Quốc tế kêu gọi không bầu Trung Quốc làm thẩm phán Tòa Luật biển quốc tế

ANTD.VN - Là quốc gia bất chấp luật pháp quốc tế, liên tục vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền của các bên liên quan ở Biển Đông, Trung Quốc không nên được bầu là làm thẩm phán Tòa quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Việc này không chỉ là sự biểu thị thái độ mà còn là đảm bảo cho phán quyết của tòa minh bạch, khách quan, thượng tôn pháp luật.

Quốc tế kêu gọi không bầu Trung Quốc làm thẩm phán Tòa Luật biển quốc tế ảnh 1Dư luận cho rằng không nên bầu ứng viên Trung Quốc vào Hội đồng thẩm phán ITLOS gồm 21 thành viên

Trung Quốc luôn vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Hội nghị thường niên lần thứ 30 giữa 167 nước thành viên đã ký tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) diễn ra tại thành phố New York (Mỹ) trong 5 ngày từ ngày 15 đến 19-6. Hội nghị thường niên năm nay bao gồm việc bầu lại 7 thẩm phán bổ sung vào Hội đồng các thẩm phán của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) hiện đang có 21 thành viên. 

Trong danh sách 10 ứng viên chạy đua vào 7 vị trí thẩm phán ITLOS năm nay có nhà ngoại giao Trung Quốc Duan Jielong (Đoàn Khiết Long). Sự có mặt của ứng viên Trung Quốc tham gia chạy đua vào ITLOS đã gây ra nhiều luồng tranh luận, phán đối vì cho rằng Trung Quốc dù là một thành viên của UNCLOS 1982 nhưng trong hành động thực tế luôn không tuân thủ những quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông.

Hiện có 168 thành viên tham gia UNCLOS 1982, trong đó có 167 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU), được ký kết năm 1982 và có hiệu lực từ năm 1994. Do phạm vi của UNCLOS 1982 rất rộng nên có lúc các thành viên công ước mâu thuẫn trong việc hiểu, giải thích hay áp dụng công ước. Vì thế, cần có những cơ quan tài phán như ITLOS và những người “cầm cân nảy mực” là các thẩm phán ITLOS để giải quyết các mâu thuẫn, cách hiểu khác nhau cũng như các vấn đề tranh chấp giữa các thành viên tham giam UNCLOS 1982.

ITLOS do đó có vai trò như tòa thường trực để phán xử các vấn đề tranh chấp trong việc giải thích hoặc áp dụng các điều khoản của UNCLOS 1982, công ước được xem như là bản “hiến pháp về biển và đại dương” của thế giới. Công ước này có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với các hoạt động liên quan đến biển và đại dương trên toàn cầu.

Trung Quốc là một thành viên của UNCLOS 1982 song những gì quốc gia này nói và làm tại Biển Đông lại hoàn toàn trái ngược với tinh thần và các điều khoản của công ước. Đặc biệt là việc không tuân thủ phán quyết đưa ra ngày 12-7-2016 của tòa trọng tài thường trực (PCA) trong vụ kiện của Philippines, trong đó tuyên bố đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.

Bất chấp phán quyết PCA, Trung Quốc trước đó cũng như sau này luôn có những việc làm đi ngược lại tinh thần phán quyết, tiến hành bồi đắp, cải tạo trái phép các thực thể chiếm đóng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi nhân tạo, tiến hành quân sự hóa quy mô lớn, toàn diện ở Biển Đông. Trung Quốc còn vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của các bên liên quan ở Biển Đông như hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014; đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 9 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính trong thời gian suốt gần 3 tháng từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10-2019…

Không bầu cho Trung Quốc là sự thể hiện thái độ

Chính vì thế, việc bầu một ứng cử viên Trung Quốc vào Hội đồng các thẩm phán của ITLOS đã gây phản ứng và lo ngại sâu sắc. Trong danh sách 10 ứng viên chạy đua vào vị trí 7 thẩm phán ITLOS năm nay có nhà ngoại giao Trung Quốc Duan Jielong. Ông Duan Jielong, từng học luật ở Mỹ, hiện là đại sứ Trung Quốc tại Hungary.

Tất nhiên, do 168 thành viên có quyền bỏ phiếu để bầu thẩm phán ITLOS rất đa dạng về quan điểm cũng như lợi ích nên tỷ lệ số phiếu bầu của các thẩm phán còn tùy thuộc những yếu tố khác khác nhau. Theo quy định, mỗi thành viên của UNCLOS 1982 chỉ có 1 người trong Hội đồng thẩm phán ITLOS đương nhiệm.

Từ khi được ký kết năm 1982 đến nay, đã có những vấn đề phát sinh mà UNCLOS 1982 chưa thể bao hàm hay dự liệu hết. Vì vậy, cần bổ sung những giải thích hợp lý các quy định trong công ước UNCLOS 1982 theo bối cảnh mới. Điều đó cần đến ITLOS, cụ thể là Hội đồng các thẩm phán của tòa án này. Quyết định của các thẩm phán sẽ là cơ sở để ITLOS ra phán quyết. Do đó, các thẩm phán của ITLOS có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến sự phát triển và tiến bộ của Luật Biển quốc tế, phù hợp với xu hướng giải quyết xung đột đúng với tinh thần thượng tôn pháp luật.

Hiện đã có những ý kiến phản ứng và lo ngại về việc bầu một người Trung Quốc vào Hội đồng thẩm phán ITLOS, cho rằng thẩm phán là người của nước không tuân thủ các điều khoản quy định của UNCLOS 1982 cũng như các phán quyết liên quan có thể dẫn tới những hệ lụy khó lường. Khi phán quyết của PCA đưa ra trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines không phù hợp với mong muốn, lợi ích của Trung Quốc thì Thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Liu Zhenmin (Lưu Chấn Dân) khi đó đã tuyên bố rằng “PCA không phải là một tòa án quốc tế”.

Giáo sư Alexander Proelss, Chủ tịch về Luật Biển quốc tế và Luật Môi trường quốc tế thuộc Trường Luật của Đại học Hamburg (Đức) cho rằng, mỗi thẩm phán trong Hội đồng thẩm phán của tòa ITLOS được tự do đưa ra ý kiến riêng hoặc bất đồng với các thẩm phán khác và do vậy có thể cố gắng gây ảnh hưởng về lập trường luật pháp của mình  lên các thẩm phán khác. Trong khi đó, ITLOS lại phải thực thi quyền lực của mình một cách vô tư. 

Lo ngại về sự tham gia của người Trung Quốc vào Hội đồng thẩm phán ITLOS, Giáo sư Jonathan G. Odom - một cựu thẩm phán quân đội Mỹ, hiện là Giáo sư về Luật Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Âu George C. Marshall ở Garmisch Partenkirchen (Đức) - trong một bài phân tích “Bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp tại Tòa án quốc tế về Luật Biển” đăng trên trang mạng Lawfare ngày 8-5 vừa qua đã đã kêu gọi các nước thành viên UNCLOS không bỏ phiếu cho ứng cử viên Trung Quốc.

Chưa cần đề cập tới việc so sánh quá trình làm việc và trình độ chuyên môn của các ứng viên vào Hội đồng thẩm phán tại ITLOS hiện nay đều có trình độ cao hơn hẳn ứng cử viên của Trung Quốc, việc ứng viên Trung Quốc vào cương vị này còn là vấn đề nguyên tắc khi Trung Quốc đã xem thường “tính hợp pháp của một tòa án khác” - PCA vốn cũng được UNCLOS công nhận. Do vậy, không bầu cho ứng cử viên Trung Quốc vào Hội đồng thẩm phán ITLOS vừa là sự biểu thị thái độ với các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, mà còn là đảm bảo cho phán quyết của tòa minh bạch, khách quan, thượng tôn pháp luật.