Kịch bản số phận của ông chủ WikiLeaks sau khi bị bắt giữ

ANTD.VN - Không chỉ gây ra “cuộc chiến” pháp lý, vụ bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange có thể còn dẫn đến những đòn trả đũa của nhóm tin tặc nổi tiếng toàn cầu Anonymous.

Kịch bản số phận của ông chủ WikiLeaks sau khi bị bắt giữ ảnh 1Người dân tụ tập tại Thủ đô Washington, Mỹ, đòi thả ông Julian Assange

Ngay sau khi ông Julian Assange và một số cộng sự tại WikiLeaks bị bắt giữ tại Anh, Anonymous đã đưa ra thông điệp tới “chính phủ Anh và đoàn quân của WikiLeaks trên khắp thế giới”, kêu gọi London thả ngay ông chủ WikiLeaks. Tuyên bố của Anonymous khẳng định: “Hãy để Assange tự do, hoặc các người sẽ mất tiền!”.

Phải đến ngày 2-5 tới ông Assange mới phải ra hầu tòa lần thứ hai để xem xét khả năng có bị dẫn độ hay không. Tuy nhiên, các kịch bản về tương lai của ông Assange đã xuất hiện trên mặt báo chí khắp toàn cầu. Hàng loạt các dự đoán được đưa ra.

Trước hết là với Thụy Điển, nước ngay từ năm 2010 đã đòi Anh dẫn độ ông Assange với cáo buộc tấn công tình dục 2 phụ nữ nước này. Dù Thụy Điển đã kết thúc cuộc điều tra đối với ông Assange từ giữa năm 2017, nhưng tòa án Thụy Điển vẫn có thể mở lại cuộc điều tra với ông Assange “khi tình hình thay đổi”. Nếu mở lại điều tra, Thụy Điển có thể ban hành Lệnh bắt giữ châu Âu (EAW) và yêu cầu Anh dẫn độ người sáng lập WikiLeaks về nước này để xét xử.

Với Anh, mọi việc có thể đơn giản hơn. Tháng 10-2010, khi đang chờ phán quyết có bị dẫn độ sang Thụy Điển hay không, ông Assange đã nộp hàng chục nghìn USD tiền bảo lãnh để được tại ngoại. Dù việc xin tị nạn chính trị trong Đại sứ quán Ecuador ở Thủ đô London đã khiến ông chủ WikiLeaks vi phạm điều khoản bảo lãnh tại ngoại, nhưng nếu bị tòa án Anh kết tội, ông Assange cũng chỉ phải đối mặt với bản án tối đa 1 năm tù ở xứ sở sương mù.

Với Mỹ, mọi việc sẽ không đơn giản. Ông Assange bị Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc giúp cựu nhân viên phân tích tình báo quân đội Mỹ Chelsea Manning bẻ khóa và truy cập vào hệ thống máy tính Bộ Quốc phòng Mỹ để đánh cắp các dữ liệu mật sau đó chuyển cho WikiLeaks. Nếu bị dẫn độ và buộc tội ở Mỹ với tội danh trên, ông Assange có thể đối mặt với án tù lên đến 5 năm. Còn nếu bị truy tố về hành vi phản bội theo Đạo luật Gián điệp, ông Assange sẽ phải đối mặt với án tử hình.

Khả năng ông Assange bị dẫn độ sang Thụy Điển hoặc Mỹ là không nhỏ, nhất là trong bối cảnh Anh là đồng minh thân cận của Mỹ. Nếu Anh nhận được yêu cầu dẫn độ ông Assange từ cả Mỹ và Thụy Điển, Bộ Nội vụ Anh sẽ phải quyết định ưu tiên yêu cầu nào trước dựa trên nhiều yếu tố như tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội ở từng nước hay ngày họ nhận được yêu cầu dẫn độ.

Tuy nhiên, có nhiều yếu tố tác động đến “cuộc chiến” pháp lý hiện nay xung quanh số phận của ông chủ WikiLeaks. Dù hủy bỏ cơ chế tị nạn chính trị và cho phép cảnh sát Anh vào bên trong Đại sứ quán Ecuador ở London để bắt giữ ông Assange, Tổng thống Ecuador Lenin Moreno vẫn buộc Anh phải cam kết sẽ không dẫn độ ông chủ WikiLeaks tới quốc gia có thể tra tấn hoặc kết án tử hình. Hiện ông Moreno đã có trong tay bản cam kết từ Chính phủ Anh.

Lời đe dọa của nhóm tin tặc khét tiếng nhất thế giới Anonymous cũng khiến London phải thận trọng trong quyết định của mình. Từng đánh sập hệ thống của HBGary Federal vì đã hợp tác với FBI; thách thức PayPal, Visa, MasterCard vì không hỗ trợ ông Julian Assange; tấn công website của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối luật kiểm duyệt Internet; thậm chí tuyên chiến cả với Nhà nước Hồi giáo (IS)…, Anonymous có thể gây thiệt hại nặng nề về kinh tế với nước Anh.

Theo dự đoán, khả năng Anh từ chối yêu cầu dẫn độ ông Assange của Mỹ và Thụy Điển là thấp, nhất là trước sức ép của Mỹ. Nhưng ép ông Assange vào những tội danh như mong muốn của Mỹ không phải là điều dễ dàng.