"Ông trùm" chết chóc rắp tâm xây dựng đế chế ở Nhật và 4 lần đầu độc bất thành

ANTD.VN - Ngày 6-7-2018, Nhật Bản thi hành án tử hình Giáo chủ Shoko Asahara và 6 tín đồ khác của giáo phái ngày tận thế Aum Shinrikyo, những người đã thực hiện vụ tấn công bằng khí độc thần kinh sarin trên tàu điện ở Tokyo năm 1995 làm 13 người tử vong và hơn 6.000 người bị thương.

Shoko Asahara tên thật là Matsumoto Chizuo (sinh ngày 3-1955), là con trai thứ 4 của một người làm nghề dệt chiếu nghèo khổ ở vùng Kumamoto. Ngay từ khi còn nhỏ, Matsumoto Chizuo đã ấp ủ một mong ước duy nhất: Trở nên giàu có. Tham vọng đó sau này đã đưa lối dẫn đường cho Chizuo lún sâu vào những suy nghĩ và hành động vô cùng tàn bạo.

"Ông trùm" chết chóc rắp tâm xây dựng đế chế ở Nhật và 4 lần đầu độc bất thành ảnh 1Chân dung giáo chủ Shoko Asahara

Tạp giáo Aum Shinrikyo

Chizuo nổi tiếng là kẻ không từ bất cứ việc gì hòng giành được danh tiếng và sự sung túc. Theo thời gian, tham vọng của y ngày một lớn lên và tai tiếng cũng ngày một nhiều lên. Năm 1978, sau khi thi trường Đại học Tokyo và thất bại trong một số hoạt động kinh doanh trái phép bị pháp luật “sờ gáy”, Chizuo chuyển sang con đường hướng dẫn tập luyện yoga và đầu tư ý tưởng “khai sáng tinh thần” cho nhân loại.

Năm 1986, Chizuo tới đất Phật Ấn Độ và khi trở về, y tuyên truyền là đã đạt được quyền năng nhìn rõ tương lai. Lớp học yoga của Chizuo trở thành câu lạc bộ của những kẻ ưa thích chuyện thần bí và Chizuo quyết định đổi tên thành Shoko Asahara (nghĩa là “Ánh sáng trong thung lũng cây gai dầu”).

Năm 1987, Asahara tới Dharmsala, một thị trấn nhỏ nép mình dưới dãy Himalaya ở miền Nam Ấn Độ. Tại đây, Asahara đã chụp ảnh chung và nhận lời chúc cá nhân của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Cơ may này đã tạo thuận lợi cho Asahara khoe khoang rằng ông ta đã được Đức Phật trao một nhiệm vụ thiêng liêng truyền dẫn đạo Phật tới người dân Nhật Bản. Khi về nước, Asahara tự nhận mình là cứu tinh của loài người. Kết quả là những bài giảng của Asahara thu hút rất đông người nghe, bởi vì “bậc thầy đáng kính” này, theo lời ông ta tự nhận, có thể “truyền năng lượng thần thánh của mình” sang những tín đồ sùng đạo bằng cách đặt tay lên trán họ.

Vài tháng sau, Asahara thông tri cho các tín đồ về việc thành lập giáo phái Aum Shinrikyo (nghĩa là “Chân lý tối thượng”). Rất nhiều người dân Nhật Bản đã tin vào giáo phái này và sẵn sàng bỏ ra hàng triệu Yên chỉ để nghe Asahara thuyết giáo. Giáo phái Aum đã phát triển nhanh chóng trong những năm 1990 với 10.000 tín đồ tại Nhật Bản và 30.000 tín đồ trên khắp thế giới, trong đó phải kể tới một cường quốc là Mỹ.

Thu hút nhiều tín đồ như thế, nhưng thực chất Aum là tôn giáo pha tạp nhiều tôn giáo khác. Giáo phái Aum rút ra nguyên tắc giáo lý từ một phần cơ bản trong Sách Khải Huyền kết hợp với những ảnh hưởng từ tín ngưỡng thờ Thần Shiva của người Hindu cùng những lời sấm truyền của nhà tiên tri Nostradamus. Những bài giảng của Asahara được thêm vào những lời tiên đoán về ngày tận thế sắp xảy ra: Thế giới phát nổ trong lò thiêu hạt nhân vào năm 2003. Và Asahara hứa với những tín đồ mù quáng rằng, chỉ những người noi gương ông ta, đạt tới giác ngộ tinh thần qua lời dạy của Aum mới được cứu sống.

Lo sợ về một ngày Trái đất nổ tung đã khiến cho hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người trên khắp thế giới quy tụ dưới chân Asahara để được cứu rỗi. Và Asahara kiếm tiền dễ dàng từ những tín đồ mù quáng này. Để vinh dự được uống thứ “thần dược” là máu của giáo chủ Asahara, các tín đồ phải trả tới 7.000 USD cho một lần “trị liệu”. Hơn thế nữa, nước tắm của giáo chủ Asahara cũng được coi là “tiên dược”. 1,1 lít nước tắm của Asahara cũng được bán với giá 800 USD. Râu của ông ta đã có thời điểm được bán với giá 375 USD/1,27 cm. Các tín đồ mù quáng mua những chất này về và ngâm trong nước nóng để uống như trà.

Nhờ danh tiếng nổi lên như cồn, năm 1988, Aum đã tích lũy đủ tiền đề lập đền thờ và trụ sở thế giới chính của giáo phái Chân lý tối thượng Aum gần chân núi Phú Sĩ của Nhật Bản. Bên trong bức tường cao vút bao quanh trụ sở này, Asahara, tự phong là thánh thần, rắp tâm xây dựng một đế chế, một nhà nước Nhật Bản thu nhỏ.

"Ông trùm" chết chóc rắp tâm xây dựng đế chế ở Nhật và 4 lần đầu độc bất thành ảnh 2

"Ông trùm" chết chóc rắp tâm xây dựng đế chế ở Nhật và 4 lần đầu độc bất thành ảnh 3 Hiện trường vụ tấn công bằng khí độc sarin tại ga tàu điện ngầm Kasumigaseki ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản năm 1995

Tấn công tàu điện ở Tokyo là để trả thù

Thực hiện mưu đồ chính trị, Shoko Asahara đã bỏ rất nhiều tiền của cho chiến dịch bầu cử vào Quốc hội, tuy nhiên bản thân Asahara cũng như những tay chân do ông ta hậu thuẫn đều thất bại. Chính điều này đã khiến Asahara có một quyết định cực đoan: “Thế giới đầy tội lỗi này phải bị diệt vong do đã không cho ông ta cơ hội”. Vào đầu năm 1990, chương trình nghị sự của Asahara có thể đúc kết trong hai từ: “Trả thù”.

Sau nhiều tháng nghiên cứu, các chuyên gia của Aum đã tìm ra một chất độc hoàn hảo vừa rẻ lại dễ sản xuất, đó là khí độc sarin. Phòng thí nghiệm do máy tính điều khiển có khả năng sản xuất 2 tấn sarin/ngày. Asahara đã ra lệnh sản xuất tới 70 tấn sarin, đủ để giết toàn bộ sinh linh trên Trái đất. Sarin cực độc, chỉ sau vài phút tiếp xúc với khí độc này, các nạn nhân bắt đầu bị chảy nước mũi, đau thắt ngực, nôn mửa, mất kiểm soát bàng quang, ruột và dẫn tới tử vong.

Từ năm 1990 -1993, giáo phái Aum đã 4 lần cố ý đầu độc dân chúng bằng cách phun bào tử bệnh than vào không khí. Nhưng may mắn là không có trường hợp nào mắc bệnh, vì có thể chúng rải vi trùng ở diện tích quá rộng hoặc pha chế không đúng liều. Tháng 6-1993, giáo phái này đã sử dụng độc tố botulic để phá hoại đám cưới của Thái tử Nhật Bản nhưng bất thành. 

Cuối cùng, Asahara đã lên kế hoạch tấn công ga tàu điện ngầm Kasumigaseki ở Tokyo. Kế hoạch tấn công được thực hiện  lúc 8h sáng 20-3-1995. 5 tay chân của Giáo chủ Aum mang các túi chứa khí độc sarin lên tàu từ các hướng khác nhau và tập trung tại ga Kasumigaseki. Khi tới đây, nhiệm vụ của chúng là đâm thủng các túi và chuồn xuống ở ga kế tiếp. Khí sarin phát huy tác dụng, các hành khách trên tàu lập tức bị ho và buồn nôn. Chỉ vài giờ sau, số các nạn nhân thiệt mạng đã lên tới 13 người và hơn 6.000 người khác bị thương. Rất nhiều người trong số đó cho đến cuối đời vẫn còn ảnh hưởng bởi những di chứng đau đầu, gặp vấn đề về hô hấp và chóng mặt. 

"Ông trùm" chết chóc rắp tâm xây dựng đế chế ở Nhật và 4 lần đầu độc bất thành ảnh 4Giáo chủ Shoko Asahara trong một buổi giáo huấn

Giáo chủ hầu tòa

Dù tìm mọi cách che giấu, Asahara vẫn để lại quá nhiều bằng chứng cho thấy ông ta là chủ mưu nhiều vụ tấn công khủng bố. Rạng sáng 22-3-1995, hơn 1.000 cảnh sát xông vào trụ sở của Aum ở chân núi Phú Sĩ. Sau một tuần điều tra, cảnh sát đã phát hiện hàng tấn hóa chất nguy hiểm và các dụng cụ hỗ trợ. Hơn 200 loại hóa chất đã được khai quật. Một số thành phần có thể tạo thành chất độc thần kinh đủ để giết hơn 4 triệu người. Tuy nhiên, cảnh sát không tìm thấy Asahara.

Sau 90 đợt truy quét các căn cứ của Aum, cảnh sát đã phát hiện ở tòa nhà Satian 2 tồn tại một tầng hầm bí mật, nơi trú ẩn của hai kiến trúc sư của Aum là Masami Tsuchiya và Seiichi Endo. Ngày 16-5-1995, cảnh sát ập vào tòa nhà Satian 6 đã bắt được trùm giáo phái Asahara. Khi bị bắt, Shoko Asahara mặc chiếc áo choàng tím và theo lời cảnh sát, người ông ta bốc “mùi khó chịu” vì nhiều ngày không được tắm.

Các phiên xét xử Asahara bắt đầu từ tháng 4-1996 và diễn ra liên tục với tốc độ khoảng 3 hay 4 phiên/tháng. Asahara đã làm trì hoãn một số phiên tòa do liên tục lầm bầm và thường xuyên ngủ gật trong khi xét xử. Tính tới cuối tháng 6-2001, tòa án đã phải xét xử Asahara tới 200 phiên. Ngày 21-10-2001, luật sư bào chữa cho Asahara đã yêu cầu Tòa án quận Tokyo hoãn phiên tòa một năm để có thời gian chuẩn bị kế hoạch bào chữa. Tuy nhiên, bên nguyên phản đối kịch liệt vì cho rằng yêu cầu này là không thể chấp nhận được. 

Ngày 27-2-2004, Tòa án quận Tokyo đã kết án tử hình trùm giáo phái Asahara với 23 tội danh gồm các âm mưu giết người và giết người, cướp đi sinh mạng của 27 nạn nhân. Phán quyết của tòa khép lại 8 năm xét xử trùm giáo phái Aum, Shoko Asahara. Hôm   6-7-2018, sau khi thi hành án tử hình giáo chủ giáo phái Aum rồi hỏa thiêu thi thể, giới chức Nhật Bản quyết định trao trả tro cốt về cho gia đình.