Kế hoạch B: Khi nguyên thủ quốc gia ngã bệnh

ANTD.VN - Trong khi dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng khắp thế giới, các chuyên gia cho biết, mỗi đất nước sẽ phải lên kế hoạch đề phòng tình huống các nguyên thủ của mình nhiễm bệnh. 

Kế hoạch B: Khi nguyên thủ quốc gia ngã bệnh ảnh 1Dịch bệnh Covid-19 phức tạp khiến cho các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới cũng khó tránh khỏi nguy cơ nhiễm bệnh

Nguy cơ khủng hoảng lãnh đạo ở Anh

Trưa 27-3 (giờ London), Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố dương tính với virus Corona chủng mới và là nhà lãnh đạo quốc gia đầu tiên trên toàn thế giới nhiễm Covid-19. Cùng với đó, cả Bộ trưởng Bộ Y tế trong nội các của ông cũng xác nhận dương tính với bệnh này. Ông Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock đang phải đối mặt với những cáo buộc rằng, họ đã không làm theo lời khuyên của chính họ về cách ly xã hội. Cả 2 người được bắt gặp đứng rất gần nhau trong buổi họp Quốc hội những ngày gần đây và vi phạm giới hạn 2m vốn đã được khuyến cáo.

Thủ tướng Anh Boris Johnson nhiễm virus từ đâu và có thể đã lây nhiễm cho ai? Ông đã tiếp xúc gần gũi với hàng chục chính trị gia và các lãnh đạo cơ quan y tế trong 10 ngày qua trước khi có xét nghiệm dương tính. Việc truy vết các tiếp xúc xã hội của Thủ tướng là nhiệm vụ gần như không thể. Chỉ 3 ngày trước, ông đã có buổi họp tại Hạ viện, chưa kể còn làm việc với rất nhiều người trong và ngoài văn phòng chính phủ. Hiện Thủ tướng Anh đang tự cách ly trong văn phòng, ăn ngủ và làm việc luôn tại đó. Trong thời gian cách ly, ông Johnson được nhân viên cung cấp giấy tờ, đồ ăn bằng cách gõ cửa và chờ để ông ra nhận. Điều đáng nói là không biết ông có tiếp xúc với vị hôn thê Carrie Symonds hay không dù bà được cho là đã tự cách ly theo lời khuyên của chính phủ. Bà Symonds, 32 tuổi, hiện mang thai 6 tháng, được nhìn thấy lần cuối ở phố Downing cuối tuần qua. Hẳn là bà cảm thấy lo lắng vì một số nghiên cứu cho thấy, phụ nữ mang thai có nhiều khả năng bị nhiễm virus hơn so với những phụ nữ thông thường.

Vào tháng 3-2020, Thủ tướng Anh tự quay phim bắt tay với các bệnh nhân nghi nhiễm virus Corona tại bệnh viện. Trong cuộc chiến chống lại virus này, ông chỉ muốn cách ly người già và bệnh tật ở Anh, còn mọi người khác sẽ tự miễn nhiễm. Khi dịch bùng phát trong nước và thế giới, Thủ tướng Anh mới chuyển sang ngăn chặn triệt để nhưng có lẽ đã quá muộn. Trong nội bộ đảng Bảo thủ, các nghị sĩ vẫn đang tự hỏi tại sao Thủ tướng lại đi nghỉ 1 tuần vào tháng 2, khi mà dịch bệnh đã nổi lên khắp châu Âu? Chính phủ Anh không có một cuộc họp bàn kế hoạch chống khủng hoảng mà tới ngày 3-3 mới tổ chức. Những cáo buộc này sẽ ngày càng lớn hơn và Vương quốc Anh đang bị đe dọa bởi một cuộc khủng hoảng lãnh đạo, với những hậu quả chưa lường trước được.

Không phải là chuyện hiếm trong lịch sử

Giáo sư Ann Keller - một chuyên gia về chính sách và y tế chính trị tại Đại học California (Berkeley) cho biết, các nền dân chủ ổn định thường có quy định về người thay thế nếu nhà lãnh đạo cao nhất mất năng lực vì bệnh tật. Thậm chí, trong tình huống nguyên thủ quốc gia qua đời sẽ có những mô hình chuyển đổi rõ ràng để không có khoảng trống lãnh đạo. Chẳng hạn ở Mỹ, Phó Tổng thống Mike Pence đứng thứ hai trong chuỗi chỉ huy sau ông Trump, tiếp theo là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Tại Canada, Phó Thủ tướng Chrystia Freeland sẽ tạm thời đảm nhận trách nhiệm của Thủ tướng Justin Trudeau nếu ông bị bệnh (thực tế là ông Trudeau đang phải cách ly, làm việc tại nhà sau khi vợ ông nhiễm Covid-19). 

Tuy nhiên, một số chuyên gia nói rằng ngay cả khi có quy hoạch này, một trận đại dịch bất thường có thể thay đổi việc bổ nhiệm lãnh đạo. “Đó là mặt thủ tục giấy tờ, nhưng việc trao quyền cho người nào trong số những người xung quanh nhà lãnh đạo thường khá khó khăn, nhạy cảm, thậm chí dễ dàng gây phản tác dụng” - Giáo sư Eugene Bardach của trường Chính sách công Goldman (thuộc Đại học California, Berkeley) nhận định. Theo ông Bardach, ở các quốc gia có chế độ chuyên chế, cái chết của nhà lãnh đạo thường báo hiệu một cuộc đảo chính hoặc nội chiến.

Trong lịch sử thế giới, chuyện nguyên thủ bị bệnh khi đương chức không phải là chuyện hiếm. Giáo sư Sue Horton tại Đại học Waterloo (Ontario) cho biết, có rất nhiều ví dụ về các nguyên thủ quốc gia cần chăm sóc y tế, đi chữa bệnh và tiếp tục trở lại trọng trách của họ. Năm 1955, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower gặp một cơn đau tim  và phải nhập viện điều trị. Cựu Tổng thống Pháp François Mitterrand đã chiến đấu với bệnh ung thư tuyến tiền liệt khi còn đương chức cho đến năm 1995. Trước đó, hồi năm 1918, Thủ tướng Anh David Lloyd George bất ngờ bị cúm trong đại dịch cúm Tây Ban Nha khiến 50 triệu người thiệt mạng trên toàn thế giới và châu Âu đang phải vật lộn trong những tháng cuối cùng của Thế chiến I. Khi đó ông David Lloyd George 55 tuổi, bằng tuổi với ông Boris Johnson hiện giờ. Nhưng ở năm 1918, tin tức về ông David Lloyd George đã được giữ kín, mặc dù vị Thủ tướng không thể rời khỏi Tòa thị chính nơi ông cách ly điều trị trong 12 ngày. Cũng trong lịch sử nước Anh, Thủ tướng Winston Churchill đã bị viêm phổi và đột quỵ vào giai đoạn 1943 - 1944, giữa đỉnh điểm của Thế chiến II. Một lần nữa, tin tức về các căn bệnh của ông được giữ bí mật. Tới năm 1951, ông Winston Churchill quay lại ghế Thủ tướng ở tuổi 77. Nhưng vị “chiến binh cao tuổi” này chịu một loạt bệnh về tim và cố làm nốt nhiệm kỳ 4 năm. Vào năm 1963, Thủ tướng Anh Harold MacMillan đã phải vào viện phẫu thuật khẩn cấp tuyến tiền liệt. Nhà lãnh đạo 69 tuổi bị chẩn đoán ung thư và ngay lập tức từ chức. Tương tự, Thủ tướng Harold Wilson đã từ chức giữa chừng vào tháng 3-1976 khi mới nhậm chức được 2 năm khi cảm thấy không thể tập trung hay tranh luận. Ngay sau đó, ông được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer.

Kế hoạch B: Khi nguyên thủ quốc gia ngã bệnh ảnh 2Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc họp Hạ viện chỉ 3 ngày trước khi có kết quả xác nhận dương tính với Covid-19

Tác động về kinh tế - xã hội

Trong tình thế dịch đang bùng phát dữ dội trên toàn cầu, không loại trừ viễn cảnh các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch cùng một lúc. Một yếu tố phức tạp khác là trước kia, dù có bị ốm đau thì hầu hết các nguyên thủ không ngã bệnh giữa lúc cố gắng dẫn dắt đất nước của họ vượt qua cơn khủng hoảng. 

Một số nhà lãnh đạo trong quá khứ cũng từng cố gắng hạ thấp mức độ nghiêm trọng của bệnh tật để duy trì niềm tin công chúng. Tổng thống Mỹ John F. Kennedy mắc một căn bệnh tự miễn gọi là bệnh Addison nhưng mãi sau này mới tiết lộ. “Nhà lãnh đạo muốn duy trì danh tiếng của chính mình và không muốn mất nó” - Giáo sư Eugene Bardach nói. Hơn nữa, việc nhà lãnh đạo thế giới mang bệnh trọng giữa mùa dịch này sẽ tác động tới dư luận và gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. 

Đại học quốc gia Australia dự đoán tổn thất GDP toàn cầu là 2,4 nghìn tỷ USD nếu đại dịch kết thúc ở mức độ vừa phải. Trong trường hợp xấu nhất, tổn thất GDP toàn cầu có thể lên tới 9 nghìn tỷ USD. “Thị trường không thích sự không chắc chắn. Vì vậy, nếu một nguyên thủ quốc gia bị bệnh và không thể thực hiện nhiệm vụ của mình, điều đó có thể tạo ra rất nhiều điều không chắc chắn” - ông Eugene Bardach nhận định. Giáo sư Sue Horton cũng cho rằng, mặc dù sự bất ổn có thể tạo ra sự không chắc chắn trên thị trường toàn cầu, nhưng đó chỉ là mối lo ngắn hạn, nó khó có tác động lâu dài về tổng thể.

Các chuyên gia nói rằng, phản ứng xã hội đối với bệnh tình của một nhà lãnh đạo quốc gia có thể khác nhau. Theo Giáo sư Bardach, nước Mỹ đang ở giữa mùa bầu cử, vì vậy việc minh bạch căn bệnh tiềm ẩn trong hàng ngũ những người đứng đầu đất nước sẽ được Nhà Trắng tính toán rất kỹ. Bởi tin tức về việc lãnh đạo nhiễm Covid-19 có thể làm cho dân chúng cảm thấy sợ hãi, bi quan, khi dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng. 

“Các nền dân chủ ổn định thường có quy định về người thay thế nếu nhà lãnh đạo cao nhất mất năng lực vì bệnh tật. Thậm chí, trong tình huống nguyên thủ quốc gia qua đời sẽ có những mô hình chuyển đổi quyền lực chính trị rõ ràng để không có khoảng trống lãnh đạo”.

Giáo sư Ann Keller - chuyên gia về chính sách và y tế chính trị tại Đại học California (Berkeley, Mỹ)