Nghệ thuật "xoay vần" Hội nghị G7 của 2 chiến lược gia Donald Trump và Emmanuel Macron

ANTD.VN - Hội nghị G7 kết thúc hôm 26-8-2019 sau 3 ngày họp tại Biarritz, Pháp tưởng như không đưa ra được tuyên bố chung nhưng cuối cùng cũng “chốt” được vấn đề căng thẳng Iran, môi trường và công nghệ số. Diễn biến tại hội nghị cho thấy, trong môi trường ngoại giao lịch sự, tế nhị và cũng đầy sức nóng, có 2 chiến lược gia đã thay đổi toàn bộ cục diện hội nghị bởi phong cách đặc trưng riêng của mình. Đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron.

Hội nghị G7 ở Pháp kết thúc tuần qua có nhiều bất ngờ, trong đó có “bàn tay đạo diễn” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Mỹ Donald Trump 

Tổng thống Donald Trump - phong cách khó lường làm thế giới quay cuồng

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kết lại chuỗi hoạt động ngoại giao của mình ở Hội nghị thượng đỉnh G7, thế giới hiểu rằng, không còn lựa chọn nào khác ngoài học cách thích nghi với cá tính kỳ lạ của nhà lãnh đạo 73 tuổi này. Tổng thống Trump có lẽ thích đặt các đối tác đàm phán, đối thủ, giới quan sát và cả những đồng minh của mình vào tình thế phải phán đoán. “Xin lỗi nhé. Đó là cách tôi đàm phán. Nó vận hành rất hiệu quả đối với tôi trong nhiều năm qua và nó còn tốt hơn nữa cho đất nước” - ông Trump trả lời các phóng viên ở Biarritz.

Theo phân tích của Politico, cách đàm phán của Tổng thống Trump là đưa ra những thông tin, tuyên bố và cả những sự kiện có thể chưa bao giờ diễn ra. Có lúc, ông còn phủ nhận chính những lời mình từng nói. Bởi vậy ở G7, đội ngũ nhân viên Nhà Trắng phải chật vật “chữa cháy” cho tuyên bố của nhà lãnh đạo. Đơn cử, Tổng thống Donald Trump ngày 23-8 chỉ trích Chủ tịch Tập Cận Bình là kẻ thù của nước Mỹ sau khi thông báo sẽ bổ sung 5% lên các mức thuế áp dụng cho gần 550 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Chỉ 4 ngày sau, vào buổi họp cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Pháp, ông lại bất ngờ tự tin về khả năng đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh. Ngày 26-8, nhà lãnh đạo Mỹ lại buột miệng mô tả Đệ nhất phu nhân Melania Trump có quen biết Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Thực tế là Đệ nhất phu nhân Mỹ chưa từng gặp ông Kim Jong-un và Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham buộc phải giải thích lại: “Dù Đệ nhất phu nhân chưa từng gặp ông ấy (lãnh đạo Triều Tiên), Tổng thống cảm thấy phu nhân cũng hiểu được ông ấy”.

Hội nghị G7 tuần qua đã diễn biến đầy bất ngờ. Chỉ riêng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ở lại cho đến hết, cười và bắt tay chủ nhà thay vì “khẩu chiến” như với chủ nhà Canada rồi rời hội nghị như năm trước đã là một bất ngờ. Nhưng bất ngờ hơn cả là nước cờ cao tay của ông Macron, mời Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tới hội nghị mà không thông báo trước - điều chưa có tiền lệ. Các cố vấn của Tổng thống Mỹ gọi diễn biến này là một “pha bóng hiểm hóc”, nhưng bằng cách nào đó, ông Trump lại hạ giọng trong căng thẳng với Iran.

Những phát ngôn mâu thuẫn của ông Trump có lẽ một phần vì ông ít đề phòng và cởi mở với truyền thông nhiều hơn những người tiền nhiệm. Riêng trong ngày 26-8, Tổng thống Trump có đến 4 buổi trả lời không có kịch bản với các phóng viên. Dường như ngay cả chính ông cũng cảm thấy mình đang phát biểu quá nhiều. Nhiều chuyên gia về chính sách vốn ủng hộ Tổng thống Trump cũng cảnh báo cách tiếp cận thiếu mạch lạc là đáng lo ngại. “Kiểu giấu bài và buộc đối thủ phải đoán mò cũng có thể hiệu quả. Nhưng trong trường hợp của Tổng thống Trump, ông đã áp dụng quá cực đoan những chiến thuật này. Bạn sẽ không bao giờ biết khi nào thì nên tin tưởng ông ấy” - Michael Doran, chuyên viên cấp cao tại Viện Hudson cảnh báo.

Theo nhiều chuyên gia, chiến thuật này có thể đã được áp dụng trong sự nghiệp kinh doanh bất động sản của ông Trump. Những cuộc đàm phán có thể gồm toàn đòn gió hoặc dọa suông. “Khi bạn đơn độc đàm phán các thỏa thuận bất động sản, điều quan trọng cuối cùng là hợp đồng, cụ thể là chữ ký trên thỏa thuận. Tuy nhiên, trong chính trị và ngoại giao, có nhiều thứ cũng rất quan trọng nhưng không bao giờ được thể hiện thành một thỏa thuận chính thức” - Mochael Doran nói. Một trong số những yếu tố đó là uy tín. Ở khía cạnh này, các phát ngôn của ông Trump có thể phản tác dụng. 

Tổng thống Emmanuel Macron và nước cờ cao tay

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được đánh giá là “ngôi sao vụt sáng” tại “sân khấu G7” khi thay đổi hẳn cục diện hội nghị với việc bất ngờ mời Ngoại trưởng Iran, tạo sự đột phá trong căng thẳng Mỹ - Iran. Hội nghị G7 năm nay trở nên khó đoán hơn, trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo hoặc bị suy yếu như Thủ tướng Đức, hoặc phân tâm vì chính trị đối nội như Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh, Italia. Nhưng không còn là cuộc đua hối hả, dồn dập với những tranh luận, toan tính của các nước về hàng loạt vấn đề toàn cầu cấp bách nhất. Thay vào đó, nước chủ nhà - chính là ông Macron - nắm nghị trình trong tay. Và điều này đã cho phép ông thêm vào một vài bất ngờ dường như được tính toán tới từng ly.

Trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump, với phản xạ và văn hóa của một doanh nhân, lúc nào cũng nhắm vào những “hợp đồng vĩ đại” thì Tổng thống Emmanuel Macron thúc đẩy sao cho đả thông bế tắc, đạt được tiến triển nào đó dựa trên các chủ đề nóng đe dọa hòa bình hay tương lai sống còn của nhân loại. Trong bối cảnh này, tờ Le Monde - nhật báo khó tính nhất của Pháp - nhìn nhận Tổng thống Macron đã thành công khi tất cả các chủ đề nóng đều được đưa ra thảo luận. Đó là thương chiến Mỹ-Trung, nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới, có nên mở cửa cho Nga tái hội nhập G7 hay không, cháy rừng  Amazon, khí hậu, đại dương ô nhiễm, khủng hoảng Iran và thuế GAFA đánh lên các tập đoàn kỹ thuật số của Mỹ.

Đối thoại với tất cả, nếu có thể sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong mọi xung khắc, đặt nước Pháp vào trung tâm bàn cờ thế giới….  đó là phương châm ngoại giao mà Tổng thống Emmanuel Macron áp dụng triệt để trong 3 ngày của Hội nghị thượng đỉnh G7. Nhưng ở lần này, có lẽ chiến thuật của ông Macron đã trở thành bài học mới trong sách giáo khoa về độ “cao tay” khi ngoại giao với vị Tổng thống Mỹ mà CNN vốn coi là “khó tính nhất trong lịch sử hiện đại”, nhằm giải quyết căng thẳng nguy hiểm nhất hiện nay ở Vùng Vịnh.

Sự kiện Ngoại trưởng Iran Mohamad Javad Zarif bất ngờ đến Biarritz trong 5 tiếng đồng hồ, không được mời tham gia hội nghị nhưng được hội kiến với Tổng thống và Ngoại trưởng Pháp là sự kiện mang “dấu ấn” Macron. Nếu không có quyết định chung từ bữa ăn trưa hôm trước với ông Macron, có lẽ Tổng thống Donald Trump đã không giữ thái độ thản nhiên, thậm chí còn tuyên bố chính ông “khuyến khích” Tổng thống Macron mời Ngoại trưởng Iran.

Khi đứng cạnh ông Trump ở họp báo chung, ông Macron đã đính chính một cách nhẹ nhàng việc mời Ngoại trưởng Iran: “Tôi tự mình quyết định”. Tường tận sự việc thế nào chưa rõ, nhất là khi 2 lãnh đạo kể lại chung chung và muốn giữ thể diện của chính mình cũng như cho đối tác, nhưng cuối cùng, ông Macron đạt được nguyện vọng nhiều tháng nay. Đó chính là khiến Tổng thống Mỹ xích lại gần hơn một cuộc đối thoại với Iran.

Bình luận về G7, nhật báo Libération nhìn nhận, ông Emmanuel Macron với nỗ lực đối thoại không ngừng nghỉ và khôn khéo thuyết phục đã tránh cho thế giới một cuộc chiến tại Trung Đông. Bên cạnh đó, trước một Donald Trump phản ứng khó lường, nghệ thuật ngoại giao “dàn cảnh” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hóa giải những tranh cãi tiêu cực. Một đạo diễn kỳ tài, theo nhận định của giới phân tích.