Mỹ tin tưởng Triều Tiên tôn trọng thỏa thuận phi hạt nhân hóa

ANTD.VN - Trong bối cảnh dấy lên nhiều đồn đoán về những bất đồng có thể gây nguy cơ cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách trấn an bằng tuyên bố tin tưởng Triều Tiên tôn trọng thỏa thuận phi hạt nhân hóa đã ký với Mỹ. 

Mỹ tin tưởng Triều Tiên tôn trọng thỏa thuận phi hạt nhân hóa ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol ngày 7-7 

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đưa ra trong bối cảnh Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Đảng Cộng hòa trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News lên tiếng cáo buộc “Trung Quốc đang lôi kéo Triều Tiên” để giành lợi thế trong tranh chấp thương mại Mỹ - Trung. Trong một bình luận trên Twitter, Tổng thống Mỹ  Donald Trump nêu rõ:  “Tôi tự tin rằng ông Kim Jong-un sẽ tôn trọng thỏa thuận chúng tôi đã ký kết”.

Sau cái bắt tay lịch sử của Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên ở Singapore, mọi chuyện không hoàn toàn diễn ra như mong đợi. Trong khi Bình Nhưỡng tuyên bố công khai rằng họ chỉ ủng hộ lộ trình phi hạt nhân hóa “theo từng giai đoạn và đồng bộ”, thì Washington muốn ép Triều Tiên phải dừng chương trình hạt nhân ngay lập tức.

Trong con mắt nghi ngờ của Bình Nhưỡng, không thể không cảnh giác với ý đồ của Washington áp dụng mô hình lật đổ Chính phủ kiểu Lybia và Iraq đối với Triều Tiên. Vì thế, vũ khí hạt nhân vẫn có vai trò như con bài răn đe để làm đối trọng với Mỹ trong tình huống xấu. Điều đó giải thích tại sao giới tình báo Mỹ có những phân tích cho rằng Bình Nhưỡng thực ra vẫn đang phát triển vũ khí hạt nhân. 

Những hình ảnh vệ tinh thương mại từ nhóm 38North thuộc Trung tâm nghiên cứu The Stimson Center đang khiến Lầu Năm góc nghi ngờ Bình Nhưỡng trên thực tế vẫn tiếp tục sản xuất nhiên liệu cho vũ khí hạt nhân tại một số địa điểm được giấu kín như Trung tâm Nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon. Trang tin NBC News thậm chí còn nhận định nỗ lực của Triều Tiên thực chất là nhằm đạt được nhượng bộ của Nhà Trắng, hơn là việc từ bỏ kho vũ khí nguyên tử đã dành nhiều năm phát triển.

Trong khi đó, bối cảnh quốc tế lại đang có những diễn biến bất lợi cho tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Trong khi muốn Bắc Kinh đứng về phía mình trong cuộc đàm phán với Triều Tiên, Washington lại tỏ ra hết sức cứng rắn với Trung Quốc về thương mại. “Cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế” đã được Mỹ khai hỏa khi Washington quyết định áp mức thuế mới với các mặt hàng nhập khẩu trị giá hàng trăm tỷ USD từ Trung Quốc. Điều gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh tìm cách “gây sức ép” lên Bình Nhưỡng nhằm trả đũa việc Mỹ áp thuế lên hàng Trung Quốc?

Quan ngại càng gia tăng sau những phát biểu “lệch pha” của Washington và Bình Nhưỡng về kết quả các cuộc đàm phán tại Bình Nhưỡng trong chuyến công cán đến Triều Tiên hôm 5-7 vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Những diễn biến đó khiến dư luận lo ngại Mỹ sẽ có hành động cứng rắn với Triều Tiên trong thời gian tới. Tuy nhiên có thể thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc chắn không muốn thành tựu ngoại giao nổi bật của mình trong một năm rưỡi cầm quyền - kéo được Triều Tiên ngồi vào đàm phán ở cấp cao nhất tan thành mây khói, nhất là khi cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ đã cận kề. Hơn ai hết Tổng thống Mỹ Donald Trump hiểu rằng, sự nghi kỵ và đối đầu kéo dài hơn 6 thập kỷ qua giữa Mỹ và Triều Tiên không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Khi mọi việc chưa vượt ra khỏi vòng kiểm soát thì chẳng nên làm điều gì khiến tình hình phức tạp thêm.