Nga bước đầu thành công với sắc lệnh "hộ chiếu hóa" khu vực Donbass

ANTD.VN - Gần 2 tháng kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ban hành Sắc lệnh đơn giản hóa việc cấp hộ chiếu cho cư dân khu vực Donbass vào ngày 24-4, đã có tới gần 15.000 người dân nộp đơn xin nhận hộ chiếu Nga. Từ khi mở các trung tâm cấp hộ chiếu mới tại khu vực, mỗi ngày phía Nga tiếp nhận hàng trăm đơn xin nhập quốc tịch của cư dân vùng Donbass.

Bước đầu thành công

Sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký Sắc lệnh đơn giản hóa việc cấp hộ chiếu Nga vào cuối tháng 4-2019, hàng vạn người dân thuộc Cộng hòa Donetsk và Lugansk (miền Đông Ukraine) đã nộp đơn xin đăng ký.

Ngày 8-6, người đứng đầu chính quyền nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), ông Pushilin cho biết, trong vòng gần 2 tháng qua, các cơ quan chức năng của DPR đã tiếp nhận khoảng hơn 8.000 đơn xin nhập quốc tịch Nga (bắt đầu tiếp nhận từ ngày 3-5). Trong số đó, đã có hơn 7.000 hồ sơ đã được phê duyệt và gửi đến cơ quan chức năng của Nga để xử lý.

Tổng thống Vladimir Putin ký Sắc lệnh đơn giản hóa việc cấp hộ chiếu Nga vào cuối tháng 4 vừa qua (Nguồn: RIA Novosti)

 Ông Pushilin bình luận về những khiếu nại của cư dân Donbass về chuyện xếp hàng dài để nộp giấy tờ: "Thực tế này trước hết do rất đông cư dân có nguyện vọng nên các cơ quan chức năng giải quyết không xuể". Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, chính quyền DPR đang tiến hành các cuộc họp  thường xuyên để kịp thời tổng hợp và khắc phục hạn chế, nhất là sửa chữa lỗi kỹ thuật phát sinh. Bộ Thông tin-Truyền thông PDR đang "gánh vác" nhiệm vụ xử lý khâu "xếp hàng điện tử".

Trong khi đó, tin đưa từ Cộng hòa Nhân dân tự xưng Lugansk (LPR) cho biết, chỉ tính đến hạ tuần tháng 5-2019, đã có khoảng 2.000 cư dân nộp đơn xin hộ chiếu Nga. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ của LPR Paraskeev phát biểu trong phiên họp làm việc ngày 24-5, chỉ trong 2/3 thời gian của tháng 5, đã có khoảng 2.000 công dân của LPR nộp đơn xin đăng ký quyền công dân Liên bang Nga.

Như vậy, tính đến thời điểm này (cuối tháng 6-2019), con số trên có thể đã được nâng cao rất nhiều ở LPR, tính rộng ra cả vùng Donbass có lẽ đã tới khoảng 15.000 người nộp đơn xin nhận hộ chiếu Nga. Đây được coi là bước thành công ban đầu của Tổng thống Vladimir Putin trong việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình tại Ukraine, trước bối cảnh tân Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky nhậm chức, đã tỏ rõ thái độ "bài Nga" trong những động thái gần đây và không ngại thể hiện tham vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Hàm ý của Tổng thống Nga

Theo Sắc lệnh mới của Tổng thống Putin, người dân đang sinh sống tại khu vực Donbass, muốn trở thành công dân Nga chỉ cần nộp đơn xin cấp hộ chiếu và một số giấy tờ như hộ chiếu chứng nhận công dân Donetsk và Luhansk; giấy chứng nhận kết hôn hoặc ly hôn (nếu có); giấy tờ chứng nhận thay đổi họ tên (nếu có); hộ chiếu chứng nhận là công dân nước ngoài, giấy khai sinh của trẻ em có trong đơn xin nhập quốc tịch Nga thì sẽ được giải quyết trong vòng 03 tháng. Ngày 27-4, Tổng thống Putin tiếp tục tuyên bố Nga đang cân nhắc kế hoạch đơn giản hóa thủ tục cấp hộ chiếu Nga cho toàn bộ công dân của Ukraine.

Việc Nga thông qua Sắc lệnh đơn giản hóa việc cấp hộ chiếu cho người dân ở miền Đông Ukraine nhằm: (1) Khẳng định sự "quan tâm, giúp đỡ" của Nga đối với cuộc sống của người dân ở khu vực miền Đông Ukraine, trong đó có việc "bảo vệ các quyền tự do của người dân", tránh nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo trong bối cảnh người dân sinh sống tại DPR và LPR đang bị Chính phủ Ukraine "tước bỏ" mọi quyền công dân. (2) Thăm dò phản ứng của tân Tổng thống Ukraine Zelensky ngay sau khi ông Zelensky vừa giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine vào ngày 21-4 vừa qua để tính toán các bước tiếp theo trong quan hệ với Ukraine, trong đó có việc đàm phán giải quyết tình hình miền Đông Ukraine.

Hai luồng ý kiến trái chiều

Thứ nhất, đa số người dân tại các khu vực DPR và LPR tự xưng tỏ ra vui mừng trước việc Nga thông qua sắc lệnh trên. Lãnh đạo LPR Pasechnik bày tỏ sự cảm ơn đối với quyết định của Tổng thống Putin, đồng thời khẳng định đây là sự kiện quan trọng mà tất cả người dân LPR đã chờ đợi từ lâu. Đặc biệt, trong 2 ngày (29 và 30-4), 2 trung tâm tiếp nhận thông tin đầu tiên đã được mở tại thị trấn Novoshakhtinsk và làng Pokrovskoye, thuộc quận Neklinovsky ở vùng Rostov để cấp hộ chiếu Nga cho hàng trăm người dân ở khu vực miền Đông Ukraine.

Hộ chiếu Nga là mong ước của đông đảo người dân Donbass, Ukraine

Thứ hai, Ukraine và Mỹ/phương Tây: Chính giới Ukraine phản ứng gay gắt với hành động của Nga, tuyên bố sẽ không chấp nhận các hộ chiếu này; cáo buộc Nga đang thực hiện chiến lược "Nga hóa", "xâm lược mềm" các khu vực có đông người gốc Nga như đã từng xảy ra tại Abkhazia, Nam Ossetia (Gruzia năm 2008), Pridnestrovie (Moldova) và Crưm (năm 2014).

Phái đoàn Ukraine tại Liên Hợp quốc đã gửi thư đề nghị Tổng thư ký Liên Hợp quốc cho lưu hành rộng rãi Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ukraine với nội dung phản đối quyết định đơn phương của Nga, đồng thời đề nghị các đối tác quốc tế không công nhận, không chấp nhận các giấy tờ Nga cấp cho công dân Ukraine tại vùng "đang bị Nga chiếm đóng" và tăng cường trừng phạt nga.

Ngày 13-5, Ngoại trưởng Ukraine Klimkin tuyên bố "Ukraine sẽ từ chối tuân thủ thỏa thuận Minsk nếu EU giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt chống Nga" để phản đối việc Nga bắt đầu cấp hộ chiếu cho cư dân DPR và LPR. Thủ tướng Ukraine Groisman phê chuẩn Nghị quyết áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mới vào Nga vào ngày 15-5 vừa qua, theo đó cấm nhập khẩu từ Nga một số loại hàng hóa nhất định và áp dụng nhiều loại thuế đặc biệt đối với hàng hóa Nga từ 1/8 tới.

Ngày 20-5, Tổng thống Ukraine Zelensky cũng đã chỉ trích động thái trên của Nga, đồng thời đưa ra cam kết sẽ ưu tiên việc bảo vệ và lấy lại lòng tin của người dân ở miền Đông Ukraine đối với chính quyền, trong đó có việc đảm bảo phúc lợi tốt nhất về an sinh xã hội cho người dân.

Ông Zelensky cũng tiến hành một số hành động thể hiện thái độ cứng rắn trong vấn đề miền Đông Ukraine như kêu gọi Mỹ thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống Nga, khẳng định Washington "vẫn là đối tác chính của Ukraine trong việc vượt qua sự xâm lược của Nga"; bất ngờ thăm một số đơn vị quân đội Ukraine đóng ở Luhansk để cổ vũ, khích lệ tinh thần binh sỹ, khẳng định quyết tâm giành lại lãnh thổ miền Đông Ukraine khỏi sự chiếm đóng của lực lượng ly khai…

Trong khi đó, Mỹ cho rằng, đây là hành động "khiêu khích" nhằm vào chính phủ mới của Ukraine, gây leo thang căng thẳng cho cuộc khủng hoảng tại miền Đông; cáo buộc Nga có ý đồ muốn nhanh chóng thâu tóm các khu vực có đông người nói tiếng Nga sinh sống tại khu vực miền Đông; khẳng định Mỹ luôn ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: "Nga, thông qua hành động vô cùng khiêu khích này, đang tăng cường tấn công vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Các nước EU đồng loạt ra tuyên bố chỉ trích quyết định của Nga và coi đây là hành động tấn công phá hoại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Nhiều nước khác trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang căng thẳng ở miền Đông Ukraine, kêu gọi các bên không hành động đơn phương và tăng cường đối thoại tìm giải pháp; thực thi nghiêm túc thỏa thuận Minsk và các nghị quyết liên quan của Liên Hợp quốc.

Có thể thấy, việc người dân 2 nước cộng hòa này nô nức đi xin nhận quyền công dân Nga diễn ra trong bối cảnh tình hình Ukraine chưa có nhiều chuyển biến tích cực đáng kể nào. Mới đây, Tổng thống đắc cử Ukraine Zelensky thậm chí còn đề cấp đến việc sẽ cấp quyền công dân Ukraine cho tất cả công dân Nga có mong muốn. Tuy nhiên, ông Zelensky sẽ khó có thể làm được điều này bởi ông chưa thể hiện được nhiều trong chính sách từng nêu ra trong chiến lược tranh cử, hơn nữa, ông cũng chưa thâu tóm được quyền lực trong Quốc hội.