Quan hệ Nga-Ukraine liệu có "tan băng" sau vụ trao đổi tù nhân?

ANTD.VN - Vượt qua bất đồng và thù địch, Nga và Ukraine đã có động thái hòa giải khi tiến hành cuộc trao đổi tù nhân quy mô lớn, mở cơ hội tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. 

Quan hệ Nga-Ukraine liệu có "tan băng" sau vụ trao đổi tù nhân? ảnh 1Cảnh gặp gỡ giữa các tù nhân Ukraine được Nga trao trả với người thân tại sân bay ở ngoại ô Thủ đô Kiev

Kết quả sau các cuộc đàm phán kéo dài, một chiếc máy bay của Nga chở theo các tù nhân được tự do, khởi hành từ Kiev đã hạ cánh xuống sân bay ở Thủ đô Moscow. Cùng thời gian đó, một chiếc máy bay của Ukraine với những tù nhân được phía Nga trao trả cũng đã xuất hiện tại sân bay quốc tế Boryspil ở ngoại ô Thủ đô Kiev. Tổng số tù nhân được trao trả lần này là 70, mỗi bên 35 người. 

Trong số những tù nhân Ukraine trả cho Nga, đáng chú ý có ông Volodymyr Tsemakh - nghi phạm có liên quan tới vụ bắn hạ chiếc máy bay của Malaysia Airlines ở miền Đông Ukraine năm 2014, khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Trong số các tù nhân Ukraine được thả, có 24 thuyền viên từng bị Nga bắt giữ trong một vụ đụng độ trên vùng biển Crimea vào năm ngoái. 

Đây là cuộc trao đổi tù nhân đầu tiên giữa Moscow và Kiev kể từ khi cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine bùng phát hồi năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea. Trong 5 năm qua, giao tranh đã làm hơn 13 nghìn người thiệt mạng, 30 nghìn người khác bị thương, 1,5 triệu người phải sơ tán, cơ sở hạ tầng ở nhiều nơi thuộc miền Đông Ukraine bị tàn phá nặng nề. 

Quan hệ Nga-Ukraine cũng bị tổn hại nghiêm trọng. Tháng 1-2015, Quốc hội Ukraine thông qua một tuyên bố, trong đó Nga được gọi là “quốc gia xâm lược”. Moscow gọi các cáo buộc của Kiev là không thể chấp nhận được, đồng thời trả đũa bằng các lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào Ukraine. Thậm chí Nga còn tìm cách xuất khẩu khí đốt tới châu Âu thông qua các dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (NordStream 2) và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turk Stream) không đi qua Ukraine, khiến Kiev mất nguồn thu lớn từ phí trung chuyển.

Trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, tháng 2-2015, nhóm Bộ tứ Normandy gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine họp tại Thủ đô Minsk của Belarus đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine và tái hòa nhập hai nước cộng hòa đang đòi ly khai khỏi Ukraine là Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR) và Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR). Thỏa thuận Minsk cũng xác định các cơ chế chính trị và pháp lý để giải quyết cuộc xung đột không chỉ giới hạn ở việc ngừng bắn mà còn bao gồm cả phóng thích và trao đổi tù binh. Thế nhưng, các cuộc giao tranh vẫn tiếp tục, khiến mọi cuộc tiếp xúc bị đóng băng. 

Với việc Nga và Ukraine tiến hành trao đổi tù nhân, hy vọng làm sống lại tiến trình hòa bình vốn bế tắc lâu nay đã xuất hiện. Khía cạnh nhân văn của việc trao đổi tù nhân rất quan trọng bởi nó giúp tái dựng niềm tin giữa Moscow và Kiev, đồng thời làm tan băng trong quan hệ giữa hai nước, từ đó mở cơ hội cho các cuộc đàm phán nghiêm túc về giải pháp cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. 

Trên thực tế, sau khi Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky tuyên bố ông sẵn sàng gặp người đồng cấp Nga để tiến hành các cuộc thương lượng và các cuộc gặp này nên bao gồm cả Đức, Anh, Mỹ và Pháp, Tổng thống Vladimir Putin đã đáp lại rằng Nga luôn sẵn sàng tiến hành “bất cứ dạng đối thoại nào về vấn đề Ukraine”, đồng thời không từ chối việc cùng tiến hành hội đàm với các nhà lãnh đạo của Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, quá trình bình thường hóa quan hệ Nga-Ukraine sẽ vẫn là con đường rất khó khăn. Vấn đề là bởi cuộc khủng hoảng Ukraine không chỉ là vấn đề nội bộ của Ukraine mà còn phản ánh một cuộc khủng hoảng hậu Chiến tranh Lạnh nói chung liên quan đến vấn đề an ninh châu Âu, trong đó sự khẳng định thế đơn cực của Mỹ và phương Tây đang bị Moscow bác bỏ.

Vì thế, giải pháp hòa bình cho miền Đông Ukraine không chỉ giới hạn ở việc giải giáp vũ khí trên chiến trường, mà còn phải giải tỏa mối lo ngại của Nga rằng Ukraine không thể được chuyển đổi thành tiền đồn để Mỹ và châu Âu xâm nhập vào không gian hậu Xô-viết và vùng lợi ích của Moscow.