Kỳ bí vụ cựu Chủ tịch Nissan đào tẩu khỏi Nhật Bản

ANTD.VN -Carlos Ghos, với vị trí từng là Chủ tịch của Nissan và Mitsubishi Motors được biết đến như là người khổng lồ của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, nhưng rồi, tháng 11-2018 ông này bị sa thải vì những cáo buộc gian lận tài chính, và giờ đây trở thành kẻ đào tẩu quốc tế, bị Interpol truy nã.

Carlos Ghosn, cựu Chủ tịch hãng ô tô danh tiếng Nissan của Nhật Bản đã nộp 1,5 tỷ yên (khoảng 13,8 triệu USD) hồi tháng 4-2019 để được tại ngoại trong lúc chờ toà án tại Nhật Bản xét xử vì những cáo buộc trốn thế, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Nissan.

Trong thời gian tại ngoại, Carlos Ghosn bị theo dõi 24/24 h bởi camera an ninh lắp đặt ngoài nhà riêng, đồng thời bị hạn chế sử dụng các thiết bị liên lạc, bị tịch thu 3 hộ chiếu và bị cấm đi du lịch nước ngoài.

Cựu Chủ tịch Nissan - Carlos Ghosn

Tuy nhiên, ngay trước thềm năm mới, vị cựu Chủ tịch Nissan đã khiến cả nước Nhật và cơ quan hành pháp nước này bất ngờ khi đột ngột xuất hiện ở Lebanon vào đúng đêm giao thừa cùng với tuyên bố: "Tôi đã thoát khỏi sự bất công và đàn áp chính trị".

Vậy, làm thế nào ông trùm của ngành công nghiệp ô tô lại có thể dễ dàng qua mặt các cơ quan an ninh Nhật Bản để đào tẩu thành công?

Cuộc đào tẩu như trong phim hành động

Truyền thông Lebanon suy đoán, rất có thể ông Ghosn đã trốn khỏi nơi cư trú ở Tokyo nhờ sự hỗ trợ của một nhóm bán quân sự được ngụy trang thành nhóm nhạc.

Một giả thiết cho rằng, một ban nhạc đã biểu diễn tại nhà của cựu Chủ tịch Nissan và ngay sau khi buổi biểu diễn kết thúc, người đàn ông 65 tuổi này đã trốn trong thùng chứa nhạc cụ lớn và được đưa đến sân bay địa phương. 

Ông Carlos Ghosn đã nộp 13,8 triệu USD để được tại ngoại, trước khi đào tẩu khỏi Nhật Bản.

Một nguồn tin khác lại đưa tin, rằng ông này bí mật rời căn hộ với trang phục của 1 thợ điện, lên chiếc máy bay phản lực đã đợi sẵn và bay đến đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đó, Ghosn tiếp tục hành trình đến Beirut, Lebanon và hạ cánh ở đây ngày 30-12.

Hiện chưa có thông tin xác thực về phương cách đào tẩu của ông cựu Chủ tịch Nissan, tuy nhiên những đồn đoán về cuộc đào tẩu ngoạn mục này đang lan truyền một cách chóng mặt trên phương tiện truyền thông xã hội.

Người tổ chức cuộc đào thoát là ai?

Kế hoạch đào tẩu của cựu CEO Nissan từ Tokyo đến Beirut, rất có thể, đã được lên kế hoạch tỉ mỉ trong nhiều tháng qua.

Dữ liệu bay trên FlightRadar24 cho thấy một máy bay phản lực tư nhân Bombardier Challenger hạ cánh xuống sân bay quốc tế Rafic Hariri tại thủ đô Beirut vào lúc 4 giờ sáng giờ địa phương. Ông Ghosn đã đoàn tụ với vợ ở đây. Bà Carole Ghosn được cho là người dàn xếp để chồng đào tẩu khỏi Nhật.

Trả lời phỏng vấn tờ Wall Street, ngay sau khi chồng đến Lebanon, bà Ghosn nói rằng cuộc đoàn tụ của họ là "món quà tuyệt vời nhất trong cuộc đời". Tuy nhiên bà đã không đưa ra bất cứ bình luận này về cáo buộc liên quan đến cuộc đào tẩu của chồng mình. Về phần mình, Carlos Ghosn đã lên tiếng phủ nhận vai trò của vợ trong cuộc “vượt ngục” này, ông nói : "Việc đó không chính xác. Tôi đã một mình sắp xếp cho sự ra đi”.

Trước đó, hồi đầu năm nay, trả lời phỏng vấn đài BBC, Carole Ghosn có nói: "Tôi muốn chồng tôi trở lại và ở bên tôi. Tôi biết anh ấy vô tội.” Trong khi đó, ông Ghosn cũng đã nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc.

Câu chuyện xung quanh những cuốn hộ chiếu

Một câu hỏi hiện vẫn chưa có lời giải đáp là ông Carlos Ghosn đã dùng giấy tờ gì để vào được Lebanon.  Ông này có 3 hộ chiếu - Brazil, Pháp và Lebanon, nhưng theo tuyên bố của cơ quan an ninh Nhật Bản thì cả 3 cuốn hộ chiếu này đã bị thu giữ.

Có rất nhiều thông tin nhiễu loạn xung quanh những giấy tờ được ông cựu Chủ tịch Nissan sử dụng để vào Lebanon.

Không rõ liệu ông này có sở hữu cùng lúc 2 cuốn hộ chiếu của Lebanon hay không, vì đôi khi các doanh nhân được phép cấp 2 hộ chiếu. Mặc dù chưa được chứng thực, nhưng hiện đang có thông tin rằng rất có thể Carlos đã có hộ chiếu ngoại giao do Lebanon cấp.

Trong khi tờ báo Le Monde của Pháp nói rằng ông này đi bằng chứng minh thư, những nguồn tin khác lại cho rằng vị CEO này có thể đã sử dụng hộ chiếu Pháp hoặc thậm chí dùng hộ chiếu giả.

Các phóng viên đứng trước nhà của Carlos Ghosn tại Lebanon

Trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Tài chính, người phát ngôn của ông Ghosn cho biết ông này đã sử dụng hộ chiếu Pháp để vào Lebanon, nhưng từ chối tiết lộ cách thức ông này rời Nhật Bản.

Cùng theo tờ Thời báo Tài chính dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Lebanon, cho biết cựu ông Chủ tịch của Nissan đã vào nước này bằng hộ chiếu Pháp và chứng minh thư Lebanon.

Việc đào tẩu thành công đến Lebanon đã sớm gây ra phản ứng từ phía Nhật Bản. Các chính trị gia Nhật Bản đặt ra câu hỏi liệu ông này "có sự hỗ trợ của một số quốc gia" hay không,  trong khi một cựu thống đốc của Tokyo đã thẳng thắn cáo buộc Lebanon có liên quan trực tiếp đến vụ việc này.

Ông Carlos Ghosn lớn lên ở Lebanon và là một nhân vật nổi tiếng ở nước này. Ông sở hữu nhiều tài sản ở đây và thậm chí còn xuất hiện trên một trong những con tem bưu chính của đất nước.

Nguồn tin của hãng Reuters cho biết, đại sứ Lebanon tại Nhật Bản đã đến thăm ông này mỗi ngày trong quá trình bị giam giữ. Tuy nhiên, vị đại sứ đã không công khai xác thực việc này.

Hiện, chính phủ Lebanon bác bỏ mọi liên quan đến vụ trốn thoát của ông Ghosn. Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết họ không biết gì về kế hoạch của ông Ghosn .

Động thái của các bên liên quan 

Ngày 2-1-2020, tòa án Lebanon đã nhận được "thông báo đỏ" từ Interpol về việc bắt giữ đối tượng truy nã đối với ông Carlos Ghosn. Tuy nhiên, hiện không có hiệp định dẫn độ giữa Nhật Bản và Lebanon, và Pháp cũng từ chối dẫn độ ông Ghosn trong trường hợp ông này đến Pháp vì ông là 1 công dân Pháp.

Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã mở một cuộc điều tra về những lỗ hổng an ninh có thể đã cho phép cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn quá cảnh tại thành phố Istanbul, Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ trên đường trốn từ Nhật Bản sang Liban. Truyền thông địa phương cho biết 7 người đã bị bắt, trong đó có 4 phi công, 1 giám đốc công ty hàng hóa và 2 nhân viên sân bay.