Nhà tù Mexico được ví như "khách sạn đắt nhất thế giới"

ANTĐ - Màn tẩu thoát của Joaquin “El Chapo” Guzman, trùm băng đảng Sinaloa, thoát khỏi một nhà tù an ninh nghiêm ngặt ở Mexico 2 tuần trước là một trong những vụ vượt ngục điển hình vạch ra hạn chế lớn trong hệ thống nhà tù của nước này. Hệ thống ấy chẳng những không có khả năng quản lý những phạm nhân khét tiếng mà còn bị chúng điều khiển ngược lại.
Nhà tù Mexico được ví như "khách sạn đắt nhất thế giới" ảnh 1

Quá tải, lương thấp, áp lực… rất nhiều lý do khiến nhân viên nhà tù bị mua chuộc

Đầy rẫy tiêu cực

Sara Elena Izazola - một cựu quan chức cho biết, nhà tù Altiplano, nơi từng giam giữ Joaquin “El Chapo” Guzman ở miền Trung Mexico được đánh giá là có chế độ an ninh khiến phạm nhân “không thể trốn thoát” và chưa ai từng tìm cách ra khỏi nơi này, nhưng 17 tháng sau khi bị bắt giữ, Guzman đã đào tẩu ra ngoài, thông qua một đường hầm dài 1,5km đào thẳng xuống dưới phòng giam của gã. Ngay sau vụ vượt ngục “bê bối, nhục nhã” này, chính quyền đã sa thải giám đốc và 34 nhân viên nhà tù vì nghi ngờ tiếp tay cho Guzman. Các nhà lập pháp Mexico nói rằng, vụ trốn tù chỉ có thể xảy ra khi Guzman biết rõ về thiết kế của nhà tù và mua chuộc được cán bộ cấp cao, nhân viên nhà tù. 

Miguel Morales, 23 tuổi, đã có thời gian thực tập ngắn tại một nhà tù gần Altiplano cho biết, ở đó đủ loại phí được áp dụng, từ quyền xem ti vi cho tới việc làm sao để không bị đánh đập. “Bị giam ở đó chẳng khác nào việc sống trong khách sạn đắt nhất thế giới”, Morales cho biết. Còn Jose Luis Lara, 49 tuổi, người từng sống ở trại Altiploano gần 3 năm (2001 - 2003) kể, các băng tội phạm thường thông qua quản giáo để tuồn ma túy vào trong tù, trong khi những phạm nhân giàu có thậm chí có thể thông qua luật sư để dàn xếp cho gái mại dâm vào “vui vẻ”. Chỉ những người như Guzman mới có đủ khả năng để hưởng thụ những thứ xa xỉ đó. 

Trong thời gian thụ án tại nhà tù Puente Grande ở Tây Mexico, Guzman đã trả hóa đơn viện phí cho nhân viên nhà tù. “Người lớn ốm nặng, trẻ em mắc bệnh nan y, El Chapo đều thanh toán các hóa đơn cho họ. Có cả những người được gã cho tiền mua nhà” - một cựu giám đốc nhà tù (giấu tên) tiết lộ. Flavio Sosa, người từng thực tập tại nhà tù Altiplano trong thời gian năm 2006-2007 nói: “Tôi tin ông ta (Guzman) đã bỏ tiền hối lộ toàn bộ quản giáo để họ tắt hệ thống an ninh. Chuyện  xảy ra như thế, bởi chẳng còn kịch bản nào khác”.

Khó cưỡng được việc nhận hối lộ

Số liệu của Bộ Nội vụ Mexico cho thấy, đất nước này có 387 nhà tù, hơn nửa trong số đó hiện đã quá tải. Điều kiện giam giữ yếu kém dẫn đến tình trạng vượt ngục ngày càng tăng. Tổ chức tư vấn Mexico Evalua nói rằng, trong thời gian từ năm 2010 tới tháng 5-2013 đã xảy ra 31 vụ vượt ngục. Một vụ có tới 130 phạm nhân đào tẩu, xảy ra ở thành phố Piedras Negras nằm gần biên giới Mỹ.

Lương của các nhân viên bảo vệ nhà tù thấp, 6.000 peso (380 USD) mỗi tháng nếu làm việc trong nhà tù bang và từ 12.000 tới 15.000 peso (760 - 950 USD) mỗi tháng trong các nhà tù liên bang như Altiplano. Với mức lương thấp như thế, thường thì các quản giáo Mexico không từ chối nhận các khoản hối lộ. “Việc nhận hối lộ dần trở thành thói quen. Tôi không cố bào chữa cho việc nhận hối lộ, nhưng thu nhập của một quản giáo kém hơn các công việc khác rất nhiều” - quản giáo tên Carlos có thu nhập chỉ 12.000 peso mỗi tháng cho biết.

Tuy nhiên, lực lượng này cũng chịu áp lực lớn khi phải hợp tác với các ông trùm xã hội đen - những kẻ luôn có các tay chân thân tín ở bên ngoài có thể gây hại tới gia đình và bản thân họ. Và ngay cả việc hợp tác cũng rất nguy hiểm. Nếu một quản giáo bị phát hiện đang hỗ trợ một băng ma túy, anh ta sẽ trở thành mục tiêu của các băng đối thủ. Ông Eduardo Olmos, Thị trưởng thành phố Torreon trong giai đoạn 2010 - 2013 nói: “Anh sẽ thua nếu giúp chúng, nhưng cũng sẽ thua nếu không giúp chúng”.