Quan hệ Mỹ - NATO: Lo bất đồng gay gắt tạo thành hố ngăn cách lớn

ANTD.VN - Viết trên trang Twitter cá nhân khi trên đường tới Brussels (Bỉ) dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: "Nhiều quốc gia NATO, những nước mà chúng tôi bảo vệ, không chỉ không thực hiện cam kết của họ ở mức 2% (GDP cho quốc phòng), mà còn không thực hiện đúng hạn các khoản chi trả trong nhiều năm. Họ sẽ phải bồi hoàn cho Mỹ”. 

Quan hệ Mỹ - NATO: Lo bất đồng gay gắt tạo thành hố ngăn cách lớn ảnh 1Tổng thư ký NATO trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels (Bỉ) ngày 11-7-2018

Trong những tháng gần đây, Tổng thống Trump liên tục công kích gay gắt nhằm vào các đối tác của Mỹ trong NATO, cáo buộc những nước này “ăn bám” Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng, cũng như than phiền về tính hiệu quả của tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh này. Tổng thống Trump mới đây còn cho rằng NATO “tệ không kém gì NAFTA”, hiệp định thương mại Bắc Mỹ mà ông Trump coi là mối đe dọa an ninh của Mỹ. 

Phát biểu với báo giới trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Trong năm qua, các nước khác đã đóng góp thêm khoảng 40 tỷ USD để hỗ trợ NATO, nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Mỹ đang chi tiêu quá nhiều và các quốc gia khác đóng góp không đủ, đặc biệt là một số nước. Điều này đã diễn ra trong nhiều thập niên qua và đây là điều bất hợp lý cũng như bất công đối với những người nộp thuế ở Mỹ, và chúng tôi sẽ làm cho khoản đóng góp này trở nên cân bằng”.

Hiện tại, chỉ 8 trong số 29 nước thành viên NATO đáp ứng mục tiêu chi tương đương 2% GDP cho hoạt động quốc phòng, gồm Mỹ, Anh, Hy Lạp, Ba Lan, Latvia, Estonia, Romania và Lítva. Mục tiêu này đã được đề ra từ hội nghị thượng đỉnh NATO tại Wales năm 2014 và các nước đồng minh đã nhất trí hoàn thành mục tiêu trước năm 2024. 

Tuy vậy, Tổng thống Mỹ vẫn muốn các nước đồng minh đẩy nhanh kế hoạch chi tiêu của họ. Mới đây, ông Trump đã gửi thư cho Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng như các nhà lãnh đạo của Bỉ và Na Uy yêu cầu họ phải thực hiện cam kết trên. Trong các bức thư này, ông Trump còn bóng gió về việc sẽ xem xét điều chuyển binh lính Mỹ ở các nước châu Âu nếu các nước này không tăng chi tiêu quốc phòng.

Ông Trump không phải là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên có quan điểm cứng rắn với các nước đồng minh về chi tiêu quốc phòng, nhưng ngữ điệu và thời điểm đưa ra những bức thư trên đã gióng lên hồi cảnh báo đối với các nước châu Âu, ẩn chứa tín hiệu về sự thay đổi trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương theo hướng “có đi có lại” nhiều hơn. Tình trạng này cũng làm dấy lên mối nghi ngờ về tương lai các cam kết của Mỹ đối với an ninh châu Âu. 

Giới ngoại giao lo ngại rằng một hội nghị NATO với những bất đồng gay gắt giữa Mỹ và châu Âu có thể làm xói mòn những nỗ lực nhằm chứng minh sự đoàn kết trong việc đối phó với mối đe dọa gia tăng ở sườn phía Đông của liên minh này. Sự hỗ trợ vững chắc cho NATO là nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ khi liên minh được thành lập năm 1949, tuy nhiên, cuộc chiến thuế quan thương mại mới nổi giữa Mỹ với châu Âu cho thấy, Tổng thống Trump không hề ngần ngại lật ngược tư duy thông thường về những vấn đề quốc tế quan trọng, mà hậu quả là tạo ra một hố ngăn cách lớn giữa chính quyền Mỹ với các nhà lãnh đạo chính trị ở châu Âu.