Phó Tổng thống Guinea Xích đạo tiếp tục bị thu giữ đồ xa xỉ trị giá hơn 16 triệu USD tại Brazil

ANTD.VN - Chính quyền Brazil vừa thu giữ lô đồng hồ hàng hiệu trị giá hơn 16 triệu USD từ ông Teodorin Nguema Obiang - Phó Tổng thống Guinea Xích đạo. Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên nhà lãnh đạo châu Phi này gặp rắc rối vì những món đồ đắt tiền phục vụ cho lối sống vốn nổi tiếng xa hoa.

Tuần này, Phó Tổng thống Guinea Xích đạo một lần nữa thu hút sự chú ý của nhà chức trách nước ngoài, lần này là Brazil. Các phương tiện truyền thông địa phương cho biết, khi phái đoàn 11 thành viên của nhà lãnh đạo này xuống sân bay gần Sao Paulo ngày 15-9, khoảng 1,5  triệu USD tiền mặt và số đồng hồ đắt tiền trị giá 15 triệu USD đã bị thu giữ. Theo luật của Brazil, du khách không được mang quá 2.400 USD tiền mặt vào nước này. Ông Teodorin Nguema Obiang là thành viên duy nhất được miễn trừ ngoại giao nên không bị lục soát hành lý. 

Phó Tổng thống Guinea Xích đạo tiếp tục bị thu giữ đồ xa xỉ trị giá hơn 16 triệu USD tại Brazil ảnh 1Phó Tổng thống Guinea Xích đạo Teodorin Nguema Obiang cùng cha mình, Tổng thống nước này luôn phủ nhận việc lạm dụng công quỹ Nhà nước 

Những tài sản “khủng” ở nước ngoài

Theo nhật báo O Estado de Sao Paulo, số tiền mang đi được dùng để thanh toán tiền chữa bệnh cho vị Phó Tổng thống 48 tuổi tại Sao Paulo cũng như trả tiền khách sạn trong suốt chuyến đi. Phản ứng về việc này, Đại sứ quán của Guinea Xích đạo tại Brazil đã ra thông cáo cáo buộc chính quyền Brazil mắc sai lầm khi lục soát hành lý của phái đoàn. “Cách tiếp cận vi phạm nguyên tắc ngoại giao quốc tế này không có mục tiêu nào khác hơn là vô cớ làm bẽ mặt Phó Tổng thống Guinea Xích đạo và quốc gia mà ông đại diện”, tuyên bố nhấn mạnh.

Thực tế, ông Obiang đã có nhiều tiếng tăm về lối sống của mình và gần đây mới bắt đầu trả giá. Ngoài việc dàn xếp với nhà chức trách Mỹ, nhân vật này đã bị xử vắng mặt ở Pháp năm ngoái và bị kết tội tham ô. Tòa án Pháp chỉ ra, ông này đã sử dụng tiền đánh cắp từ công quỹ để phục vụ lối sống xa hoa ở châu Âu. Tài sản của vị Phó Tổng thống bao gồm một lâu đài gần Arc de Triomphe ở Paris mà theo nguồn tin Reuters, nó có 101 phòng. Tờ The Guardian cho biết, nhà ông này bao gồm một hiệu làm tóc tư nhân, một sàn nhảy và vòi chậu rửa bằng vàng.

Tòa án Pháp khi đó đã ra lệnh tịch thu tài sản trị giá khoảng 115 triệu USD của ông Obiang. Cơ quan thi hành án đã điều 2 xe kéo trong quá trình tịch thu một số xe hạng sang của quan chức cấp cao này, trong đó có siêu xe Porsche Carrera, cũng như một số đồ đạc đắt tiền khác. 

Trước đó, vào năm 2014, ông Teodorin Nguema Obiang đã phải từ bỏ số tài sản trị giá hơn 30 triệu USD, bao gồm một biệt thự ở Malibu, California và các loại xe đắt tiền để dàn xếp sau những cáo buộc về sử dụng tiền công quỹ để tích lũy tài sản tại Mỹ. Trong số tài sản này, đáng chú ý có bộ sưu tập hiện vật của ông vua nhạc pop Michael Jackson, bao gồm cả đôi găng tay của cố ca sĩ được trang trí bằng những viên pha lê Swarovski. Khi vụ việc khép lại, Phó Tổng chưởng lý lúc bấy giờ Leslie R. Caldwell tuyên bố rằng, ông Obiang đã “rút ruột tài sản Nhà nước trong khi nhiều người dân vẫn sống trong nghèo đói cùng cực”.

Quan chức của đất nước tham nhũng tốp đầu thế giới

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với lô hàng đồng hồ bị bắt giữ từ phái đoàn của Obiang ở Brazil? Bộ Ngoại giao Brazil cho biết họ đang phối hợp với cảnh sát liên bang và cơ quan hải quan để đưa ra quyết định xử lý. Nhưng những chiếc đồng hồ này thậm chí còn không đáng giá mấy so với những món đồ khác mà ông Obiang từng phải bỏ đi trên nhiều chuyến đi nước ngoài. Vượt lên cả Mỹ và Pháp, nhà chức trách Thụy Sĩ từng thu giữ 11 chiếc xe siêu sang năm 2017, và Hà Lan đã tịch thu chiếc du thuyền Ebony Shine dài 76m, trị giá 120 triệu USD của ông này năm 2016.

Cha ông Obiang là Teodoro Obiang Nguema, người đã nắm quyền từ năm 1979 đến nay và dưới sự điều hành của ông này, quốc gia nhỏ bé miền Trung châu Phi trở thành một trong những nước tham nhũng nhất trên thế giới. Guinea Xích đạo vốn là một quốc gia nhiều dầu mỏ nhưng dân còn rất nghèo. Trong báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền năm 2018, nhóm này cho biết: “Quỹ thu nhập khổng lồ dầu mỏ được phân chia cho một số ít người quanh Tổng thống, trong khi ít cải thiện về quyền lợi của đa số người dân như chăm sóc sức khỏe hay giáo dục tiểu học”; “Quản lý công quỹ kém, nạn tham nhũng cùng sự bất công vẫn tồn tại”, báo cáo nhận định.