Mỹ cảnh báo: IS đang hồi sinh ở Syria

ANTD.VN - Theo báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc về cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), thì IS đang "hồi sinh" ở Syria chỉ chưa đầy 5 tháng sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố nhóm khủng bố này đã bị đánh bại hoàn toàn.

Một báo cáo công bố ngày 6-8 cho biết, mặc dù đã mất đi phần lãnh thổ của mình, nhưng tổ chức IS đã củng cố khả năng nổi dậy ở Iraq và đang hồi sinh ở Syria.

Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần đề cao vai trò của chính quyền Mỹ trong việc tấn công quyết liệt nhóm khủng bố và loại bỏ chúng ra khỏi các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Mỹ. Trong một cuộc họp nội các vào tháng trước, ông Trump đã nói: “Chúng ta đã đánh bại hoàn toàn đế chế khủng bố này và nhanh chóng rút khỏi Syria".

Nhưng chính việc rút một phần quân đội Mỹ khỏi Syria đã tác động không nhỏ đến cuộc chiến chống lại tàn quân của IS, khiến cho các đồng minh địa phương khó khăn hơn và tước đi khả năng giám sát các khu vực được coi là khu vực tuyển quân tiềm năng của tổ chức khủng bố IS.

Mỹ cảnh báo: IS đang hồi sinh ở Syria ảnh 1

Các phiến binh của tổ chức khủng bố IS

Báo cáo từ Tổng thanh tra của Chiến dịch Operation Inherent Resolve (tạm dịch là Chiến dịch nhổ tận gốc), tên chính thức của chiến dịch tiêu diệt tổ chức khủng bố IS do Mỹ lãnh đạo trong giai đoạn từ ngày 1-4 đến ngày 30-6-2019 cho biết: "Việc giảm số lượng binh lính Mỹ đã làm giảm sự hỗ trợ dành cho các lực lượng đồng minh ở Syria trong bối cảnh các lực lượng này đang cần được huấn luyện và trang bị nhiều hơn nhằm đối phó với sự hồi sinh của IS".

Việc Mỹ rút quân khỏi Syria khiến các đồng minh không thể giám sát chặt chẽ trại tị nạn Al-Hol, nơi cư trú tạm thời của những người phải li hương do chiến tranh, điều này gián tiếp tạo cơ hội lan truyền và không thể kiểm soát "hệ tư tưởng IS” trong nhóm người này, giúp IS có cơ hội bổ sung lực lượng từ chính nạn dân.

Mỹ cảnh báo: IS đang hồi sinh ở Syria ảnh 2

Một đội tuần tra an ninh nội bộ hộ tống những người phụ nữ, được cho là vợ của các phiến binh IS, trong trại Al Hol ở miền đông Syria (Ảnh AFP)

Ở thời kỳ đỉnh cao của chiến dịch tại Syria, Mỹ đã điều 3.000 binh lính đến để cố vấn và huấn luyện tăng cường cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn. Chính lực lượng này là nòng cốt trong các chiến dịch “quét sạch” phiến quân IS khỏi các thị trấn trên khắp vùng đông bắc Syria. Hiện tại, số lượng lính Mỹ đã giảm đáng kể, tuy nhiên các quan chức Lầu Năm Góc không đưa ra con số thống kê chính thức về số binh lính hiện còn đồn trú ở Syria.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ duy trì một số lượng binh lính vừa đủ ở lại Syria trong một thời gian chưa xác định, để giúp đảm bảo tiêu diệt mọi tàn dư của IS.

"Chúng tôi sẽ sớm rút quân, tạo cơ hội cho Syria giải quyết những vấn đề của riêng họ với Iran, Nga, Iraq, và Thổ Nhĩ Kỳ", ông Trump tuyên bố.

Bên cạnh mối lo ngại về sự "hồi sinh" của IS, các quan chức Lầu Năm Góc đã bày tỏ quan ngại về việc cuộc chiến chống IS sẽ bị suy yếu khi Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch tấn công quân sự nhắm vào các đồng minh người Kurd của Mỹ ở đông bắc Syria. Bởi trong cuộc chiến này, không ai khác, mà chính lực lượng người Kurd là một trong những nhân tố chính góp phần không nhỏ trong các chiến dịch tấn công, tiêu diệt IS do Mỹ đứng đầu.

Những hành động của Thổ Nhĩ Kỹ đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của Mỹ. Washington không ngần ngại tuyên bố những kế hoạch trên của Thổ Nhĩ Kỳ là "không thể chấp nhận được", đồng thời bày tỏ quan ngại về việc binh lính Mỹ có thể bị tấn công và những tù nhân IS có thể nhân cơ hội hỗn loạn mà trốn thoát nếu những cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ được tiến hành.

Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ ở núi Barsaya, đông bắc Afrin của Syria (Ảnh Reuters)

IS ở Iraq cũng là một thách thức lớn đối với Mỹ. Tháng trước liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu đã thực hiện 33 cuộc không kích và nã pháo vào các máy bay chiến đấu, căn cứ, kho vũ khí và phương tiện của tổ chức khủng bố này ở Iraq.