Quan hệ Đức - Mỹ chìm xuống mức thấp báo động mọi thời đại

ANTD.VN - Mối quan hệ Đức – Mỹ được cho là đang “xuống dốc không phanh”. Một khảo sát gần đây do Atlantik-Brücke (Hiệp hội phi lợi nhuận tư nhân hàng đầu nhằm thúc đẩy sự hiểu biết của người Mỹ gốc Đức) cùng công ty khảo sát Civey thực hiện, cho thấy 85% số người được hỏi về mối quan hệ giữa Đức và Mỹ đều có chung câu trả lời là tiêu cực hoặc rất tiêu cực.

Quan hệ Đức – Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay liên quan đến những bất đồng về các vấn đề chính trị và kinh tế, các tranh chấp và mối de dọa đang diễn ra từ Washington, theo một bài xã luận của tờ Der Spiegel của Đức.

Bên cạnh đó, các tác giả bài báo chỉ ra ra rằng, kể từ khi ông Richard Grenell đảm nhận vị trí Đại sứ Mỹ tại nước này, cả hai bên cùng chơi một “trò chơi im lặng” trong ngoại giao.

Tờ báo đã nhắc lại sự khác biệt hiện có giữa Berlin và Washington về vấn đề quan hệ với Iran. Gần đây nhất, Washington đã cố gắng xây dựng một liên minh quân sự để tuần tra vùng biển thuộc Vịnh Ba Tư nhằm đảm bảo an ninh hàng hải ở đó. Mỹ gửi yêu cầu Đức giúp nước này bảo vệ eo biển và ngăn chặn Iran, nhưng Berlin đã từ chối thẳng thừng và nhấn mạnh rằng họ không muốn là một phần của chiến dịch “sức ép tối đa” của Washington chống lại Tehran.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết không thể có giải pháp quân sự nào cho cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran ở eo biển. Các nhà lập pháp cấp cao trong Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức (CDU) và Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) của bà Angela Merkel cũng bác bỏ ý kiến này.

Ngoài ra, những bất đồng thương mại chưa được giải quyết giữa hai nước có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt. Trong khi các vấn đề chi tiêu quốc phòng cũng là một mâu thuẫn, vì Đức tuyên bố kế hoạch tăng chi tiêu quân sự lên tới 1,35% vào năm 2019, nhưng vẫn không đạt được kế hoạch đạt mục tiêu 2%, do các thành viên NATO đặt ra trong năm 2014.

Một đoàn xe của quân đội Mỹ - một phần lực lượng tăng cường của NATO, đang trên đường từ Đức đến Orzysz ở đông bắc Ba Lan, ngày 28-3- 2017 (Ảnh: Reuters)

Về phía Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục chỉ trích Đức miễn cưỡng chi nhiều hơn cho quốc phòng và tuân thủ nghĩa vụ thanh toán tự nguyện của NATO là 2% GDP. Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell cũng chỉ trích chi tiêu của quân đội Đức trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin DPA của Đức, cho rằng Berlin lạm dụng “tình bạn” với Washington.

“Thật xúc phạm khi hy vọng rằng người nộp thuế ở Mỹ trả tiền cho hơn 50.000 người Mỹ ở Đức, nhưng người Đức sử dụng thặng dư thương mại của họ cho mục đích nội địa”, ông Richard Renell nói.

Thêm một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang bị rạn nứt giữa hai nước này, các nhà báo của tờ Der Spiegel nhấn mạnh về cuộc khảo sát cho thấy 85% người Đức bày tỏ thái độ của họ đối với Mỹ là tiêu cực hoặc rất tiêu cực.

Tuy nhiên, người dân Đức tại Thủ đô Berlin hy vọng rằng “mối quan hệ đối tác tốt đẹp xuyên Đại Tây Dương trước đây” sẽ trở lại sau nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump kết thúc, tờ Der Spiegel viết. Nhưng khi nhìn vào thực tế, niềm hy vọng này giống như “một ảo tưởng”.

Nguyên nhân do đối thủ Đảng Cộng hòa của Tổng thống Mỹ hiện tại là Đảng Dân chủ đồng ý với những chỉ trích của ông Donald Trump về châu Âu, bởi vậy, ngay cả sau khi Tổng thống Mỹ đương nhiệm kết thúc nhiệm kỳ, Mỹ vẫn là một đối thủ “khó chịu” với Đức, tờ Der Spiegel kết luận.