Mỹ hoãn thử nghiệm tên lửa PrSM do lo sợ vi phạm INF

ANTD.VN - Quân đội Mỹ sẽ trì hoãn việc thử nghiệm hệ thống vũ khí tấn công chính xác (PrSM) cho tới cuối năm 2019. Điều này sẽ giúp Lầu Năm Góc không vi phạm Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) chuẩn bị chấm dứt vào ngày 2-8.

Nhà Trắng đã kích hoạt tiến trình rút khỏi hiệp ước INF kéo dài 6 tháng từ đầu năm 2019 sau khi cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận này. Tuy nhiên, Nga đã phủ nhận cáo buộc, đồng thời tố Mỹ đã nghiên cứu sẵn nhiều loại vũ khí vi phạm INF từ cách đây nhiều năm.

Đến ngày 2-8, hiệp ước trên sẽ chính thức hết hiệu lực và cả Nga và Mỹ cùng có thể triển khai các loại tên lửa trên bộ tầm bắn từ 500km đến 5.500km.

Một trong những loại vũ khí của Mỹ bị Nga cáo buộc vi phạm INF là hệ thống vũ khí tấn công chính xác (PrSM).

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang coi chương trình này là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của quân đội: “Trong trường hợp Nga không trở lại tuân thủ INF, chúng ta phải phát triển các hệ thống vũ khí tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất. Thất bại trong việc đó sẽ khiến đồng minh đặt câu hỏi về khả năng của Mỹ trong việc đảm bảo Nga không thể trục lợi từ việc vi phạm INF”.

Hai nhà thầu quốc phòng Mỹ là Raytheon và Lockheed Martin đang cạnh tranh cho hợp đồng béo bở này nhằm tạo ra loại vũ khí cho phép quân đội Mỹ tấn công vào sâu trong lãnh thổ của đối phương.

Giám đốc chương trình vũ khí tấn công chính xác tầm xa (LRPF) John Rafferty cho biết, PrSM sẽ có tầm bắn khoảng trên 500km, tức vừa vượt qua giới hạn của INF.

Phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược vào hôm 17-7, ông Rafferty tiết lộ việc trì hoãn thử nghiệm hệ thống PrSM một phần do các vấn đề kĩ thuật và Mỹ chưa hoàn toàn rút khỏi INF. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng muốn PrSM được sử dụng như một thế hệ tên lửa chống hạm mới.

Quân đội Mỹ đang hy vọng có thể hoàn thành thử nghiệm PrSM và triển khai nó vào năm 2023 nhằm thay thế cho hệ thống tên lửa phóng loạt cấp chiến thuật như HIMARS và MLRS.