Phòng ngừa cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu từ căng thẳng Mỹ - Iran

ANTD.VN - Tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran nếu tiếp tục leo thang và kéo dài không chỉ thổi bùng lên ngọn lửa tại “điểm nóng” Trung Đông mà có thể tạo ra cú sốc lớn đối với kinh tế và tài chính thế giới, trong đó không loại trừ tác động không nhỏ tới nền kinh tế nước ta.

Phòng ngừa cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu từ căng thẳng Mỹ - Iran ảnh 1Căng thẳng bùng phát giữa Mỹ và Iran đã làm chao đảo thị trường chứng khoán toàn cầu và tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới 

Việc không kích giết chết Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và là nhân vật số 2 tại Iran sau lãnh tụ tinh thần tối cao - Đại giáo chủ Ali Khamenei, không chỉ thổi bùng căng thẳng Mỹ - Iran và tình hình khu vực Trung Đông mà gây ra những chấn động lớn tới giá dầu, giá vàng cũng như nền kinh tế thế giới. Cùng với việc giá 2 mặt hàng chiến lược, nhạy cảm với mọi nền kinh tế là vàng và dầu mỏ, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng chìm trong sắc đỏ sau cái chết của Tướng Qassem Soleimani.

Căng thẳng Mỹ - Iran cũng làm chao đảo các thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó bị tác động nghiêm trọng nhất là thị trường chứng khoán lớn và quan trọng hàng đầu thế giới là Mỹ. Cả 3 chỉ số chủ chốt của thị trường chứng khoán Phố Wall là S&P 500, Dow Jones và Nasdaq đều giảm mạnh với mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 12. 

Sự biến động của thị trường chứng khoán càng làm tăng mối lo ngại đối với giới đầu tư toàn cầu, khiến họ phải tìm kiếm “vốn phòng thủ an toàn” để đẩy giá “công cụ trú ẩn” hàng đầu là vàng lên cao kỷ lục kể từ năm 2013. Giá vàng thỏi giao ngay vào ngày 6-1 đã lên tới mức 1.588,13 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 4-2013. 

Mỗi khi thị trường biến động mạnh và khó lường, vàng luôn được xem là lựa chọn an toàn nhất đối với giới đầu tư. Thế nên, nếu căng thẳng Mỹ - Iran tiếp tục, giá vàng có thể dễ dàng vượt đỉnh và chạm mốc 1.600 USD/ounce ngay trong tháng đầu tiên của năm mới 2020 này.

Lo ngại về sự gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran cũng khiến giá dầu tăng vọt. Dù rằng, giới kinh tế cho rằng khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện giữa Mỹ và Iran là tương đối khó, song các cơ sở hạ tầng dầu mỏ tại Trung Đông lại có thể là mục tiêu trả đũa của Iran. 

Một cách trả đũa khác của Iran là phong tỏa Eo biển Hormuz, cửa ngõ quan trọng với hơn 20% lượng dầu mỏ được tiêu thụ trên toàn cầu, và nếu kịch bản này xảy ra thì giá dầu có thể lên 150 USD/thùng. Tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu hiện vào khoảng 100 triệu thùng mỗi ngày, do vậy nếu giá dầu cứ tăng mỗi 5 USD/thùng sẽ tương đương đánh thuế 183 tỷ USD/năm, tức khoảng 0,1% GDP toàn cầu.

Nhà kinh tế trưởng các thị trường mới nổi của Capital Economics, ông Jason Tuvey cho rằng, kinh tế toàn cầu lẽ ra bật tăng đầu năm 2020 sau khi chạm đáy song căng thẳng Mỹ - Iran có thể khiến đà phục hồi này đóng băng. Cùng chung quan điểm, Hãng phân tích thị trường Moody’s nổi tiếng toàn cầu cũng cảnh báo một cuộc xung đột kéo dài giữa Mỹ - Iran có thể gây ra một cú sốc lớn đối với kinh tế toàn cầu, trong đó bị tác động trực tiếp là sự thay đổi giá dầu mỏ, nhiên liệu thiết yếu với mọi nền kinh tế. 

Các quốc gia thế giới vì thế đang dõi theo sát sao với sự quan tâm sâu sắc căng thẳng mới bùng phát giữa Mỹ và Iran để kịp thời thích ứng, đưa ra một cách nhanh nhất các biện pháp ứng phó. Trong đó, trước mắt là việc tính toán đưa các công dân đang sinh sống, làm việc tại khu vực Trung Đông về nước, nhưng điều quan trọng là lên các kịch bản ứng phó với những khả năng có thể xảy ra trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran.

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, căng thẳng Mỹ - Iran tác động tới giá vàng, giá dầu và các thị trường lớn cũng như kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam. Giá vàng tăng khá mạnh trên thị trường trong nước những ngày qua nếu tiếp tục kéo dài có thể gây ra những tác động tâm lý thị trường, tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vốn đang ở mức thấp những năm qua.

Chúng ta hiện đang nhập tới khoảng 70% lượng dầu sử dụng trong nước, vì thế giá dầu thế giới tăng sẽ đẩy giá dầu trong nước lên và tác động tới mặt bằng giá cả. CPI nếu tăng không chỉ tác động tới cuộc sống người dân mà còn rất có thể ảnh hưởng tới sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Hiện chưa ai có thể xác định được căng thẳng giữa Mỹ và Iran sẽ diễn biến tiếp theo thế nào. Do đó, sẽ có nhiều yếu tố bất định, khó lường ảnh hưởng xấu đến kinh tế thế giới và Việt Nam. Tăng trưởng GDP của chúng ta hiện này phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, đầu tư và kinh tế chung của thế giới. Vì thế, rất cần thiết xây dựng những kịch bản ứng phó khác nhau tùy theo biến động của căng thẳng tại khu vực Trung Đông.