Nhân lên sức mạnh ASEAN vượt qua giai đoạn khó khăn

ANTD.VN - Sóng gió khủng hoảng, thử thách cam go chính là những “ngọn lửa thử vàng” tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, sự hợp tác của các thành viên ASEAN để vượt lên và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tại Hà Nội đã một lần nữa minh chứng cho điều này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ASEAN đã chủ động thích ứng và đoàn kết vượt lên thách thức

“Trận đại hồng thủy” Covid-19

Khi Việt Nam chính thức đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020 cũng là lúc sóng dữ thử thách chưa từng thấy - đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus gây ra (Covid-19) - nổi lên, quét qua toàn bộ các quốc gia thành viên hiệp hội. Cho dù không phải là chiến tranh hay thiên tai khủng khiếp, song sức tàn phá của “trận đại hồng thủy” Covid-19 cũng chẳng kém phần nặng nề.

Đại dịch Covid-19 không chỉ khiến hơn 9,7 triệu người mắc bệnh và hơn 492 nghìn người tử vong (tính tới ngày 26-6) mà còn “tàn phá” nặng nề nền kinh tế toàn cầu. Theo các chuyên gia kinh tế, đại dịch Covid-19 có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu giảm 4,7% trong năm 2020 này, gấp đôi so với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và là cuộc suy thoái toàn cầu lớn nhất trong lịch sử hậu chiến tranh thế giới thứ hai.

Nhiều thành viên ASEAN hiện cũng đang phải vất vả chống chọi với đại dịch Covid-19 khi toàn bộ 10 quốc gia thành viên đều có dịch bệnh với mức độ trầm trọng khác nhau. Tính tới nay, tại các nước ASEAN đã có tổng cộng hơn 130 nghìn người mắc bệnh, gần 4 nghìn người tử vong. Trong đó, bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Indonesia với hơn 50 nghìn người nhiễm bệnh, hơn 2.600 người tử vong; Singapore hơn 43 nghìn người mắc bệnh, 26 người tử vong; Philippines hơn 33 nghìn người mắc bệnh, hơn 1.200 người tử vong; Malaysia hơn 8.600 người mắc bệnh, hơn 120 người tử vong… Việt Nam là một trong 3 nước ASEAN (cùng với Lào và Campuchia) có số người mắc bệnh ít nhất và chưa có người tử vong.

Không chỉ tác động nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng người dân, dịch bệnh còn ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đối với nền kinh tế ASEAN. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo công bố mới nhất dự báo, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tăng trưởng  GDP của khu vực Đông Nam Á sẽ giảm từ 4,4% năm 2019 xuống chỉ còn 1% trong năm 2020. ADB nhìn nhận, dịch Covid-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế đơn thuần, mà còn là một cuộc khủng hoảng đối với sự phát triển khi các chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế bị phá vỡ, đòi hỏi ASEAN phải đưa ra phản ứng thống nhất trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Thái Lan, Malaysia, Singapore…  là những thành viên ASEAN chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 trong năm 2020 khi kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng âm 4,8% trong năm nay, tăng trưởng GDP của Malaysia từ 4,5% xuống -0,1%, GDP của Singapore chỉ đạt 0,2%... do chuỗi cung ứng và thương mại bị phá vỡ cũng như ngành du lịch chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu, lên tới 20% như đối với Thái Lan. Nhờ ngăn chặn và kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam là một điểm sáng không chỉ về phòng chống đại dịch Covid-19 mà còn cả về tăng trưởng kinh tế với dự báo tăng trưởng 4,8%, mức tăng trưởng cao bậc nhất thế giới trong năm đại khủng hoảng 2020.

Khẳng định tình đoàn kết, ý chí mạnh mẽ và quyết tâm cao của ASEAN

Lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN gần 50 năm qua cho thấy, mỗi khi đối mặt với khó khăn, thử thách cam go cũng là lúc các thành viên của hiệp hội lại thêm đoàn kết, nhất trí, chung sức đồng lòng để nhân lên sức mạnh cộng hưởng. Đây chính là nhân tố quyết định để ASEAN trở thành một trong những hiệp hội thành công nhất trên thế giới hiện nay cho dù từng trải qua không ít biến động, sóng gió, thăng trầm suốt chiều dài gần nửa thế kỷ qua.

Trước thách thức từ việc chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa cũng như du lịch… bị gián đoạn trong khi đại dịch Covid-19 là một mối đe dọa lớn, các thành viên ASEAN đã chủ động thích ứng, gắn kết và hợp tác để cùng nhau vượt qua thách thức chung. Với cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam ngay từ tháng 4-2020, thời điểm đại dịch hoành hành khắp khu vực, đã tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN để thống nhất ý chí giữa các thành viên về việc tái khẳng định các cam kết nhằm đảm bảo sự ổn định kinh tế, đảm bảo kết nối chuỗi cung ứng, giảm thiểu các tác động của đại dịch...

Hiện nay, khi các thành viên ASEAN đang từng bước thực hiện nới giãn cách xã hội để khôi phục hoạt động kinh tế, việc thông quan hàng hóa và chuỗi cung ứng trong khu vực đang gặp nhiều cản trở do các biện pháp đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại, cắt giảm đường bay… và đặc biệt là quyết định hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực và y tế chiến lược ở nhiều quốc gia. Bởi vậy, vấn đề rất quan trọng đặt ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 này là làm sao bảo đảm kết nối chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với nhu yếu phẩm. Điều này không dễ dàng trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, nhất là khi diễn biến đại dịch Covid-19 còn phức tạp và nguyên tắc quốc gia tự cứu thường được đặt lên trên hết.

Trong lúc này, bất kỳ kế hoạch khôi phục kinh tế nào của ASEAN cũng cần bao gồm các biện pháp nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa. Các quốc gia thành viên ASEAN không nên áp dụng những cản trở không cần thiết gây ảnh hưởng đến dòng chảy nguồn cung y tế, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác. Các nước thành viên ASEAN cần làm việc cùng nhau để không ai bị bỏ lại phía sau.

ASEAN cần phát triển thành một trung tâm tăng trưởng và là một nguồn lực mới, không chỉ phục vụ cho người dân trong khu vực mà còn cho cả thế giới trong và sau đại dịch Covid-19. Và điều này đã được các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên khẳng định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36.

Theo đó, các nhà lãnh đạo đã nhất trí cần nâng cao khả năng tự cường của ASEAN, vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế và khu vực từ đó ổn định cuộc sống của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, các nhà Lãnh đạo cho rằng, việc hoàn tất và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong 2020 sẽ là thông điệp mạnh mẽ khẳng định sự ủng hộ của ASEAN đối với hệ thống thương mại đa phương, tự do hóa thương mại và đầu tư và cũng là đóng góp quan trọng cho quá trình phục hồi sau dịch bệnh tại khu vực. Lãnh đạo ASEAN cũng đề xuất các biện pháp để nới lỏng các hạn chế nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa và chuỗi cung ứng trong khu vực không bị gián đoạn, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi sau dịch bệnh.

Với kết quả đạt được tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 36 tại Hà Nội, ASEAN đã gửi thông điệp mạnh mẽ về một tổ chức khu vực gắn kết, chủ động và đóng vai trò hạt nhân trong các tiến trình khu vực. Hội nghị cũng là dịp để một lần nữa khẳng định tình đoàn kết, ý chí chính trị mạnh mẽ và quyết tâm cao của các quốc gia thành viên ASEAN vượt lên các khó khăn thách thức, vững vàng đi tới, hoàn thành các mục tiêu hợp tác, liên kết ASEAN trong năm 2020 do Việt Nam làm Chủ tịch.