Nga: Máy bay không người lái bị bắn hạ của Mỹ đã vi phạm không phận Iran

ANTD.VN - Căng thẳng giữa Iran và Mỹ đã gia tăng kể từ khi Tehran bắn hạ một máy bay do thám không người lái (UAV) của Mỹ, như Iran tuyên bố, là đã vi phạm không phận nước này. Trước đó, Washington đã cáo buộc Tehran tấn công các tàu chở dầu ở Vịnh Ô-man, điều mà nước Cộng hòa Hồi giáo này kiên quyết phủ nhận.

Thư ký Hội đồng an ninh Nga Nikolai Patrushev trong cuộc đàm phán với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton và Thủ tướng Israel Netanyahu đã tuyên bố rằng, quân đội Nga có thông tin máy bay do thám không người lái của Mỹ, bị phá hủy trong một sự cố vào ngày 20-6-2019, đã bị bắn hạ trong không phận Iran như thông tin trước đó được Tehran cung cấp. Về phần mình, Mỹ khẳng định rằng máy bay do thám đang bay trên không phận một nước trung lập khi nó bị phá hủy.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lắng nghe khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton phát biểu trong buổi khai mạc cuộc gặp ba bên giữa Bolton, cố vấn an ninh quốc gia Israel Meir Ben-Shabbat và Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng an ninh Nga, ngày 25 tháng 6 năm 2019

Lực lượng phòng không Iran đã bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ đang bay phía trên eo biển Hormuz. Tehran tuyên bố rằng UAV đã vi phạm không phận và không đáp trả những lời cảnh báo, sau đó đã đưa ra bản đồ, hiển thị đường bay của chiếc UAV. Iran cũng nhấn mạnh thêm rằng cùng lúc đó, các lực lượng của họ đã phát hiện một máy bay do thám P-8 Poseidon, cũng vi phạm không phận của nước này, nhưng đã chọn không bắn hạ nó để tránh thương vong.

Mỹ khẳng định rằng máy bay không người lái đang bay trên vùng biển trung lập khi bị phá hủy bởi tên lửa Iran và cũng đưa ra bản đồ hành trình bay để chứng minh. Washington đã lên kế hoạch cho một cuộc tấn công trả đũa chống lại Iran, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kịp dừng lại vài phút trước khi phát lệnh triển khai. Ông Trump tuyên bố, thương vong ước tính cho cuộc tấn công là quá cao để trả đũa cho việc một chiếc UAV bị bắn rơi.

Điều tra các cuộc tấn công  tàu chở dầu, thay vì chỉ định thủ phạm

Ông Patrushev cho biết, các cáo buộc cho rằng Iran tấn công những tầu chở dầu ở Vịnh Ô-man vào tháng Năm và tháng Sáu, cũng như các thông tin mà Mỹ đưa ra trong một nỗ lực để chứng minh tội lỗi của Tehran, là kém chất lượng và không chuyên nghiệp. Ông lưu ý rằng một cuộc tấn công bằng ngư lôi hoặc bằng bom sẽ dẫn đến thiệt hại khác nhau cho các tàu.

"Chúng tôi cần tiến hành một cuộc điều tra, để hiểu những gì thực sự đã xảy ra, thay vì chỉ đơn giản là chỉ định thủ phạm", ông nói.

Một số tàu chở dầu đã bị hư hại do các vụ nổ vào tháng Năm và tháng Sáu ở Vịnh Ô-man, nhưng không có tàu nào bị chìm hoặc dẫn đến sự cố tràn dầu. Trong khi lý do chính xác cho thiệt hại chưa được xác định, Mỹ đã nhanh chóng cáo buộc Iran "tấn công" các tàu trên. Tehran phủ nhận việc tấn công các tàu và gọi vụ việc là “nước cờ giả” để đổ lỗi cho Iran.

Trong một nỗ lực để chứng minh cho tuyên bố của mình, Washington đã tung ra các đoạn video được cho là ghi lại hình ảnh lực lượng Iran đang gỡ bỏ các ngư lôi chưa nổ từ thân tàu của một trong những tàu chở dầu. Tuy nhiên, lời khai từ thủy thủ đoàn của tàu chở dầu Kokuka Courageous đã phủ bóng lên những nỗ lực của Mỹ.

"Thủy thủ đoàn kể với chúng tôi họ bị tấn công bởi một vật thể bay. Họ tận mắt nhìn thấy" - Hãng tin AFP ngày 14-6 dẫn lời ông Yutaka Katada, chủ tịch Công ty Kokuka Sangyo. "Chúng tôi nhận được báo cáo về thứ gì đó bay tới và rồi xảy ra một vụ nổ, thân tàu bị thủng một lỗ. Một số thủy thủ chứng kiến được vụ tấn công thứ hai" - ông Yutaka Katada khẳng định đồng thời nhấn mạnh rằng một quả ngư lôi không thể có khả năng gây ra thiệt hại như nhìn thấy trên thân tàu.

Một tàu chở dầu đang bốc cháy ở biển Ô-man, Thứ Năm, ngày 13-6-2019

Về quan hệ Mỹ-Iran

Thư ký Hội đồng an ninh Nga Patrushev còn so sánh những nỗ lực "không thể chấp nhận" của Mỹ nhằm chứng minh Iran là mối đe dọa đối với khu vực với những hành động của các tổ chức khủng bố như IS.

Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia MỹJohn Bolton đã lần lượt đề cập vào vấn đề quan hệ song phương giữa Washington và Tehran, vốn đang trong tình trạng đi xuống, bằng cách nói rằng "sự im lặng" của Iran đối với các đề nghị đàm phán của Mỹ là hành động “giả câm giả điếc".

"Tổng thống Mỹ mở cửa cho các cuộc đàm phán thực sự. Tất cả những gì Iran cần làm là đi qua cánh cửa đó", ông Bolton nói.

Mối quan hệ giữa hai quốc gia trở nên tồi tệ hơn sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt các lệnh trừng phạt đối ở các lĩnh vực năng lượng, ngân hàng và vận chuyển của Tehran. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Iran ký một thỏa thuận mới với Washington để đảm bảo rằng nước này sẽ không có vũ khí hạt nhân, điều mà thỏa thuận trước đó không đạt được, nhưng bất chấp áp lực đưa ra từ phía Mỹ, Tehran đã từ chối đàm phán.