Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản đồng thuận gây sức ép với Triều Tiên nhưng tránh phô trương sức mạnh

ANTD.VN -Ngày 3-6, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và người đồng cấp Mỹ Jim Mattis nhất trí duy trì các cuộc tập trận chung thường kỳ ở mức độ không quá ồn ào nhằm giữ bầu không khí hòa bình trong khu vực.    

Trong cuộc gặp song phương tại Singapore ngày 3-6, hai lãnh đạo đứng đầu quân đội đồng minh Mỹ-Hàn Quốc đã thống nhất coi đây là một phần trong kế hoạch “truyền thông chiến lược” nhằm phản ánh các điều kiện an ninh mới liên quan tới Triều Tiên.

Quyết định này đi ngược với chủ trương từ cách đây nửa năm khi Mỹ-Hàn Quốc buộc phải phối trương sức mạnh quân sự khi Triều Tiên có những hành động khiêu khích.

 

 Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và người đồng cấp Mỹ Jim Mattis nhất trí không phô trương sức mạnh quân sự trong thời điểm này

Giới chức Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí về tầm quan trọng của việc tiếp tục gia tăng sức ép với Triều Tiên, tiến hành tập trận chung kể cả trong giai đoạn đàm phán, song sẽ không cho phép truyền thông đưa tin hoặc chỉ đưa ít tin về các hoạt động diễn tập quân sự lớn như vậy.

Ngoài ra, vào thời điểm hiện tại hai nước sẽ "hạn chế đến mức tối thiểu" việc triển khai các vũ khí chiến lược như trên - được xem là vấn đề nhạy cảm đối với Bình Nhưỡng. 

Trước đây, Mỹ thường công khai việc triển khai các vũ khí chiến lược như tàu sân bay, tàu ngầm hoạt động bằng năng lượng hạt nhân và máy bay chiến đầu tàng hình tới Hàn Quốc. 

Cùng ngày, trong cuộc hội đàm 3 bên bên lề Đối thoại Shangri-la, bộ trưởng quốc phòng 3 nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận trong việc hợp tác kêu gọi Triều Tiên tiến hành các bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa. 

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết 3 quan chức quốc phòng đã nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm hối thúc Triều Tiên thực hiện những bước đi cụ thể nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Trả lời câu hỏi liệu 3 bên có chung quan điểm duy trì lập trường cứng rắn đối với Bình Nhưỡng hay không, ông Onodera chỉ nói ngắn gọn: "Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc về cơ bản nhất trí duy trì sức ép". 

Cuộc hội đàm 3 bên Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản bên lề Đối thoại Shangri-la

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho rằng, tại thời điểm hiện nay, việc tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là phương tiện tốt nhất để duy trì hòa bình.

Ông nhấn mạnh chỉ giảm bớt các biện pháp trừng phạt "khi Triều Tiên thể hiện các động thái có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược hướng tới phi hạt nhân hóa". Theo đó, các cường quốc khu vực cần tiếp tục thực thi tất cả các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên. 

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Yong-moo nói ông "khá thận trọng" do các hành xử của Triều Tiên trong quá khứ. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra "những bước đi tích cực" mà Bình Nhưỡng thực hiện gần đây, dường như ám chỉ việc Triều Tiên trả tự do cho 3 công dân Mỹ và việc phá bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri.

Theo ông Song Yong-moo, các nước có thể hy vọng vào một tương lai tươi sáng và phải tận dụng cơ hội này