Nước đi mới của Nhật Bản thay đổi bàn cờ an ninh châu Á

ANTĐ - Nhật Bản vừa có một bước ngoặt lịch sử khi chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe thông qua việc diễn giải lại Hiến pháp, để cho phép lực lượng vũ trang giúp các đồng minh trong một số hoàn cảnh cụ thể. Tokyo tuyên bố sự thay đổi này là cần thiết, giúp đối phó với sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc và với một Triều Tiên khó đoán. Đây là một trong những thay đổi lớn nhất về chính sách an ninh kể từ khi Nhật Bản thiết lập lực lượng phòng vệ thời hậu Thế chiến II cách đây 60 năm.

Thông điệp an ninh mới 

Theo các quy định mới, hoạt động phòng thủ của Nhật Bản có thể được mở rộng theo nhiều viễn cảnh khác nhau. Một trong số đó là yểm trợ cho các lực lượng Mỹ bị tấn công xung quanh Nhật Bản, hợp tác về quân sự với Mỹ để bảo vệ các công dân Nhật gặp nguy hiểm ở nước ngoài, cử quân đội đi bảo vệ sự tiếp cận các nguồn cung năng lượng hoặc tham gia quét phá mìn khi xung đột trên biển làm gián đoạn tuyến hàng hải quan trọng đóng vai trò sống còn với Nhật Bản.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng khi gắn với các diễn biến mới đây tại Biển Đông và Hoa Đông, nơi nhiều nước đang phải đối phó với tham vọng bành trướng và thay đổi hiện trạng của Trung Quốc qua việc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư cũng như căng thẳng hiện nay trên Biển Đông khi Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bối cảnh sự cân bằng quyền lực ở khu vực đã thay đổi do sự lớn mạnh của Trung Quốc với cách hành xử ngày càng hung hăng nên các chính sách an ninh của Nhật Bản cần linh hoạt hơn. Nhật Bản muốn phát đi một thông điệp rằng với tư cách là một nước lớn tại châu Á - Thái Bình Dương, Tokyo có quyền và sẵn sàng can dự quân sự khi được đề nghị. Nói cách khác, quyền phòng vệ tập thể không chỉ là bảo đảm an ninh cho Nhật Bản mà còn đóng góp cho an ninh khu vực. Mong muốn tăng cường hơn nữa vai trò của Tokyo trong an ninh khu vực đã được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhắc tại Đối thoại Shangri-La khi khẳng định giờ là thời điểm mà không nước nào có thể tự một mình đảm bảo được hòa bình. 

Việc Tokyo có thể tham gia nhiều hơn các hoạt động quân sự trong khu vực được coi là bước chuyển lớn đối với cán cân an ninh châu Á. Động thái này là cần thiết để Nhật Bản có thể chủ động ứng phó với các mối đe dọa đang tăng lên và góp phần tạo thế cân bằng cán cân quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh khu vực Đông Bắc Á cũng như Đông Nam Á đang đứng trước nhiều bất ổn bởi những hành vi phi pháp của Trung Quốc. 

Nhật Bản sẽ can dự vào Biển Đông?

Tới đây, khi Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể và hợp tác với các nước liên quan vì mục tiêu trên thì có thể sẽ mở ra cánh cửa lớn tham gia giải quyết các  tranh chấp ở Biển Đông. Tờ Asahi Shimbun Asahi Shimbun - tờ báo lớn thứ hai của Nhật Bản đánh giá, việc Nhật tăng cường hợp tác quân sự với các nước trong khu vực Đông Nam Á có thể là cách kiềm chế khả năng mở rộng trên biển của Trung Quốc. Tờ báo này đã chỉ ra với tình trạng Việt Nam và Trung Quốc đang căng thẳng sau vụ Bắc Kinh đặt giàn khoan Hải Dương - 981 ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Nhật có thể hỗ trợ Việt Nam nếu Tokyo quyết định mở rộng áp dụng quyền phòng vệ tập thể đối với các nước Đông Nam Á, khu vực có nhiều quốc gia vướng vào tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia tại Học viện Quốc phòng Australia, đánh giá sự “hỗ trợ tối đa” của Nhật dành cho các nước ASEAN sẽ  không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tàu tuần tra, mà có thể báo hiệu vai trò lớn hơn của Tuần duyên, thậm chí là của SDF Nhật Bản. Hai lực lượng này sẽ hỗ trợ các nước ASEAN, trong đó có Philippines và Việt Nam, xây dựng năng lực và huấn luyện. Còn theo Tiến sĩ Sử học Jeremy A. Yellen (Đại học Harvard) khi trả lời phỏng vấn báo Đức Deutsche Welle (DW) thì quyền “tự vệ tập thể” mà Nội các Nhật Bản thông qua ngày 1-7 không chỉ với Mỹ, Hàn Quốc, Australia mà còn có thể mở rộng ra với các nước như Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, nếu có các mối đe dọa từ Trung Quốc hoặc các nước xâm lăng khác.