Quan hệ Mỹ-Triều Tiên không thể "tan băng" nếu thiếu lòng tin

ANTD.VN - Quan hệ Mỹ-Triều Tiên có những dấu hiệu tích cực mới khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ sớm diễn ra vào đầu năm 2019.

Quan hệ Mỹ-Triều Tiên không thể "tan băng" nếu thiếu lòng tin ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong lần gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un 

Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh KNSS có trụ sở tại Kansas, Mỹ, ông Pompeo cho biết Washington và Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục có các cuộc gặp, trong đó bao gồm cả cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Pompeo thậm chí còn cho rằng hai bên sẽ đạt được những tiến bộ hơn nữa, đẩy mối đe dọa hạt nhân ra xa.

Phát ngôn của ông Pompeo được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán Mỹ-Triều trở nên bế tắc trong thời gian gần đây. Nhớ lại thời điểm sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 6-2018 ở Singapore, bao nhiêu hy vọng đã xuất hiện. Bản thân Triều Tiên ngay lập tức có hàng loạt các động thái bày tỏ thiện chí. Bình Nhưỡng đã cho đóng cửa cơ sở phóng vệ tinh Tongchang-ri và tỏ ý sẵn sàng đóng cửa tiếp cơ sở làm giàu hạt nhân Yongbyon.

Quan hệ liên Triều thì có những bước tiến nhanh khiến dư luận bất ngờ. Đầu tháng 11 vừa rồi, trong một động thái nhằm giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng và Seoul đã nhất trí thiết lập vùng cấm bay trải dài 40 km từ Bắc xuống Nam - tính từ ranh giới quân sự (MDL) ở phía Đông - và 20 km về phía Tây. 

Hai bên cũng đã nhất trí ngừng “mọi hành động thù địch”, từng bước tháo dỡ mìn và bỏ các trạm kiểm soát trong khu Phi quân sự (DMZ). Lệnh cấm tập trận gần biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đã chính thức có hiệu lực. Các cuộc tập trận bắn đạn thật có sự tham gia của các máy bay cánh cố định và các loại vũ khí hành trình không đối đất trong khu vực cấm bay đều được hủy bỏ.

Đi liền với nỗ lực giảm căng thẳng về quân sự, các hoạt động trao đổi kinh tế giữa hai miền Triều Tiên nhanh chóng được thiết lập. Tháng 11 vừa rồi, một ủy ban đặc biệt của Hàn Quốc nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai miền Triều Tiên đã được ra mắt. Ủy ban có nhiệm vụ đưa ra tầm nhìn chung về môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho hai nước đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế. Đến đầu tháng 12, hai miền đã bàn đến việc tổ chức lễ khởi công các dự án hiện đại hóa các tuyến đường sắt và đường bộ liên Triều.

Thế nhưng quan hệ Mỹ-Triều thì lại quay trở lại tình trạng băng giá. Dù muốn Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân nhưng Washington lại muốn thực hiện điều đó bằng biện pháp cưỡng ép. Trong khi Triều Tiên liên tục có các hành động bày tỏ thiện chí, thì Mỹ đã 8 lần áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty, cá nhân và tàu hàng không chỉ của Bình Nhưỡng, mà cả Nga, Trung Quốc và nhiều nước thứ ba khác với lý do vi phạm lệnh cấm của Liên hợp quốc.

Vẫn như trước đây, Mỹ đòi Triều Tiên phải huy bỏ chương trình hạt nhân của mình trước khi Washington mở lại quan hệ bình thường với Bình Nhưỡng. Cách tiếp cận theo kiểu bề trên, mang tính cưỡng ép như vậy đương nhiên làm tổn hại đến việc tạo dựng lòng tin. Trước thái độ của Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Hàn Ri Yong-ho đã tuyên bố thẳng: “Nếu không có bất kỳ niềm tin nào vào Mỹ thì sẽ không có sự tin tưởng đối với an ninh quốc gia của chúng tôi và trong hoàn cảnh như vậy không đời nào chúng tôi đơn phương giải trừ hạt nhân trước”.

Tháng 11 vừa rồi, cuộc gặp cấp Bộ trưởng Ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên theo kế hoạch đã bị hủy bỏ. Liệu cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có diễn ra vào đầu năm 2019 theo kế hoạch hay không vẫn chỉ là hy vọng. Quan hệ Mỹ-Triều Tiên sẽ không thể tan băng nếu như sự nhượng bộ chỉ xảy ra ở một phía.