Nhóm khủng bố tàn bạo Boko Haram tấn công các tổ chức nhân đạo từ phương Tây

ANTD.VN - Khi Abu Musab al-Barnawi trở thành thủ lĩnh nhóm khủng bố Boko Haram (hay còn gọi là Các Nhà nước Hồi giáo Tây Phi - ISWAP) năm 2016, hắn nói rõ mục tiêu tấn công của nhóm là các tổ chức nhân đạo từ phương Tây. Hàng loạt bi kịch xảy ra trong vài tuần qua cho thấy, Abu Musab al-Barnawi không “nói chơi”.

Khoảng 19h ngày 1-3-2018, các tay súng  do al-Barnawi cầm đầu đi xe máy, xe bán tải gắn súng máy xông vào thị trấn Rann ở phía Đông Bắc Nigeria, nơi hàng chục nghìn người bị mất nhà cửa đang sống trong các khu lều tạm. Các tay súng nhanh chóng tiếp cận một khu trại có nhân viên các tổ chức quốc tế rồi nổ súng, giết hại 2 người từ Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) được giao nhiệm vụ quản lý các trại tị nạn ở Rann và 1 bác sĩ làm việc cho Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF. 

Ba nhân viên cứu trợ khác gồm Hauwa Liman - nữ hộ sinh làm việc cho Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC); Saifura Khorsa - y tá cũng làm việc cho ICRC và Alice Loksha - y tá của UNICEF vội chạy sang một căn cứ quân sự gần đó nhưng những kẻ tấn công đã xông vào căn cứ quân sự. Theo phương tiện truyền thông địa phương, 4 binh sĩ và 5 cảnh sát đã thiệt mạng trong vụ tấn công đó, riêng 3 người phụ nữ bị bắt cóc.

Nhóm khủng bố tàn bạo Boko Haram tấn công các tổ chức nhân đạo từ phương Tây ảnh 1Nhóm khủng bố Boko Haram tuyên bố nhân viên tổ chức cứu trợ nước ngoài là mục tiêu của bọn chúng

Hành quyết con tin nếu không nộp tiền chuộc cả triệu USD

Một quan chức quốc phòng của Nigeria cho hay, Chính phủ đã liên lạc với đại diện của ISWAP ngay sau khi xảy ra vụ bắt cóc nhưng các tay súng đã yêu cầu quá đáng nên không thể đáp ứng được. “Chúng muốn tiền chuộc hơn 1 triệu USD cho mỗi người. Chính phủ đã không thể đáp ứng yêu cầu đó ngay lập tức nhưng bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng sẵn sàng đàm phán”, quan chức này nói.

Các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Nigeria và ISWAP diễn ra trong nhiều tháng, sau đó bị đình trệ hoàn toàn và vào ngày 16-9, các phần tử thánh chiến đã hành quyết y tá Khorsa 25 tuổi. Video quay lại cảnh này được gửi đến ICRC cùng với yêu cầu về khoản tiền chuộc không được tiết lộ. Theo ICRC, nhóm chiến binh cho họ thời hạn 1 tháng để thu xếp tiền, nếu không sẽ giết con tin khác. ICRC mặc dù đã nỗ lực để giải thoát đồng nghiệp một cách an toàn và vô điều kiện nhưng vô ích. “Ngay sau vụ bắt cóc, ICRC nhanh chóng thành lập các nhóm khủng hoảng ở Maidiguri, Abuja và Geneva. Chính sách toàn cầu của chúng tôi không phải trả tiền chuộc hay thương lượng trực tiếp khi xảy ra bắt cóc… Tuy nhiên, chúng tôi sử dụng tất cả các kênh mở để đề nghị thả người ngay lập tức, vô điều kiện và không hề hấn gì”, Aleksandra Matijevic Mosimann, người phát ngôn của ICRC ở Abuja nói.

Trước thời hạn chót, ICRC đã phát hành đoạn video gửi cho cả Chính phủ Nigeria và ISWAP cầu xin cứu mạng 2 con tin vô tội nhưng ngày hôm sau, ISWAP tiếp tục giết hại nữ hộ sinh Liman. Nhóm này tuyên bố, cả Khorsa và Liman đều bị hành quyết vì họ từng là người Hồi giáo nhưng đã bỏ đạo để chọn làm việc với Hội Chữ thập đỏ có nhiều người theo đạo Thiên chúa. Những kẻ khủng bố này còn không giấu giếm rằng, bất kỳ nhóm cứu trợ nước ngoài nào cũng là mục tiêu của bọn chúng.

Tội ác có thể chưa dừng lại

Con tin còn lại Alice Loksha là phụ nữ đã lập gia đình và có 2 con, một người theo đạo Thiên chúa mà các chiến binh giữ làm nô lệ vì đức tin của mình. Trước đó, Leah Sharibu (16 tuổi), người theo đạo Thiên chúa duy nhất trong số 110 cô gái bị bắt cóc từ một trường trung học ở Dapchi hồi tháng 2-2018 cũng vẫn bị giữ đến nay. Bằng cách quyết định giữ lại Loksha và Sharibu, khác với tuyên bố ban đầu rằng sẽ giết chết mọi tín đồ đạo Thiên chúa, ý đồ của ISWAP có thể là muốn dư luận thế giới, đặc biệt là cộng đồng Thiên chúa giáo chú ý đến nhóm thánh chiến này, cũng giống như ý đồ phô trương thanh thế bằng vụ bắt cóc các nữ sinh Chibok năm 2014.

 “Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các kênh có sẵn để yêu cầu phóng thích Alice và Leah. Họ là dân thường và không phải là một phần của bất kỳ cuộc chiến nào”, ông Mosimann nhấn mạnh. 

Nhưng nhóm IS ở Nigeria, cũng giống như tổ chức nguyên thủy của chúng ở Iraq và Syria có những lý lẽ riêng và điều này có thể dẫn đến nhiều vụ giết người hơn trong những tháng tới.

“Chúng tôi kêu gọi lòng nhân đạo và chấm dứt những vụ giết người vô nghĩa. Làm sao 2 phụ nữ làm công việc chăm sóc sức khỏe cho công chúng lại bị sát hại liên tiếp như vậy”. 

Patricia Danzi (Giám đốc ICRC khu vực châu Phi)