Không dễ san lấp hố sâu nghi kỵ Mỹ - Triều Tiên

ANTD.VN - Cho dù đã tiến những bước dài trên con đường đối thoại thay cho đối đầu, song để trở thành những đối tác có niềm tin với nhau, Mỹ và Triều Tiên vẫn còn cần chặng đường dài với rất nhiều trở ngại.

Không dễ san lấp hố sâu nghi kỵ Mỹ - Triều Tiên ảnh 1 Dù đã cam kết trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử hồi tháng 6-2018 song giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn còn những hố sâu nghi kỵ

Một bài bình luận đáng chú ý đăng trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, vào ngày 9-8 một lần nữa đề nghị Mỹ nhất trí tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Tờ báo có nhiệm vụ truyền tải những thông điệp chính thức của Bình Nhưỡng cho rằng, điều này sẽ mang lại hòa bình và tạo sự tin tưởng lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên.

Nhấn mạnh tới sự cần thiết phải sớm có tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh đã chấm dứt 65 năm trước, cơ quan ngôn luận của Đảng cầm quyền ở Triều Tiên cho rằng, Tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên là “yêu cầu của thời đại chúng ta và sẽ là bước tiến đầu tiên hướng tới một nền hòa bình và đảm bảo an ninh”. Tờ báo cũng lưu ý về điều cho là “bất thường” khi đến nay vẫn phải “chứng kiến sự hoài nghi và tình trạng thù địch giữa Triều Tiên và Mỹ”, bởi thế đã đến lúc phải hành động hướng tới việc tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh này. 

Việc Triều Tiên thông qua cơ quan phát ngôn chính thức một lần nữa gửi thông điệp thúc giục Mỹ sớm đạt được thỏa thuận để hai bên có thể tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh đã chấm dứt từ hơn 6 thập kỷ trước phần nào cho thấy tiến triển chậm chạp trong quan hệ giữa hai quốc gia đối đầu nhau này sau Hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6-2018. 

Tại cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên, hai bên cam kết chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng trong khi Mỹ cam kết bảo đảm an ninh cho Triều Tiên. Bình Nhưỡng sau đó cho rằng mình đã có những bước đi thiện chí như tạm ngừng thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, dỡ bỏ bãi thử hạt nhân và trao trả hài cốt binh lính Mỹ trong khi phía Washington lại đang hành động trái ngược với kế hoạch nhằm cải thiện quan hệ song phương. Washington vẫn chưa nới lỏng các biện pháp trừng phạt và tuyên bố chỉ thực thi điều này khi hoàn tất quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Mỹ chưa tuyên bố kết thúc chiến tranh nhằm dùng tình trạng này như một thứ áp lực đòi Bình Nhưỡng phải phi hạt nhân hóa. Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc bằng Hiệp định đình chiến vào tháng 7-1953 song các bên tham chiến tới nay vẫn chưa ký Hiệp ước hòa bình. Do đó, về mặt kỹ thuật, giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Tình trạng này cho phép chính quyền Mỹ áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt hay cấm vận chống Triều Tiên.

Giới quan sát cho rằng Washington tới nay về thực chất vẫn hồ nghi cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng nên muốn bám lấy thứ công cụ như tình trạng chiến tranh nhằm giành lấy “phần chuôi”. Bởi thế, chừng nào chưa chính thức tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và ký Hiệp ước hòa bình, tiến trình cải thiện quan hệ Mỹ-Triều Tiên cũng như phi hạt nhân hóa và hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên còn phải trải qua con đường gập ghềnh với những hố sâu nghi kỵ lẫn nhau.