Lời kêu gọi toàn cầu trong cuộc chiến với Covid-19

ANTD.VN - Cuối cùng thì sau nhiều ngày cân nhắc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định công bố dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) là đại dịch toàn cầu. Cuộc chiến với căn bệnh chết người này đã bước sang một giai đoạn mới cấp bách và quyết liệt hơn.

Lời kêu gọi toàn cầu trong cuộc chiến với Covid-19 ảnh 1Tổng giám đốc WHO Tedros (giữa) trong buổi họp báo công bố Covid-19 là đại dịch

Hồi chuông cảnh báo to và rõ ràng

Phát biểu trong cuộc họp báo ở Thụy Sĩ trước khi tuyên bố Covid-19 là đại dịch, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc cả về mức độ lây lan nghiêm trọng và đáng báo động của nó, cũng như mức độ đáng báo động của việc không hành động. Chúng tôi gióng lên hồi chuông cảnh báo to và rõ ràng”.

Theo định nghĩa mà WHO đưa ra năm 2010, đại dịch là “sự lây lan trên toàn thế giới của một căn bệnh mới” có ảnh hưởng đến một số lượng lớn người. Lần gần nhất WHO tuyên bố một đại dịch là vào năm 2009 khi bùng phát dịch cúm H1N1. Dịch bệnh có nguồn gốc từ lợn này đã lan rộng trên 160 quốc gia ở cả 5 châu lục với hàng trăm nghìn trường hợp mắc, hơn 1.000 trường hợp tử vong. Năm 2003, Hội chứng suy hô hấp cấp (SARS) do một chủng virus Corona gây ra cũng bùng phát mạnh mẽ trên thế giới nhưng không được gọi là đại dịch vì được kịp thời ngăn chặn.

Với Covid-19, từ cuối tháng 2-2020, WHO đã nâng mức cảnh báo lây nhiễm và ảnh hưởng của nó từ mức “cao” lên “rất cao” trên quy mô toàn cầu, nhưng vẫn giới hạn là dịch bệnh (epidemic) chứ chưa dùng tới từ đại dịch (pandemic). Thế nhưng đến nay, khi dịch đã lan ra 118 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 120.000 người nhiễm, 4.634 người đã tử vong (tính đến ngày 12-3), quy mô tác động của Covid-19 đã mang tính toàn cầu.

Không những thế, theo tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia (Mỹ), Covid-19 gây tử vong gấp 10 lần so với cúm theo mùa và điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Thêm vào đó, mặc dù số ca nhiễm bệnh mới cũng như số bệnh nhân thiệt mạng ở Trung Quốc - nơi bùng phát Covid-19 đã giảm mạnh trong hai tuần gần đây nhưng số lượng ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đã tăng 13 lần và số quốc gia bị ảnh hưởng tăng gấp 3. 

Theo con số thống kê mới nhất, Italia hiện đang là ổ dịch lớn thứ 2 sau Trung Quốc, với hơn 10.000 trường hợp nhiễm bệnh. Tiếp đó là Iran với 9.000 người và Hàn Quốc là gần 8.000 người. Tốc độ lây lan Covid-19 tại Mỹ cũng tăng nhanh. Hiện nước này đã có 1.050 ca nhiễm ở ít nhất 36 tiểu bang. Trên quy mô toàn cầu, theo đánh giá của Tổng Giám đốc WHO Tedros, số lượng ca nhiễm, ca tử vong và các quốc gia chịu ảnh hưởng sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.

Lời kêu gọi toàn cầu trong cuộc chiến với Covid-19 ảnh 2Các chuyến bay giữa Mỹ và châu Âu đã bị hủy bỏ 

Những biện pháp mạnh ngăn Covid-19 lan rộng

Thách thức trong cuộc chiến với Covid-19 đang đè nặng lên thế giới. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc nỗ lực đối  phó với nó khó có kết quả. Đi liền với công bố đại dịch, Tổng Giám đốc WHO cảnh báo: “Đại dịch không phải là một từ để sử dụng một cách dễ dàng hay bất cẩn. Đó là một từ mà nếu bị lạm dụng có thể gây ra nỗi sợ hãi vô lý hoặc sự chấp nhận một cách vô lý rằng cuộc chiến đã kết thúc, dẫn đến đau khổ và chết chóc không cần thiết”. 

Còn theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, khoa học đã cho thấy nếu các nước phát hiện, thử nghiệm, điều trị, cách ly, giám sát và huy động toàn dân ứng phó, thế giới có thể tiến một bước dài trong việc giảm thiểu sự lây nhiễm. Chính vì thế ông  Guterres cho rằng: “Việc WHO tuyên bố đại dịch là một lời kêu gọi hành động gửi tới mọi người ở mọi nơi trên thế giới. Chúng ta vẫn có thể chặn đứng diễn tiến của đại dịch này, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc phải hành động. Tôi kêu gọi tất cả các chính phủ tăng cường các nỗ lực ngay từ bây giờ”.

Ngay sau công bố đại dịch của WHO, nhiều nước đã có biện pháp mạnh tay để ngăn chặn Covid-19 lan rộng. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định ngừng mọi hoạt động đi lại từ châu Âu (trừ Anh) trong vòng 30 ngày. Trước đó, quốc hội Mỹ đã phê duyệt gói 8,3 tỷ USD để chính quyền của ông Donald Trump hỗ trợ đất nước trước dịch Covid-19. Ông Trump cũng đã có những đề xuất về chính sách tài khóa, bên cạnh việc nới lỏng chính sách tiền tệ đến từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Tại Nhật Bản, trong phiên họp toàn thể ngày 12-3, Hạ viện nước này đã thông qua dự luật cho phép Thủ tướng ban bố tình trạng khẩn cấp nếu Covid-19 lây lan nhanh, tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân và nền kinh tế. Một khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, thống đốc các tỉnh, thành phố ở Nhật Bản có quyền hạn rất lớn như: chỉ thị cho người dân địa phương phải ở trong nhà, yêu cầu đóng cửa các trường học, hủy bỏ các sự kiện lớn, yêu cầu các nhà sản xuất nhu yếu phẩm thiết yếu như dược phẩm và lương thực bán hàng hóa cho người dân, tạm thời sung công đất đai và các cơ sở của tư nhân để xây dựng cơ sở y tế chữa trị.

Ở Việt Nam, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta đã chủ động và tích cực đối phó với Covid-19 ngay từ đầu. Việt Nam đã chiến thắng trong chiến dịch mở màn, trong giai đoạn đầu của “cuộc chiến” khi hạn chế tối đa sự lây lan của virus trong cộng đồng. Nay, khi tâm dịch đã không chỉ còn Trung Quốc mà là nhiều nước thì cách đối phó cũng phải thay đổi. Việt Nam đã chủ động bước vào giai đoạn 2 của nỗ lực phòng chống Covid-19 với mục tiêu ngăn chặn sự thâm nhập của dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước đây.

Trong biện pháp mới nhất, Chính phủ Việt Nam đã quyết định tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân 8 nước châu Âu gồm Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha từ 12-3. Trước đó, Việt Nam đã tạm dừng miễn thị thực với công dân Hàn Quốc từ 29-2, công dân Italia từ 3-3. Việt Nam cũng đã xây dựng sẵn kịch bản ứng phó với tình huống có hàng ngàn ca nhiễm bệnh.