thật sự khi hai bên thỏa thuận được một lộ trình chi tiết để phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên, trong đó có việc đưa ra bản danh sách có kiểm chứng các cơ sở cùng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cần phải được phá bỏ. Điều này chỉ được biết khi Tổng thống Moon Jae-un chào từ biệt nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên máy bay về Seoul vào ngày 20-9.