Nhiều điều chưa biết đằng sau Lễ khai trương Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem

ANTD.VN - Ngày 14-5-2018, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi ngày khai trương Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem là “ngày hòa bình”, bất chấp sự phản đối của người Palestine. Theo thống kê chưa đầy đủ, cuộc xung đột mới giữa Palestine và Israel đã khiến hơn 60 người thiệt mạng và hơn 2.700 người bị thương chỉ trong vòng 1 ngày.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại lễ khai trương

Ngọn lửa bạo lực ở dải Gaza đau thương bùng phát mới đây bị nhen nhóm trở lại từ đầu tháng 12-2017. Trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thừa nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, đồng thời quyết định chuyển Đại sứ quán của Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem. Ngày được lựa chọn di dời là 14-5-2018, ngày kỷ niệm tròn 70 năm thành lập Nhà nước Israel.  

Một câu hỏi được đặt ra: Vì sao Tổng thống Donald Trump hành động như vậy? Phải đến sau khi khánh thành Đại sứ quán mới của Israel tại Jerusalem, giới phân tích chính trị mới có những đánh giá và tìm hiểu về nguyên nhân sâu xa đằng sau quyết định này.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin kéo tấm màn che để ra mắt Đại sứ quán mới của Mỹ ở Jerusalem, ngày 14-5

Quyết định thổi bùng ngọn lửa xung đột

Ngày 14-5 của 70 năm trước là ngày đại hỷ của người Do Thái, còn ngày 15-5 của 70 năm trước lại là ngày thảm họa của người Palestine. Việc thành lập Nhà nước Israel đồng nghĩa với việc người Palestine bị mất đất, đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra chiến tranh và xung đột ở Trung Đông.

Trước lễ khánh thành Đại sứ quán mới, ông Donald Trump đã cử một đoàn đại biểu hùng hậu với 250 người đến dự, do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin dẫn đầu, các thành viên gồm Thứ trưởng Ngoại giao John J.Sullivan, con gái và con rể là Ivanka Trump và Jared Kushner. Dù không xuất hiện tại lễ khánh thành, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn có bài phát biểu chúc mừng việc này qua video. Có tới 800 người tham gia buổi lễ này. Trong 86 Đại sứ của các nước tại Israel được mời dự chỉ có 33 người nhận lời, trong đó có 4 Đại sứ đến từ Liên minh châu Âu (EU)  gồm Áo, Cộng hòa Czech, Hungaria và Romania. 

Phản ứng của người Palestine đối với hành động của Mỹ rất rõ ràng: Tổ chức Hamas cực đoan và Fatah ôn hòa có bất đồng với nhau trong nhiều vấn đề, nhưng trong vấn đề Jerusalem thì họ lại vô cùng thống nhất. Tổng thống Mahmoud Abbas cho rằng Palestine không còn thừa nhận Mỹ là nhà trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel. Các tổ chức chính trị của Palestine ở dải Gaza đã kêu gọi tổng bãi công, đóng cửa các cửa hàng và trường học. 

Đại diện của Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) tại Washington Husam Somlot cho rằng, hành động này của Mỹ là đã tiến thêm một bước mới đến sự phân biệt chủng tộc. Ông bày tỏ sự bi quan khi Chính phủ Mỹ quyết định để cho Israel độc chiếm thành phố Jerusalem, vùng đất thiêng liêng của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới. Ông nói: “Những bước đi của Mỹ hiện nay không thể đem lại hòa bình thực sự, mà là xung đột tôn giáo”. Cùng với nhiều ý kiến phản đối của các quốc gia, tổ chức và chính khách khác, Tổ chức Liên đoàn Ả-rập đã tổ chức hội nghị đặc biệt vào ngày 16-5 với nội dung lên án hành động bất hợp pháp chuyển Đại sứ quán của Mỹ đến Jerusalem. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem dẫn đến thổi bùng ngọn lửa xung đột giữa Israel và Palestine

Động cơ nào đưa đến quyết định của Tổng thống Mỹ?

Trong 6 tháng qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thổi bùng 3 ngọn lửa ở Trung Đông: Ngày 14-4, Mỹ phối hợp với 2 đồng minh Anh và Pháp trực tiếp không kích Syria với lý do có nguồn tin cho rằng Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học trong lãnh thổ nước này. Ngày 8-5, bất chấp sự phản đối của các nước đồng minh như Anh và Pháp, Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn được gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran, làm gia tăng sự bất đồng trong mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương. Và ngọn lửa thứ ba chính là ngày 14-5, khai trương Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem.

Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, khi được hỏi về động cơ của việc Tổng thống Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhận định: Tổng thống Mỹ làm như vậy trước hết liên quan đến vấn đề đối nội, thứ hai mới là sự sắp đặt ngoại giao. Và giới nghiên cứu chính trị cho rằng, đối nội cũng chính là động cơ thổi bùng ngọn lửa thứ ba.

Mọi người đều biết con rể của ông Donald Trump, Jared Kushner xuất thân từ một gia đình Do Thái ở bang New Jersey của Mỹ. Việc ông Donald Trump thắng cử cũng nhờ nguồn tiền ủng hộ và đóng góp rất lớn của những người Do Thái, trong đó có Sheldon Gary Adelson, người Do Thái gốc Litva và là Chủ tịch Tập đoàn Las Vegas Sands. Có tin cho biết, ông này và người vợ mang quốc tịch Israel tổng cộng đã đóng góp hơn 30 triệu USD, ngoài ra còn chi rất nhiều tiền cho lễ nhậm chức Tổng thống sau đó. Điều quan trọng là cặp vợ chồng này theo đuổi chủ nghĩa phục quốc Do Thái cuồng nhiệt, ủng hộ Israel một cách vô điều kiện. Bài phát biểu của Donald Trump về Israel cũng không tách rời những người đứng đằng sau này. 

Jerusalem không những là thánh địa của người Do Thái và Hồi giáo, mà còn là khởi nguồn của Cơ đốc giáo. Cơ đốc giáo là tôn giáo lớn nhất (trên 70%), luôn chiếm địa vị quan trọng trong xã hội Mỹ. Ông Donald Trump trước đây và trong tương lai muốn thắng cử Tổng thống Mỹ thì việc giành được sự ủng hộ của tín đồ Cơ đốc giáo là rất quan trọng. Cũng chính xuất phát từ nguyên nhân này, ông Trump đã chọn Mike Pence, một tín hữu Cơ đốc giáo liên danh tranh cử với mình. 

Và cuối cùng sau khi được bầu làm Tổng thống, trải qua mấy lần sàng lọc, hiện nay xung quanh ông Donald Trump đã tập hợp được một nhóm cố vấn cấp tiến bảo thủ có nguồn gốc quân sự, những người này lại có ảnh hưởng rất lớn đối với ông Donald Trump khi đưa ra quyết sách về các vấn đề quốc tế. Về chính sách ngoại giao, có thể thấy ủng hộ Israel và Saudi Arabia, kiềm chế Iran và sự bành trướng của Nga là lựa chọn chiến lược của Chính phủ Mỹ ở khu vực Trung Đông.

Xung đột giữa người Palestine và quân đội Israel tại Dải Gaza vào ngày diễn ra lễ khai trương Đại sứ quán Israel tại Jerusalem

Kế hoạch di chuyển có thể ngừng bất cứ lúc nào

Lễ khai trương Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem vừa qua cho thấy ý nghĩa tượng trưng lớn hơn ý nghĩa thực tế, bởi quy mô di chuyển rất nhỏ và đa số nhân viên sứ quán Mỹ tại Israel vẫn tiếp tục làm việc ở Tel Aviv. 

Theo kế hoạch của Washington, đến cuối năm 2019, họ sẽ hoàn thành công trình mở rộng của khu vực sứ quán Arnona, khu dân cư bình yên ở phía Nam Jerusalem. Đến thời điểm đó, Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman sẽ chính thức làm việc tại đây, hiện giờ ông vẫn buộc phải di chuyển giữa Jerusalem và Tel Aviv. 

Theo các nguồn tin, Arnona, nơi hiện được chọn đặt Đại sứ quán của Mỹ cũng không được lên kế hoạch sử dụng lâu dài, Mỹ đã bắt đầu tìm một địa điểm mới. Sau khi tìm được địa điểm mới, việc xây dựng sứ quán cần mất khoảng 7-9 năm. Điều này có nghĩa là về mặt lý thuyết, người kế nhiệm của Tổng thống Donald Trump có thể ngừng kế hoạch di chuyển cuối cùng đối với Đại sứ quán Mỹ vào bất cứ lúc nào. 

Tuy nhiên, cho dù Washington trong tương lai có thay đổi chủ trương của họ hay không thì Chính phủ Israel vẫn khá vui mừng đối với quyết định của Tổng thống Trump, quảng trường trước Đại sứ quán đã được đặt tên là “Quảng trường Trump”. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman nói rằng việc Mỹ di chuyển Đại sứ quán là “hành động mang tính lịch sử, quan trọng và nhiều kịch tính”. Thị trưởng của Jerusalem Nir Barkat đã gọi ngày 14-5-2018 là một sự khởi đầu mới của trật tự quốc tế. Còn Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh: “Jerusalem sẽ mãi mãi là Thủ đô của Israel”.