Loay hoay với “bom nổ chậm nợ”

ANTĐ - Không phải là cuộc khủng hoảng nợ công nhưng Canada đang phải đối phó với nguy cơ một cuộc khủng hoảng nợ không kém phần nguy hiểm. Đó là cuộc khủng hoảng nợ của các hộ gia đình.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng nợ

của các hộ gia đình với nền kinh tế Canada

Nợ của các hộ gia đình Canada cao kỷ lục tới mức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) Mark Carney ngày 8-4 đã phải lên tiếng cảnh báo rằng đây là một trong những nguy cơ hàng đầu đe dọa nền kinh tế quốc gia. Trong khi đó, theo Cơ quan Thống kê Canada, số liệu cho thấy các hộ gia đình ở nước này vẫn tiếp tục đi vay nhiều hơn khả năng chi trả của họ, bất chấp những cảnh báo của BoC.

Hiện nợ của các hộ gia đình Canada đã lên mức trên 150% thu nhập sau thuế. Con số này đã không hề giảm so với thống kê đưa ra cuối năm 2011 khi tỷ lệ nợ trên thu nhập cá nhân - thước đo chính về khả năng tài chính của người tiêu dùng Canada - trong quý III/2011 đã tăng lên 152,98% so với mức tăng 150,57% của quý trước đó. Đó cũng là quý thứ 3 liên tiếp tỷ lệ nợ của các hộ gia đình tăng ở Canada. 

Tới cuối năm vừa qua, các khoản vay thế chấp tại Canada đã tăng lên 1.000 tỷ đôla Canada (CAD) trong khi các khoản vay tiêu dùng khác tăng lên 448 tỷ CAD. Cùng lúc đó, giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình Canada đã giảm 2,1% xuống 6.200 tỷ CAD, quý giảm thứ hai liên tiếp khi giá trị chứng khoán giảm nhiều hơn mức tăng giá nhà. Đây cũng là mức giảm lớn nhất trong một quý kể từ quý IV/2008. 

Chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Hoàng gia Canada (RCB) David Onyett-Jeffries cho rằng, mức tăng tín dụng tiếp tục vượt quá mức tăng thu nhập, trong khi những biến động hiện nay của thị trường tài chính đã ảnh hưởng đến giá trị tài sản của người dân nước này. Tính ra, khoảng 10% số hộ gia đình Canada hiện dễ bị tổn thương trước những cơn sốc kinh tế, có nghĩa rằng họ sẽ gặp khó khăn nếu lãi suất tăng lên. 

Giới kinh tế cảnh báo, nếu không có biện pháp hữu hiệu, tỷ lệ nợ các hộ gia đình của các hộ gia đình Canada có thể lên đến mức gần 160% thu nhập sau thuế. Đây cũng chính là mức mà cuộc khủng hoảng nợ cho vay dưới chuẩn bùng nổ tại Mỹ hồi năm 2008, dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế tồi tệ nhất tại cường quốc kinh tế số một thế giới trong vòng 7 thập kỷ qua.

Các ngôi nhà rao bán và cho thuê xuất hiện ngày càng nhiều ở Canada

BoC đã xác định tỷ lệ lãi suất thấp đã khiến các hộ gia đình Canada đua nhau vay tiền để mua nhà. Thế nhưng, BoC hiện đang đau đầu trong việc tìm giải pháp tháo “quả bom nổ chậm” nợ của các hộ gia đình bởi nếu tăng lãi suất để chặn dòng tiền vay thì lo ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế, còn nếu giữ nguyên lãi suất 1% thì lại sợ không kìm hãm được quả bong bóng nợ bất động sản đang ngày càng phình to. 

Song trước “những nguy cơ hàng đầu đe dọa nền kinh tế quốc gia”, Thống đốc Mark Carney cho rằng BoC buộc phải cân nhắc các chính sách tiền tệ để đối phó với tình trạng nợ cao của các hộ gia đình hiện nay cho dù việc tăng lãi suất có thể làm chậm lại tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Trong khi đó, Bộ Tài chính Canada cũng đang nỗ lực làm giảm bong bóng nhà đất bằng cách thắt chặt quy định cho vay thế chấp. Công ty Cổ phần thế chấp nhà ở (CMHC) và Văn phòng Tổng giám đốc của các tổ chức tài chính (OSFI) cũng đã sẵn sàng cho tình huống chính sách cho vay thế chấp thay đổi.