Những việc làm không như tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông

ANTD.VN - Mới đây, phát biểu tại họp báo, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định mong muốn giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua đối thoại, đàm phán và các hành động thiết thực. Thế nhưng, những việc làm trên thực tế của Trung Quốc thường không như tuyên bố. 

Những việc làm không như tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông ảnh 1Các cơ sở quân sự Trung Quốc triển khai trái phép trên đảo nhân tạo Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam 

Sử dụng những lý thuyết mới lạ mà không quốc gia nào chấp nhận

Trước hết là việc Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế. Năm 1982, cùng với 118 quốc gia khác, Trung Quốc và Việt Nam đã ký Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), trong đó quy định rất rõ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một nước rộng tối đa 200 hải lý tính từ đường cơ sở. UNCLOS cũng quy định rõ thềm lục địa của một quốc gia được xác định như thế nào. 

Là thành viên UNCLOS, Trung Quốc có trách nhiệm phải thực thi các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc này. Thế nhưng, năm 2009, Trung Quốc chính thức công bố bản đồ có “đường lưỡi bò” trên Biển Đông khiến dư luận thế giới kinh ngạc. Chẳng cần dựa trên cơ sở pháp lý nào, chẳng cần đưa ra lời giải thích nào, Trung Quốc khẳng định “đường lưỡi bò”, gồm 9 đoạn không có tọa độ đi kèm, chiếm tới 80% diện tích Biển Đông, lấn cả vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác.

Mỗi khi bàn đến “đường lưỡi bò” từ góc độ luật pháp quốc tế, thì Trung Quốc thường lơ đi. Khi buộc phải đáp lại, Bắc Kinh chỉ sử dụng cơ sở duy nhất để ngụy biện là “quyền lịch sử”. Thế nhưng, UNCLOS đã quy định rất rõ rằng, muốn gọi là “vùng biển lịch sử” thì phải đáp ứng ba yếu tố, gồm nhà nước cai quản khu vực, cai quản trong thời gian dài và cuối cùng là được các nước láng giềng chấp nhận yêu sách hàng hải. Trung Quốc thậm chí không đáp ứng được một trong ba yếu tố đó thì làm sao có “quyền lịch sử”.

Theo ông James Kraska thuộc Trung tâm luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ), Trung Quốc sử dụng những lý thuyết mới lạ mà không quốc gia nào chấp nhận, sử dụng ngôn ngữ phi chính thống, mơ hồ và tạo ra những khái niệm riêng nhằm cố biện minh một cách hợp pháp hành động của mình.

Sau khi Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”, Trung Quốc thực hiện chính sách 3 không “Không thừa nhận thẩm quyền, không tham gia tố tụng và không chấp nhận phán quyết” nhằm vô hiệu hóa trên thực địa phán quyết của Tòa. Không còn lý dùng khái niệm “quyền lịch sử” sau phán quyết của Tòa trọng tài những trên thực tế, Trung Quốc vẫn quyết áp đặt “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Vụ tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thời gian gần đây là bằng chứng rõ nhất. Những khu vực mà tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm như bãi Tư Chính nằm cách Vũng Tàu của Việt Nam chỉ 160 hải lý, trong khi bãi Tư Chính của Việt Nam cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 600 hải lý thì làm sao có thể   trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Trung Quốc? Điều này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng giẫm đạp lên các nguyên tắc cơ bản nhất của luật pháp quốc tế để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Khoe yêu chuộng hòa bình, nhưng lại dùng sức mạnh quân sự chèn ép nước khác 

Năm 1988, Trung Quốc chiếm một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc ồ ạt bồi đắp, biến các bãi đá này thành các đảo nhân tạo với diện tích trên 13km2 (chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa).

Trước sự lo ngại của dư luận các nước, năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh không có kế hoạch quân sự hóa các đảo này. Thế nhưng trên thực tế, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc biến các đảo nhân tạo này thành các cơ sở quân sự. Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), có trụ sở tại 

Washington, đã phân tích các hình ảnh chụp từ vệ tinh và khẳng định có nhiều đường băng, chỗ đỗ máy bay, các điểm radar và bệ phóng tên lửa đất đối không nổi trên 3 thực thể là đá Subi, đá Vành khăn và đá Chữ Thập mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở Trường Sa.

Theo tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung Quốc đã triển khai đến Trường Sa hệ thống tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B uy lực nhất của nước này, có khả năng tiêu diệt các tàu trong khoảng cách 340 dặm. Đi liền với YJ-12B và hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9A hoặc là HQ-9B với tầm bắn lên đến 184 dặm.

Tháng 12-2016, Trung Quốc điều máy bay ném bom H-6 hiện đại nhất của mình thực hiện các chuyến bay tuần tra dọc theo “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đơn phương vạch ra trên Biển Đông. Tháng 5-2018, máy bay ném bom chiến lược H-6K bắt đầu diễn tập cất cánh, hạ cánh trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam.

Khi bị báo chí chất vấn, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị biện bạch lại rằng hoạt động quân sự hóa Biển Đông là cách để Trung Quốc tự vệ trước sức ép an ninh từ Mỹ và các nước khác ngoài khu vực. Trong bài viết mang tựa đề châm biếm Biển Đông bị quân sự hóa dưới tay Trung Quốc “yêu hòa bình”, tờ Thời báo Hàn Quốc số ra ngày 27-8-2019 đăng bình luận của ông Vishnu Prakash, nguyên Đại sứ Ấn Độ tại Hàn Quốc, rằng Trung Quốc luôn lớn tiếng khoe mình là một nước yêu chuộng hòa bình, nhưng trong hành động thì lại dùng sức mạnh quân sự đi chèn ép các nước láng giềng.

Theo Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio, Trung Quốc triển khai khí tài, xây dựng cơ sở quân sự ở Hoàng Sa và Trường Sa là nhằm phô diễn ưu thế quân sự để buộc các bên tranh chấp khác phục tùng mà không cần phải khai hỏa. Bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis lưu ý rằng hành động quân sự hóa này đi ngược lại với lời hứa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh không có kế hoạch quân sự hóa các đảo.

Khó đẩy nhanh tiến trình hoàn tất COC

Tháng 11-2002, ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện thì gặp nhiều khó khăn. Trong khi phạm vi áp dụng của DOC được các nước ASEAN hiểu bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa là những khu vực có tranh chấp, thì Trung Quốc lại hiểu chỉ bao gồm Trường Sa. Trung Quốc cũng không chấp nhận thực tế các nước ASEAN coi DOC như một văn kiện giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là ASEAN và phối hợp lập trường trong quá trình thực hiện DOC. Bắc Kinh chỉ muốn thảo luận song phương với các bên tranh chấp ở Biển Đông.

Sự thiếu hiệu quả của DOC khiến các bên muốn tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), bước tiếp theo của (DOC), mang tính ràng buộc pháp lý cao hơn. Bất chấp nỗ lực của các nước ASEAN, phải đến năm 2013, Trung Quốc mới đồng ý ngồi lại đàm phán về COC. Nguyên nhân là bởi COC là những quy tắc phải tuân theo, chứ không phải như DOC chỉ là tuyên bố.Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông thì đương nhiên không muốn có một bộ quy tắc mang tính ràng buộc. 

Phải sau phán quyết lịch sử của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, Bắc Kinh mới đồng ý đẩy nhanh tiến trình “tham vấn” về COC để cứu vãn uy tín. Năm 2017, ASEAN và Trung Quốc thống nhất được khuôn khổ của COC. Dù đánh giá đây là bước đi quan trọng nhưng dư luận cũng cảnh báo rằng, Trung Quốc đã hoàn thành quân sự hóa các đảo đá nhân tạo ở Trường Sau. Bây giờ Trung Quốc muốn có một thỏa thuận để công nhận hiện trạng đấy.

Bình luận về động thái của Trung Quốc, tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) có trụ sở tại Singapore đã ví sự lảng tránh đẩy nhanh tiến trình hoàn tất COC của Trung Quốc với hiện tượng “ảo ảnh trong sa mạc”. Ông Ian Storey mô tả: “Khi bạn càng tiến gần đến nó, nó sẽ càng lùi xa và sau cùng khi đã đến nơi trong tình trạng bị nóng bức, họng khát khô và kiệt sức, thì bạn nhận ra rằng chẳng có gì ở đó cả”.