Nhân quyền - giá trị cao quý thuộc về mọi người dân Việt Nam

ANTD.VN - Ngày 10-12-2019, thế giới sẽ kỷ niệm 71 năm ngày ra đời của Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền. Đây là thời điểm chúng ta nhìn lại để tự hào, vững tin vào thành tựu mà đất nước đạt được trong lĩnh vực quyền con người, đồng thời thấy rõ hơn âm mưu, thủ đoạn của các thế lực chống đối lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. 

Nhân quyền - giá trị cao quý thuộc về mọi người dân Việt Nam ảnh 1Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân luôn được bảo đảm

Thành tựu nhân quyền ở Việt Nam là điều không thể phủ nhận

Ngay từ khi bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời (năm 1946), Nhà nước ta đã đặt quyền con người ở vị trí trang trọng. Những vấn đề như xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, xóa bỏ nạn bạo hành gia đình, cung cấp nước sạch, bảo vệ môi trường… đã được đề cập. Trong các bản Hiến pháp tiếp theo, các quyền con người cũng không ngừng được mở rộng thêm. 

Các quan điểm, chủ trương của Đảng cũng luôn nhất quán trong việc bảo đảm quyền con người, xem quyền con người là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa; là lý tưởng, mục tiêu, động lực của sự phát triển. Đặc biệt, từ Đại hội lần thứ VI của Đảng, cùng với sự đổi mới toàn diện và sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn trên mọi lĩnh vực, nhận thức về vị trí, vai trò của con người cũng ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn. Con người được đặt vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển, là đối tượng, mục tiêu và động lực của mọi hoạt động kinh tế-xã hội. 

Một trong 4 bài học kinh nghiệm được đúc kết tại Đại hội VI là toàn Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Đây cũng là tư tưởng chủ đạo của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (tháng 6-1991), trong đó khẳng định mục tiêu: Xây dựng Nhà nước XHCN, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đồng thời xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.

Như vậy có thể khẳng định, suốt thời kỳ cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng Tổ quốc XHCN, cho đến thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán và kiên định với chính sách vì sự giải phóng toàn diện con người, hiện thực hóa đầy đủ các quyền con người cho tất cả mọi người, mà trước hết là giai cấp công nông.

Chính nhờ chủ trương, định hướng trên, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong bảo đảm quyền con người, thể hiện ở những chỉ số quan trọng như: chỉ số phát triển con người, chỉ số phát triển giới, chỉ số bất bình đẳng phân phối thu nhập giữa cá nhân trong một nền kinh tế…  

Đặc biệt trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo, Việt Nam được coi là mô hình thành công của thế giới. Theo đánh giá của LHQ, Việt Nam đã giảm được một nửa tỷ lệ đói nghèo trong hơn một thập kỷ và là một trong những quốc gia đạt tốc độ giảm đói nghèo nhanh nhất thế giới. Với mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) về giảm nghèo mà LHQ đề ra, Việt Nam đã hoàn thành và vượt mức trước 10 năm. Tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam chỉ còn 5,2 - 5,7%; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% năm 2015 xuống 7,69% năm 2017. 

Việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị cũng đạt nhiều thành tựu, trong đó có bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do báo chí, tự do Internet… Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 6-2018, cả nước có 857 cơ quan báo chí với 1.119 ấn phẩm; hơn 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam. Đến cuối năm 2018, hơn 60% số người dân Việt Nam sử dụng internet, số người sử dụng mạng xã hội facebook là 60 triệu người, zalo là 40 triệu người. Có thể nói Việt Nam là một quốc gia internet. 

Không những bảo đảm các quyền và tự do của người dân theo đúng các chuẩn mực quốc tế, Việt Nam còn đóng góp thiết thực vào sự nghiệp chung là thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trên tất cả các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Chính vì thế, Việt Nam đã hai lần được tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ khóa 2001-2003 và khóa 2014-2016.

Bàn tay không che nổi mặt trời

Thành tựu về nhân quyền của Việt Nam là điều được dư luận quốc tế ghi nhận. Thế nhưng, không ít đối tượng có tư tưởng thù địch với Việt Nam luôn tìm mọi cách xuyên tạc, tung ra những thông tin phiến diện, bóp méo sự thật về tình hình nhân quyền tại nước ta. Trong bối cảnh bùng nổ của mạng xã hội, internet, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng báo chí, truyền hình, phát thanh; biến các mạng xã hội như facebook, youtube... thành công cụ để bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, đổi trắng thay đen, dựng chuyện, phao tin đồn nhảm, gieo rắc tin giả về nhân quyền ở Việt Nam. 

Trước hết, chúng tập trung xuyên tạc vấn đề nhân quyền tại Việt Nam; chỉ trích quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam; vu cáo Việt Nam “không có tự do báo chí, tự do tôn giáo”. Một số cơ quan truyền thông nước ngoài như đài RFA, BBC, VOA, RFI; một số tổ chức quốc tế như HRW (Theo dõi nhân quyền), FH (Ngôi nhà tự do), RSF (Phóng viên không biên giới), CPJ (Ủy ban bảo vệ nhà báo)... cũng thường xuyên cung cấp thông tin thiếu khách quan, xuyên tạc tình hình thực tế ở Việt Nam.

Phớt lờ định hướng phát triển riêng của mỗi quốc gia, phớt lờ đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc trên tiến trình phát triển, các thế lực thù địch cố tình gieo rắc những quan niệm mơ hồ, lệch lạc như “nhân quyền không biên giới”, “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia” để tìm cớ can thiệp vào Việt Nam. Việc làm này không những vi phạm một cách trắng trợn độc lập, chủ quyền của các quốc gia, dân tộc có chủ quyền mà còn vi phạm nghiêm trọng quyền sống và quyền tự do của con người. 

Đặc biệt, mỗi khi Việt Nam đưa ra xét xử công khai những phần tử cực đoan, chống đối Đảng và Nhà nước, các thế lực thù địch thường lợi dụng để vu cáo Việt Nam “đối xử vô nhân đạo với các tù nhân lương tâm”. Trên thực tế, điểm mặt những người mà họ cho đó là những “tù nhân lương tâm”, hoặc được gán những danh từ mĩ miều như “nhà tranh đấu”, “nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”, đều có thể thấy đấy là những người vi phạm pháp luật Việt Nam, bị tòa án xét xử công khai và kết án theo luật pháp của Việt Nam.

Nhưng như người Việt Nam thường nói: “Bàn tay không che nổi mặt trời”. Dù các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam cố tình xuyên tạc, vu khống Việt Nam trong vấn đề nhân quyền, thì họ cũng không thể phủ nhận được sự thật hiển nhiên là ở Việt Nam, bảo đảm nhân quyền đã trở thành thành tựu to lớn, được dư luận thế giới ghi nhận. 

Sự chống phá của các thế lực thù địch chỉ càng cho chúng ta nhận thức rõ thêm điều mà cộng đồng quốc tế đã cảnh báo: Bảo đảm quyền con người ở bất cứ quốc gia, dân tộc nào bao giờ cũng phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ là vừa phải quan tâm, bảo đảm các điều kiện về tinh thần và vật chất cho tất cả mọi người, vừa phải đấu tranh bằng nhiều hình thức với các thế lực chống phá chế độ xã hội, nhà nước để bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân.