Liên minh do Nga "dẫn đầu" trợ lực Venezuela trước thách thức của Mỹ

ANTD.VN - Trong bối cảnh những tháng gần đây, chính quyền Venezuela liên tiếp chịu các sức ép lớn về kinh tế, tài chính, ngoại giao từ Chính phủ Mỹ và phe đối lập (đứng đầu là thủ lĩnh Juan Guaido), Nga, Iran và Cuba đã và đang làm gì để giúp bảo vệ chế độ của Tổng thống Nicolas Maduro?

Quốc gia dầu mỏ Venezuela đang phải trải qua cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trong lịch sử nước này và sự đối đầu chính trị giữa Tổng thống Maduro và lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido (người được Mỹ hậu thuẫn khi công nhận là Tổng thống tự xưng vào ngày 23-1-2019).

Ngày 30-4 vừa qua, Thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido đã nhận thất bại ê chề trong chiến dịch kêu gọi cuộc nổi dậy có vũ trang nhắm vào ông Maduro. Hiện Venezuela tạm thời giữ được sự ổn định và đang bước đầu khôi phục lại nền kinh tế với sự giúp đỡ của các nước Nga, Iran, Cuba, Trung Quốc...

Sự giúp đỡ của bộ 3 Nga-Iran-Cuba

Tháng 3-2019, một số nguồn tin cho biết, khoảng 100 quân nhân và thiết bị quân sự của Nga đã được đưa tới Venezuela, phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump là yêu cầu "Nga phải rút khỏi Venezuela". Moscow từ chối, nói rằng, quân đội Nga sẽ ở lại Venezuela tới khi nào cần thiết và ở đó chỉ để sửa chữa trang thiết bị quân sự theo hợp đồng từ thời cố Tổng thống Hugo Chavez như hệ thống phòng không S-300 (do Nga sản xuất). Nga cũng bác bỏ những tin tức gần đây cho rằng, Nga đã thông báo với Mỹ về việc họ đang rút nhân viên quân sự ra khỏi Venezuela.

Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị, kinh tế và nhân đạo đang diễn ra ở Venezuela, một liên minh chống Mỹ bao gồm Nga, Cuba và Iran đang hợp tác để chống lại áp lực kinh tế và ngoại giao của Mỹ đối với Tổng thống Nicolas Maduro. Trụ cột của liên minh là Cuba, nước đã cử các chuyên gia an ninh tới giúp đỡ Venezuela từ khi cố Tổng thống Hugo Chavez - người được Chủ tịch Cuba Fidel Castro bảo trợ, lên nắm quyền từ năm 1998.

Nga-Cuba lên án các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Venezuela

Năm 2010, một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ trước Quốc hội về sức mạnh quân sự của Iran đã ghi nhận sự gia tăng hiện diện của Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ở Venezuela. Tổng thống Nicolas Maduro gần đây đã viết một lá thư cho Tổng thư ký Hezbolah Hassan Nasrallah cảm ơn ông này đã hỗ trợ sau khi Nasrallah cam kết cung cấp các chuyên gia quân sự và an ninh để bảo vệ chế độ của ông Maduro. Nasrallah trả lời, đó chỉ là "chuyện nhỏ" mà Hezbellah giúp Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro và cố Tổng thống Hugo Chavez là để trả ơn những gì họ đã dành cho Hezbollah và Iran, đặc biệt là tài trợ cho Hezbollah.

Người Mỹ không chỉ lo ngại trước sự hiện diện của Iran ở Venezuela mà còn trước mối quan tâm ngày càng tăng của Nga trong việc duy trì sự lãnh đạo của Tổng thống Maduro. Moscow gần như một mình tài trợ cho chính phủ ông Maduro, chủ yếu thông qua công ty năng lượng Rosneft, công ty đã chiếm hữu các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Venezuela thông qua các khoản vay lớn. Igor Sechin, Giám đốc điều hành Rosneft, là một trong những người đàn ông quyền lực nhất của Nga, có mối quan hệ thân thiết với Chavez và thường xuyên gặp Tổng thống Maduro.

Giống như ở Syria, Moscow không muốn để các đồng minh của mình sụp đổ, và quân đội được triển khai tới Venezuela không chỉ là dấu duy nhất cho thấy sự tăng cường tham gia quân sự của Nga ở đây. Hồi tháng 1-2019, Hãng Reuters đưa tin, có hàng trăm lính đánh thuê người Nga thuộc nhóm Wagner - từng hiện diện ở Syria, Ukraine, Sudan, Cộng hòa Trung Phi và có thể cả Libya - đã được triển khai tới để bảo vệ Tổng thống Nicolas Maduro. Tin này được công bố một ngày sau khi Nga và Iran thảo luận việc phối hợp ứng phó với cuộc khủng hoảng ở Venezuela, và Nga gần như chắc chắn tận dụng cơ sở hạ tầng của Iran và Cuba để giúp Tổng thống Maduro tiếp tục nắm chính quyền.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro

Hồi tháng 2-2019, Chính phủ Nga đã cấp cho Cuba một khoản tín dụng quân sự trị giá 38 triệu euro và một nhóm Wagner được cho là đã bay đến Venezuela qua Thủ đô Havana (Cuba). Cũng có tin cho rằng, Nga đang tìm cách thiết lập căn cứ quân sự mới ở cả Cuba và Venezuela, điều mà Moskva phủ nhận.

Hồi tháng 4-2019, Iran đã mở một đường bay trực tiếp đến Caracas cho hãng hàng không Mahan Air, một công ty đã bị phần lớn thế giới phương Tây trừng phạt vì bị coi là một hệ thống vận chuyển nhân viên và vũ khí của Lực lượng Quds (Lực lượng đặc nhiệm của Iran). Ngoại trưởng Iran, ông Javad Zarif được cho là đã đề xuất gửi IRGC đến Venezuela để bảo vệ Tổng thống Maduro. Như vậy, hiện linh minh chống Mỹ Nga-Iran-Cuba đang tích cực hỗ trợ Tổng thống Maduro trong việc bảo vệ chế độ, khôi phục kinh tế, qua đó, cũng giành lợi lớn trước Mỹ khi thủ lĩnh phe đối lập J. Guaido gần như không còn đủ năng lực để kêu gọi người dân đứng lên chống lại Chính phủ.

Phản ứng từ phía Mỹ

Nhờ sự giúp đỡ của các nước đồng minh và bạn bè quốc tế, đặc biệt là Nga-Iran-Cuba, các biện pháp trừng phạt của Mỹ (trong âm mưu lật đổ Tổng thống Maduro) đều lần lượt thất bại. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phản ứng tiêu cực khi tiếp hành áp đặt nhiều lệnh trừng phạt lên các nước ủng hộ Tổng thống Venezuela như: Đối với Cuba, Mỹ cấm du khác Mỹ sang Cuba du lịch và ngừng giao dịch kiều hối.

Ngoài ra, nước này còn cho phép Đề mục III của Đạo luật Helms-Burton có hiệu lực. Theo đó, công dân Mỹ được phép đòi bồi thường đối với các tài sản bị chính phủ Cuba tịch thu từ 6 thập niên trước tại Toà án Liên bang Mỹ.

Không chỉ có Cuba, Nga cũng bị Mỹ chỉ trích vì góp phần vào cuộc khủng hoảng ở Venezuela khi giúp đỡ Venezuela bằng cách gửi các chuyên gia kinh tế và quân sự tới. Ngày 11-3-2019, Chính phủ Mỹ thông báo quyết định trừng phạt Ngân hàng liên doanh Evrofinance Mosnarbank của Nga và Venezuela vì tiếp tục có những hoạt động giao dịch với chính quyền Caracas (thông qua đồng tiền điện tử quốc gia Petro), vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với quốc gia Nam Mỹ này và đang cân nhắc thêm các biện pháp trừng phạt Nga và đặc biệt để mắt tới Rosfnet - Công ty dầu mỏ của Nga, đối tác lớn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA).

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 5-2019 cho biết, Mỹ đang làm việc với các đồng minh để gây áp lực lên Cuba với cáo buộc nước này hỗ trợ an ninh và phản gián cho chính quyền ông Maduro.

"Chúng tôi nhìn thấy các sĩ quan quân đội Cuba ở Sebin (cơ quan tình báo Venezuela), trong nhóm bảo vệ Tổng thống, và chúng tôi biết rằng họ có liên quan trực tiếp đến việc đe doạ những người tham gia kế hoạch nổi dậy của ông Guaido”, ông Pompeo cáo buộc. Đồng thời đưa ra lời đe dọa các nước ủng hộ Tổng thống Maduro: "Chúng tôi muốn các nước can thiệp vào Venezuela ngừng ngay các hành động kiểu đó lại. Nếu không sẽ phải nhận hậu quả khôn lường".

Đáp lại những lời đe dọa trên của Mỹ, phía Nga tố cáo những hành động trừng phạt của Mỹ, cáo buộc nước này âm mưu lật đổ Chính quyền Venezuela, đồng thời khẳng định quyết tâm bảo vệ Venezuela đến cùng: "Những lời đe doạ chúng tôi từ phía Mỹ và ông Guaido cũng chẳng hề có tính dân chủ chút nào", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phản bác.

Theo bài phát biểu của Đại sứ Venezuela tại Nga Carlos Rafael Faria Tortosa ngày 21-5-2019 cho biết, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã gây thiệt hại cho Venezuela khoảng 130 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2018 và là một trong những nguyên nhân chính khiến nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn nghiêm trọng.

Đại sứ Venezuela tại Nga Carlos Rafael Faria Tortosa (Nguồn: Oilnow)

Tổng thống Donald Trump ban đầu dường như ủng hộ can thiệp quân sự vào Venezuela. Song, gần đây, ông đã thay đổi quan điểm này khi có cuộc nói chuyện qua điện thoại hồi giữa tháng 5-2019 với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà ông nói đã bảo đảm với ông rằng, Nga không tham gia vào Venezuela. Các quan chức cấp cao của Mỹ cũng đã thất bại trong việc tiến hành lật đổ Chính quyền Tổng thống Maduro bằng biện pháp trừng phạt kinh tế và cô lập ngoại giao.

Giới chuyên gia dự báo, chiến lược của Mỹ tiếp theo đơn giản là duy trì các lệnh trừng phạt và áp lực quốc tế để chờ chế độ của Tổng thống Maduro tự sụp đổ với hy vọng những diễn biến mà Mỹ và lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido đã tạo ra trong thời gian qua, có thể tiến triển tiếp và đem lại những kết quả mới. Can thiệp quân sự rất khó xảy ra, nhưng bất kỳ sự leo thang thiếu tính toán nào hoặc sự sụp đổ đột ngột của chế độ có thể sẽ dẫn tới việc các lực lượng Mỹ phải tham chiến với những người Venezuela và Iran được Nga hậu thuẫn ở ngay tại quốc gia được coi là "sân sau" của Mỹ.