Mỹ gia tăng áp lực khi Trung Quốc ngày càng cạnh tranh ở Trung Đông

ANTD.VN - Hôm 13-5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bất ngờ đến Israel. Thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh chuyến thăm nhằm đẩy mạnh hợp tác song phương về đại dịch Covid-19 và các vấn đề an ninh trong khu vực nhưng báo chí địa phương đã để ý đến một mối quan tâm khác của nước Mỹ: Israel có mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Trung Quốc. 

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Jerusalem Post vào tháng trước, Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman cảnh báo rằng Trung Quốc sử dụng các dự án đầu tư để “xâm nhập” các nước khác. 2 tuần sau chuyến thăm của ông Pompeo, Israel tuyên bố sẽ từ chối đề nghị của Trung Quốc về xây dựng một dự án khử mặn mới nhất.

Một quan chức Mỹ vào tháng 5 đã giải thích rằng, không chỉ là Israel, “chúng tôi có những cuộc trò chuyện tương tự với tất cả các đồng minh và đối tác khác của chúng tôi”. Việc Mỹ gây áp lực từ chối dự án có Trung Quốc đầu tư giờ đây có thể buộc một số quốc gia Trung Đông phải lựa chọn khó khăn, bởi sự cạnh tranh giữa các cường quốc một lần nữa đe dọa biến khu vực này thành một “sàn đấu”. Vậy họ có thể phản ứng thế nào khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang?

Mỹ gia tăng áp lực khi Trung Quốc ngày càng cạnh tranh ở Trung Đông ảnh 1Nhà máy biến nước biển thành nước ngọt ở Hadera. Tháng trước, Israel đã không chọn nhà thầu Trung Quốc tham gia dự án nhà máy khử mặn lớn nhất nước này

Chiến lược của Trung Quốc tại Trung Đông

Năm 2016, Trung Quốc đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Ảrập Saudi và Iran trong cùng một tuần. Trung Quốc cũng có quan hệ tốt với Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất và Qatar, đồng thời tuyên bố ủng hộ các lãnh thổ của Palestine và Israel.

Washington có thể buộc các nước Trung Đông đứng về phía Bắc Kinh? Không thể. Đầu tiên, mặc dù Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng của Trung Đông, nhưng không một quốc gia Trung Đông nào là đối trọng lớn đối với Bắc Kinh. Hơn thế, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất đối với một số quốc gia Trung Đông và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất.

Khả năng các nước trong khu vực hợp tác chống lại Trung Quốc cũng không thể. Qatar và khối Saudi-UAE vốn căng thẳng kéo dài. Trung Đông cũng không có bất kỳ diễn đàn đa phương có ý nghĩa nào giống như ở châu Âu hay Đông Nam Á, giữa họ có một số mối quan hệ song phương rất bất đối xứng do mức độ phát triển và năng lực khác nhau.

Tổng thống Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama đều cáo buộc Trung Quốc hưởng lợi do được Mỹ bảo vệ các nguồn cung cấp dầu chiến lược ở Trung Đông. Trên thực tế, nếu Trung Quốc bước lên để đóng vai trò tích cực hơn trong khu vực này, Bắc Kinh chắc chắn sẽ muốn có tiếng nói lớn hơn trong việc thiết lập các quy tắc mới trong khu vực. Tuy nhiên, họ đã chọn cách tiếp cận phòng ngừa chiến lược, xây dựng sự hiện diện kinh tế và chính trị trong khi tránh vai trò an ninh lớn hơn. 

Quan hệ tay ba Mỹ - Trung Quốc - Israel

Một năm về trước, ông Pompeo đã cảnh báo rằng đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc vào Israel có thể ảnh hưởng xấu đến hợp tác an ninh với Mỹ. Ông Jonathan Fulton - Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Zayed ở Abu Dhabi và là thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương đánh giá, cũng như với các quốc gia Trung Đông khác, Trung Quốc đang xây dựng một nền tảng kinh tế mạnh mẽ cho mối quan hệ với Israel, củng cố tăng trưởng thương mại đều đặn đến mức dự kiến sẽ vượt qua Mỹ trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Israel. 

Năm 2015, Tập đoàn cảng quốc tế Thượng Hải đã giành được hợp đồng 25 năm để quản lý cảng Haifa. Mỹ càng coi việc Trung Quốc đầu tư hoặc quản lý cơ sở hạ tầng quan trọng là mối đe dọa, đặc biệt là cơ sở hạ tầng phục vụ Hải quân. 

Trung Quốc đã tăng cường ngoại giao viện trợ cho các đối tác Trung Đông trong bối cảnh bị cuốn vào tranh cãi với Mỹ liên quan đến đại dịch Covid-19. Các nước Trung Đông quan tâm đến những gì Trung Quốc cung cấp, và Trung Quốc có vẻ hài lòng với hiện tại. Theo Giáo sư Jonathan Fulton, nếu Mỹ yêu cầu các đối tác Trung Đông của mình lựa chọn giữa họ và Trung Quốc, kết quả là bên nào có quyền lực cạnh tranh hơn, bên đó sẽ thắng.

“Các dự án Vành đai và Con đường Trung Quốc cho thấy, các khu công nghiệp và cảng đầu tư phác họa sự hiện diện của Trung Quốc tại Trung Đông trong tương lai. Phạm vi của các khoản đầu tư này nói lên một điều rằng, Trung Quốc sẽ không từ bỏ lợi ích của mình ở khu vực này cho dù Mỹ gia tăng áp lực”.

Ông Jonathan Fulton (Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Zayed ở Abu Dhabi)