Iran ra tối hậu thư về việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân

ANTD.VN - Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đã sụp đổ không như người ta mong đợi, và nó đang là mối nguy hiểm không chỉ cho bản thân quốc gia Hồi giáo này mà còn nguy hại cả thế giới.

Iran ra tối hậu thư về việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân ảnh 1Tổng thống Iran Hassan Rouhani 

Và hôm qua 8-5, Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo Iran Hassan Rouhani đã ra tối hậu thư tuyên bố nước này sẽ ngừng thực hiện một số cam kết tự nguyện trong thỏa thuận JCPOA.

Theo đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã thông báo rằng, sau 60 ngày, Iran sẽ thu hẹp việc thực hiện các cam kết tự nguyện trong thỏa thuận hạt nhân với Nhóm P5+1 gồm (Anh, Pháp, Đức, Nga, Mỹ và Trung Quốc), mà cụ thể là việc làm giàu uranium. Và đây cũng được cho là thời hạn mà Iran yêu cầu các nước thành viên nhóm P5 thực hiện các cam kết liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng đối với Iran.

Lời tuyên bố trên là tối hậu thư mà Iran muốn đưa ra cho các quốc gia thành viên Nhóm P5+1, và được Tổng thống Rouhani đưa ra ngay sau khi có tin đồn đoán về việc quốc gia này sẽ tăng cường hoạt động làm giàu uranium, thậm chí hủy bỏ thỏa thuận JCPOA, đối đầu với những thách thức từ các lệnh trừng phạt bổ sung từ các quốc gia phương Tây. 

Tổng thống Rouhani cũng cảnh báo Iran sẽ có hành động đáp trả nhất định về vấn đề hạt nhân một lần nữa được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định lập trường của Iran sẽ sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán về hạt nhân. “Chúng tôi sẵn sàng đàm phán các vấn đề liên quan đến JCPOA, và chúng tôi sẽ không bao giờ từ chối các cuộc đàm phán liên quan đến thỏa thuận này”, Tổng thống Rouhani nói. 

Thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 được thực thi để Iran hạn chế việc phát triển các chương trình hạt nhân và làm giàu uranium, khiến phương Tây lo ngại có thể dẫn tới quốc gia Hồi giáo này phát triển bom hạt nhân. Và khi tham gia thực hiện thỏa thuận này, Iran sẽ được các quốc gia phương Tây gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt đang áp đặt đối với Teheran. 

Tuy nhiên, tháng 5-2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran với lý do rằng nội dung của bản thỏa thuận phần lớn ưu đãi với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế Iran tham gia các cuộc xung đột trong khu vực. Sau đó, Mỹ lại tiếp tục áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu lại tìm mọi nỗ lực để cứu vãn thỏa thuận này. 

Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran, bảo vệ lợi ích của quốc gia Hồi giáo này, nhưng hiện tại cơ chế này của EU vẫn chưa có tín hiệu hoạt động, mặc cho Teheran đã nhiều lần nhắc nhở. Động thái ra tối hậu thư của Tổng thống Rouhani đã khiến cho căng thẳng giữa Teheran và Washington ngày càng căng thẳng hơn.