Nước Mỹ chia rẽ bởi tranh cãi kiểm soát súng đạn

ANTD.VN - Vụ xả súng đẫm máu tại quán bar Borderline Bar & Grill ở Thousand Oaks, hạt Ventura ở phía nam bang California (Mỹ) làm ít nhất 13 người thiệt mạng một lần nữa đẩy dư luận nước Mỹ vào cuộc tranh luận gay gắt về chủ đề sở hữu súng đạn.

Hiện trường vụ xả súng kinh hoàng ở Borderline Bar & Grill 

Mới cuối tháng trước, 11 người đã thiệt mạng khi một kẻ bài Do Thái xả súng vào giáo đường Do Thái The Tree of Life thuộc thành phố Pittsburgh, bang Pensylvania. Bạo lực súng đạn liên tiếp khiến người dân Mỹ cảm thấy bất an, không hiểu phải làm gì để bảo đảm an toàn cho mình và người thân. Nếu tính từ tháng 1-2013 đến nay, trên khắp nước Mỹ đã xảy ra gần 300 vụ xả súng, trung bình mỗi tuần một vụ.

Nước Mỹ từng không biết bao lần phải trải qua những khoảnh khắc kinh hoàng trước những vụ thảm sát khiến hàng chục người thiệt mạng. Và cũng từng đấy lần, nước Mỹ lại dấy lên câu hỏi: Liệu đã đến lúc thay đổi chính sách kiểm soát súng đạn hay chưa? Thế nhưng kể từ khi lần đầu tiên được đặt ra sau bi kịch khủng khiếp hồi năm 2012 tại trường tiểu học Sandy Hook ở thành phố Newtown, bang Connecticut, khi 20 trẻ em nhỏ và 6 giáo viên bị một kẻ tâm thần bắn chết, câu hỏi đó vẫn chưa có lời giải.

Nhiều người Mỹ, trước hết là các sinh viên và học sinh, yêu cầu bãi bỏ hoặc có dự luật kiểm soát súng đạn chặt chẽ để không xảy ra những vụ thảm sát. Một cuộc khảo sát của hãng ABC News và tờ Washington Post công bố hồi tháng 4 vừa qua cho thấy có tới 62% số người được hỏi ủng hộ một lệnh cấm buôn bán vũ khí tấn công trên toàn quốc. 71% những người được khảo sát cho rằng Quốc hội chưa đưa ra được các biện pháp cần thiết để ngăn chặn bạo lực súng đạn.

Không ít những dự luật quy mô nhỏ đề nghị quản lý chặt việc mua bán súng đã được đệ trình lên Đồi Capitol (Quốc hội), thế nhưng chúng đều chết yểu. Có một thực tế trong nhiều thập niên qua, việc kiểm soát súng tại Mỹ không thể thực thi một sớm một chiều vì phải vượt qua nhiều “ải”, trong đó có giới Cộng hòa bảo thủ vốn luôn ủng hộ quyền sở hữu súng, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Quảng cáo súng ở Mỹ 

Còn nhớ sau một loạt vụ khủng bố ở Paris hồi năm 2015 khiến 130 người thiệt mạng, ông Donald Trump (khi đó là ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa) từng khiến dư luận Pháp và Anh phẫn nộ khi chỉ trích các đạo luật súng đạn nghiêm khắc tại các nước như Pháp và Anh, cho rằng nếu người dân được trang bị súng thì “mọi chuyện đã rất khác”.

Lợi nhuận từ mua bán súng đạn cũng là một trở ngại cho những nỗ lực hạn chế sở hữu súng. Với doanh thu 3,5 tỷ USD mỗi năm từ việc bán súng đạn, làm sao Hiệp hội súng trường Mỹ (NRA) lại có thể dễ dàng từ bỏ ngành kinh doanh đầy lợi nhuận này. Chính vì thế mà NRA vận động hành lang rất tích cực, lôi kéo sự ủng hộ của các nghị sĩ Mỹ để bảo vệ lợi ích của mình.

Thậm chí NRA còn tìm cách lái vấn đề sang hướng khác khi tuyên bố những vụ thảm sát do súng đạn không phải là lỗi của tổ chức này mà do trách nhiệm của lực lượng thực thi pháp luật địa phương, cũng như sự thiếu hành động của các nhà chính trị. Chủ tịch NRA không ngần ngại khi khẳng định: “Đối với những người phản đối sở hữu súng, súng đạn không phải là vấn đề an toàn mà là vấn đề chính trị. Họ chỉ quan tâm đến việc kiểm soát súng. Mục tiêu của họ là loại bỏ quyền sở hữu súng, loại bỏ quyền tự do cá nhân.”

Chính vì những lực cản như vậy nên các giải pháp kiểm soát chặt việc sử dụng súng ở Mỹ luôn mang tính nửa vời. Trước sức ép của dư luận, hiện nay Chính quyền Mỹ mới tính đến việc ban hành dự luật kiểm soát súng đạn, quy định không cấp phép sở hữu súng đạn cho những đối tượng dưới 21 tuổi, mở rộng các biện pháp kiểm tra lý lịch người mua súng, kiểm soát súng chặt chẽ nhằm ngăn chặn vũ khí nóng lọt vào tay những đối tượng có vấn đề về tâm thần. Nhưng đó là câu chuyện của tương lai, còn hiện tại thì bạo lực súng đạn vẫn là mối lo thường trực với người dân Mỹ.