Hé lộ những ẩn ý trong chính sách hướng Đông của Nga

ANTD.VN - Giới phân tích cho rằng, Nga đang gặp khó khăn trong việc thúc đẩy quan hệ với phương Đông và mắc kẹt trong quan hệ với phương Tây, song vẫn cần cả châu Âu lẫn các nước láng giềng phía Đông để giúp Nga vượt qua sức ép của những lệnh trừng phạt và cấm vận của Mỹ.

Tập trung vào Trung Quốc

Trong thông điệp liên bang vào tháng 2-2019, Tổng thống Nga V. Putin đã đặt các nước châu Á lên hàng đầu ở phần chính sách đối ngoại trong bài phát biểu của mình trước cả châu Âu và Mỹ. Chính sách châu Á của ông Putin thường được biết đến với tên gọi là "xoay trục hướng Đông". 

Chính sách hướng Đông của Nga có 2 đặc điểm chính: (1) Có nội dung chủ yếu là theo đuổi quan hệ thương mại hơn là thúc đẩy các lợi ích chính trị và quân sự. (2) Tập trung vào các nước láng giềng Đông Bắc Á của Nga, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc.

Tổng thống Nga V. Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trổ tài nấu ăn trong một sự kiện tập trận chung hồi năm 2018 (Nguồn: RIA Novosti)

Chính sách hướng Đông của Nga bắt đầu từ cuối những năm 2010 khi Moscow, do bị kích thích bởi cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, đã nhận rõ tầm quan trọng ngày càng gia tăng của kinh tế châu Á. Tại thời điểm đó, Nga vẫn ấp ủ hy vọng gặt hái được những gì tốt đẹp nhất của cả 2 thế giới - duy trì quan hệ đối tác có lợi với cả phương Tây và phương Đông, thậm chí có thể đóng vai trò kết nối xuyên lục địa giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của khu vực Á-Âu.

Những hy vọng đó đã tan thành mây khói bởi cuộc khủng hoảng Ukraine (sau sự kiện Maidan) và những diễn biến khác khiến quan hệ giữa Nga- phương Tây rơi xuống mức thấp kỷ lục kể từ đầu những năm 1980 của thế kỷ trước. Do đó, nước Nga đã linh hoạt chuyển hướng quan hệ kinh tế sang Trung Quốc.

Năm 2018, lần đầu tiên kim ngạch thương mại Nga - Trung vượt quá 100 tỷ USD; thậm chí trước đó, Nga đã thay thế Saudi Arabia trở thành nguồn cung dầu thô lớn nhất của Trung Quốc. Đồng thời, Nga cũng thúc đẩy đường ống "Sức mạnh Sebiri" để phân phối khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sang Trung Quốc, đổi lại, Trung Quốc cũng cường xuất khẩu thực phẩm, công nghệ, điên tử... sang Nga giúp nước này phần nào giảm sự ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ/phương Tây.

Theo thông tin mới của Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), từ ngày 5 đến ngày 7-6-2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm chính thức tới Nga và tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg. Cả hai nước đều thể hiện sự đánh giá cao và kỳ vọng vào chuyến thăm này. Dự kiến, hai bên sẽ ký kết khoảng 30 thỏa thuận song phương về nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, thương mại, năng lượng, đầu tư và các lĩnh vực khác.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga V. Putin trong một lần gặp nhau cuối năm 2018 (Nguồn: Reuters)

Bên cạnh đó, sự khẳng định cho mối thân tình Nga-Trung là 2 cây cầu gần như đã hoàn thành bắc qua sông Amur (một cây cầu dành cho giao thông đường sắt và cây còn lại dành cho các phương tiện giao thông đường bộ). Trong nhiều thế kỷ, Amur là ranh giới chính giữa Nga và Trung Quốc, nhưng không có một cây cầu nào nối liền hai biên giới.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, hiện nay không phải người Nga nào cũng hài lòng về mối quan hệ gần gũi hơn giữa Nga với Trung Quốc. Nỗi sợ mang tên Trung Quốc "ẩn dật" lâu nay trong lòng xã hội Nga đã bộc lộ rõ khi một toà án địa phương chấm dứt một dự án của Trung Quốc về chế biến nước đóng chai từ Hồ nước ngọt Baikal, sau khi vấp phải các cuộc biểu tình phản đối của người dân Nga hồi tháng 3-2019.

Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là đối tác lớn của Nga, mặc dù trao đổi thương mại song phương của hai nước này thấp hơn nhiều so với Trung Quốc với Nga - lần lượt là 21 tỷ USD và 25 tỷ USD trong năm 2018. Cùng với Bắc Kinh, Tokyo và Seoul cũng sẽ được hưởng lợi từ đường ống khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Bắc Cực của Nga. Đường ống này do công ty Novatek quản lý và khai thác. Công ty này đang có kế hoạch xây dựng trạm trung chuyển LNG quy mô lớn ở bán đảo Kamchatka, đồng thời thiết lập trạm này như một trung tâm định giá cho thị trường LNG của châu Á.

Tăng cường quan hệ tài chính

Sự chuyển hướng của Nga sang Đông Bắc Á cũng thể hiện rõ trong lĩnh vực tài chính. Năm 2018, Ngân hàng Trung ương Nga đã giảm mạnh vốn đóng góp của mình ở Mỹ từ 29,9% xuống còn 9,7%. Thay vào đó, ngân hàng này lại tăng tỷ lệ cổ phần ở Trung Quốc (từ 2,6% lên 14,1%) và Nhật Bản (từ 1,5% đến 7,5%). Ngoài ra, tỷ lệ dự trữ ngoại hối bằng đồng USD của Ngân hàng Trung ương Nga cũng giảm từ 45,8% xuống 22,7%, trong khi tăng tỷ lệ dự trữ bằng đồng NDT của Trung Quốc từ 2,8% lên 14,2%.

Quan hệ của Nga với các cường quốc châu Á ngoài Đông Bắc Á không để lại nhiều ấn tượng. Mặc dù Nga và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nâng cấp quan hệ lên thành "đối tác chiến lược", song mối quan hệ này về tổng thể vẫn còn khá "mờ nhạt".

Sự gắn kết số phận chưa thể giúp Nga và châu Âu cải thiện quan hệ

Theo thống kê mới đây, kim ngạch thương mại của Nga với ASEAN chỉ đạt 20 tỷ USD vào năm 2018. Trao đổi thương mại của Nga - Ấn Độ còn ít ỏi hơn, khoảng 11 tỷ USD. Điều này không có gì ngạc nhiên. Các nước Đông Nam Á và Nam Á quá xa xôi với Nga, không có nhiều vốn đầu tư và cũng không có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của Nga nhiều như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Có lẽ, hoạt động mua bán vũ khí là lĩnh vực chủ chốt mà Nga có lợi thế cạnh tranh ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á.

Mặc dù, Nga mong muốn tìm kiếm quan hệ thương mại và đầu tư ở châu Á, song nước này vẫn duy trì vị thế chính trị mờ nhạt trong khu vực. Dù tự coi mình là một cường quốc lớn trên thế giới, nhưng Nga đang thiếu những động thái cụ thể trước những tham vọng địa chính trị lớn và các cam kết của Tổng thống Putin đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Hội nghị thượng đỉnh gần đây giữa Tổng thống V. Putin với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un từ ngày 24 đến ngày 25-4-2019 tại Vladivostok, vùng Viễn Đông (Nga) đã thể hiện rõ điểm này. Cuộc gặp đã tái khẳng định vai trò của Nga với tư cách là một "người chơi" trong ván cờ Triều Tiên, tuy nhiên lại cho thấy lợi ích của Moscow trên bán đảo không quan trọng như lợi ích của các "người chơi" khác. Khi đó đó, Tổng thống Putin chỉ có thể dành vài giờ đồng hồ để gặp Chủ tịch Kim Jong-un, rồi sau đó phải khởi hành chuyến đi 3 ngày tới Bắc Kinh để tham dự Diễn đàn "Vành đai, Con đường" (BRI).

Qua đó, Nga ngầm thừa nhận khu vực Đông Á nằm trong tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, trong khi chính Điện Kremlin lại bận tâm với châu Âu, cũng như khu vực Trung Đông, nơi nước Nga đang chiếm ưu thế trước Mỹ khi giúp Tổng thống Syria đầy lùi lực lượng IS và khôi phục phần nào đất nước. 

Giới chuyên gia quốc tế cho rằng, dường như Tổng thống V. Putin đang nhường lại khu vực Đông Á cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến những giới hạn khách quan đối với tham vọng địa chính trị của Nga ở châu Á. Vùng Viễn Đông của Nga chỉ có 8 triệu dân. Cơ sở hạ tầng của khu vực khá nghèo nàn, thậm chí dưới mức tiêu chuẩn của Nga. Sự thiết hụt về năng lực hải quân ở ngoài khơi đã hạn chế khả năng của Nga trong việc phát huy sức mạnh và tầm ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương, vốn là vùng chủ đạo về thủy chiến. Hạm đội Thái Bình Dương của Nga hiện chỉ có 6 tàu chiến mặt nước cỡ lớn, có khả năng hoạt động ở biển sâu. Cả 6 tàu này đều được sản xuất từ thời Liên Xô.

Một tàu chiến trong Hạm đội Thái Bình Dương của Nga (Nguồn: Sputnik)

Mặc dù sự phụ thuộc vào các thị trường châu Á, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, ngày càng gia tăng nhưng mối quan tâm về ngoại giao và an ninh của Nga, cũng như đòn bẩy chính trị-quân sự của Nga lại tập trung chủ yếu vào phía tây của khu vực Á-Âu. Những ẩn ý của điều này rất khó dự đoán.

Dự báo, trong thời gian tới, Nga sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại với Trung Quốc để khắc chế với các lệnh trừng phạt cũ và mới của Mỹ/phương Tây, ngược lại, Trung Quốc cũng thừa hiểu những tác động trong cuộc chiến thương mại với Mỹ nên cũng sẽ mềm mỏng với Nga cùng nắm tay nhau vượt qua giai đoạn sóng gió này. Đồng thời, Nga cũng tìm cách thể hiện vai trò, tầm ảnh hưởng của mình tại châu Âu thông qua các diễn đàn khu vực, quốc tế nhằm tìm lại hình ảnh, vị thế nước lớn của Nga.